Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 22/11 thông báo nước này sẽ cho phép du học sinh, lao động tay nghề cao đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 nhập cảnh từ đầu tháng 12. Biết tin, Phạm Ánh Nguyệt rơi vào tâm trạng hỗn độn.
Nguyệt mừng vì sắp được sang Australia sau 20 tháng chờ đợi nhưng cũng cảm thấy không chắc chắn trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại. Nữ sinh chưa vội đặt vé, thận trọng nghe ngóng tình hình.
Nguyệt là sinh viên ngành Kinh doanh của một trường đại học có cơ sở ở thành phố Sydney. Nhập học từ đầu năm nhưng vì dịch bệnh, đến tháng 9 cô mới bắt đầu học online. Nữ sinh quê Nghệ An hiện sống và làm việc tại TP HCM.
Khoảng ba ngày sau thông báo trên, Nguyệt quyết định mua vé, bay vào 23/12. Vài ngày sau, khi hay tin về biến chủng mới Omicron, nữ sinh năm nhất chủ động đổi vé, đẩy ngày bay sớm hơn do lo ngại Australia có thể đóng biên giới sau thời gian ngắn mở lại.
Tham khảo giá vé, Nguyệt tính phải bù thêm khoảng 2,7 triệu đồng nếu đổi ngày khác. Cô chần chừ. Tối cùng ngày, Nguyệt vào lại trang web của hãng bay, thấy giá vé đã thấp hơn và không mất tiền chênh lệch. Nguyệt đã nghĩ mình may mắn và quyết định đổi vé, bay vào 9/12.
Đúng như Nguyệt lo ngại. "Hôm 29/11, Australia thông báo hoãn mở biên giới đến 15/12 làm em xoay như chong chóng. Nhưng giờ giá vé đang chênh cao nên em chờ vài hôm nữa xem sao", Nguyệt nói.
Ngày mở cửa được dời lại và chưa ấn định cụ thể. Nguyệt tính nếu đổi vé tiếp và hôm sau phía Australia lại hoãn, em sẽ mất tiền thêm lần nữa. Hiện tại, với tấm vé bay vào 9/12 - thời điểm Australia chưa mở biên - Nguyệt biết chắc chắn sẽ phải đổi lần nữa, nhưng chưa biết đổi đến ngày nào.
Theo Nguyệt, nhiều bạn bè du học Australia cũng đồng loạt mua vé rồi đổi ngày sang sớm hơn, dù đã thi xong học kỳ và đang nghỉ hè. "Em cũng mong sang được Australia rồi tính tiếp. Em sẽ tìm việc để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống trong lúc đợi kỳ học tiếp theo", Nguyệt tâm sự.
Sau khi trải qua cảm xúc háo hức lúc biết tin mở cửa đến lo lắng khi nghe thông báo hoãn, nhiều du học sinh cố gắng suy nghĩ lạc quan để tránh ảnh hưởng tâm lý. Huỳnh Minh Anh là một ví dụ.
Minh Anh học online suốt thời gian qua và vừa kết thúc năm nhất thạc sĩ Khoa học Dữ liệu của Đại học Monash, thành phố Melbourne, bang Victoria, và sẽ bắt đầu năm thứ hai vào tháng 2/2022. Cô kể trước khi có thông báo hôm 22/11, Australia đã có kế hoạch đưa sinh viên quốc tế dần trở lại từ tháng 12 theo chương trình thí điểm Pilot program.
Theo ABC News, hàng trăm sinh viên quốc tế sẽ đến Sydney vào tuần tới, dù chính phủ liên bang đang trì hoãn việc nới lỏng các giới hạn biên giới vì biến thể Omicron. Chuyến bay thuê bao (charter flight) đầu tiên chở 250 em sẽ hạ cánh ở Sydney vào 6/12. Chuyến thứ hai chở 250 em khác sẽ tới vào 24/12.
Đại học Monash đã gửi thông báo và khảo sát tới sinh viên để biết được mức độ sẵn sàng của các em khi quay trở lại. Minh Anh không có trong danh sách bay trong tháng 12 do chương trình ưu tiên những sinh viên cần đi thực tập hoặc phải học trong phòng lab.
"Nhận được mail báo không được chọn cho đợt đầu, tôi đã trong tâm lý sẵn sàng rằng ít nhất trong tháng 12 chưa thể sang. Nhưng hôm 22/11, Australia có tin mở cửa đồng loạt cho sinh viên quốc tế khiến tôi rất bất ngờ", Minh Anh nhớ lại.
Hôm 24/11, Minh Anh mua vé của hãng Singapore Airlines sang Australia vào 21/1/2022. Cô cũng bắt đầu cùng bạn tìm nhà, cập nhật thông tin về yêu cầu đối với du học sinh.
Vài ngày sau, biến thể mới xuất hiện, Minh Anh bắt đầu hoang mang, muốn đổi vé đi sớm hơn. Lúc biết kế hoạch mở cửa bị hoãn lại ít nhất hai tuần, cô bối rối không biết nên chọn đổi vé vào tuần nào của tháng 12 khi đồ đạc chưa chuẩn bị đủ, nhà chưa thuê được. Suốt những ngày sau đó, cô không ăn ngủ nổi vì lo lắng.
"Tôi có cảm giác bất ổn, không biết liệu có sang được không. Tinh thần bắt đầu rệu rã vì nghĩ đến tình huống đặt cọc tiền nhà nhưng chưa sang được", Minh Anh chia sẻ.
Sau khi tham khảo bạn bè ở Australia và bàn bạc với người bạn ở TP HCM cùng đi, cả hai thống nhất đổi vé, bay vào 27/12. Gọi điện đến văn phòng đại diện của hãng bay ở Việt Nam, Minh Anh sốt ruột khi phải giữ máy chờ 25 phút.
"Cuối cùng tôi cũng kết nối và đổi được luôn. Chỉ cần chậm vài phút nữa, tôi sẽ mất thêm 100 USD tiền chênh lệch", Minh Anh nói.
Hiện Minh Anh cố gắng giữ cho tâm lý ổn định, tiếp tục đợi tin tức, tìm nhà và vẫn chuẩn bị bay vào 27/12, nếu Australia không tiếp tục hoãn mở biên.
Minh Anh cho biết, trong group của các sinh viên cùng khóa ở trường, nhiều bạn ở nước khác có phản ứng dữ dội và yêu cầu chính phủ đưa ra một mốc thời gian nhất định. Nếu hết kỳ một vẫn chưa thể sang, họ cho biết sẽ ngừng việc học hoặc chuyển sang nước khác.
Australia là một trong những quốc gia thu hút du học sinh Việt Nam. Trung bình có từ 8.000 đến 12.000 học sinh Việt Nam du học Australia mỗi năm. Nhưng kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Australia, con số này giảm đi đáng kể. Nước này đóng cửa biên giới với du học sinh từ tháng 3/2020, định mở cửa trở lại vào 1/12. Nhưng khi xuất hiện biến chủng Omicron, Australia tiếp tục hoãn mở biên giới cho đến 15/12.
Chị Đoàn Loan, nhân viên Công ty Tư vấn Du học và Dịch thuật Đức Anh, cho biết các phụ huynh đang trong tâm trạng lo lắng, một nửa đặt vé trước, một nửa nghe ngóng tình hình dịch bệnh rồi mới quyết định. Công ty chị Loan khuyến cáo học sinh và gia đình nên đặt vé có hoãn, hủy, hoàn chuyến vì dịch bệnh khó lường.
"Khi có thông báo hoãn mở biên, nhiều học sinh và gia đình lo lắng, tuy nhiên phía Australia cho biết quyết định trì hoãn hai tuần là để chuẩn bị sẵn sàng cho việc đáp ứng với chủng mới. Do đó, tình hình cũng khả quan với các du học sinh Australia", chị Loan nhận định.
Theo vnexpress