T.N

Hằng năm, Cục phải chờ nhận dự toán, sau khi có dự toán, phía Cục mới tập trung xử lý hồ sơ đề nghị cấp sinh hoạt phí 6 tháng đầu năm chuyển ra kho bạc để kho bạc thực hiện việc chuyển tiền cho Du học sinh VN tại Nga.

Kho bạc cũng như Cục Hợp tác quốc tế (HTQT), nhân lực đều có hạn, trong khi mình không thể xử lý đồng thời tất cả yêu cầu cùng một lúc mà phải giải quyết lần lượt. Rồi khoảng ngày 3, 4 hằng tháng mới có tỷ giá (thì mới thực hiện được việc lập dự toán), ngày 25 kho bạc phải dừng việc nhận dự toán từ Cục để tập trung xử lý hết các dự toán đã chuyển ra.

Nghĩa là Cục chỉ có khoảng 3 tuần cho mỗi tháng để xử lý hồ sơ chuyển tiền, chỉ cần chậm một hai nhịp là sẽ lỡ sang tháng sau. Thông thường vài tháng đầu năm có thể nhiều bạn sẽ bị chậm một chút, nên các bạn ấy phản ánh là đúng. Về vấn đề này, Cục HTQT cũng cho người làm ngày làm đêm để khắc phục.

Thưa ông, một số du học sinh VN tại Nga phản ánh rằng không chỉ chậm mà còn thiếu và được phía người của Cục HTQT giải thích là do sang sau ngày 15.10.2018?

Về nguyên tắc, Du học sinh VN tại Nga cứ đủ hồ sơ là được cấp đầy đủ tiền theo quy định, vì chế độ của lưu học sinh đã được quy định rõ ràng, cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, mọi khoản chi tiêu đều được dự toán và được phê duyệt từ năm trước. Còn nếu có ý kiến phản ánh việc thiếu là có thể liên quan tới nét đặc thù của năm 2018, khi mà chuyên viên của Cục không giải thích đủ cặn kẽ để lưu học sinh hiểu nhầm tưởng là thiếu, chứ thực ra không thể cấp thiếu cho lưu học sinh được.

Năm 2018, do thiếu kinh phí nên Bộ GD-ĐT đã xin Thủ tướng duyệt cấp bổ sung dự toán. Trong lúc chờ cấp bổ sung dự toán thì chúng tôi phải khắc phục “sự cố”, cụ thể các bạn đi mới thì chưa cấp tạm ứng 3 tháng mà thông tin để các bạn chuẩn bị sẵn tiền từ nhà, đối với lưu học sinh đang đề nghị cấp sinh hoạt phí 6 tháng cuối năm, nếu thực hiện hết thì cũng sẽ không đủ kinh phí, mà Cục lại mong muốn tất cả lưu học sinh đều nhận được tiền, dù ít dù nhiều, để các bạn ấy đỡ khó khăn trong thời gian học tập ở Liên bang Nga.

Vì thế thay vì cấp 6 tháng, Cục đã rút thời gian cấp xuống 4 hoặc 5 tháng. Sau khi được cấp dự toán bổ sung, cuối năm 2018, Cục đã gấp rút chuyển tiếp kinh phí cho các lưu học sinh, tuy nhiên do thời gian hạn chế nên nhiều du học sinh VN tại Nga chưa kịp nhận đủ kinh phí theo quy định trong năm 2018.

Lẽ ra chuyên viên của Cục phải giải thích để các bạn Du học sinh VN tại Nga hiểu rằng phần thời gian còn cấp thiếu không phải bị “mất”, mà là đến thời điểm tương ứng với thời gian thiếu trước đó các bạn ấy sẽ được cấp gối vào. Chẳng hạn theo quy định thì cứ 6 tháng các bạn lưu học sinh mới được nhận trợ cấp sinh hoạt phí một lần, nhưng nếu đợt năm trước các bạn ấy mới được nhận 5 tháng thì đến đợt cấp 6 tháng kinh phí tiếp theo các bạn ấy sẽ được nhận sinh hoạt phí của 7 tháng, bao gồm 1 tháng còn thiếu. Cái này là khuyết điểm của Cục, chúng tôi sẽ đề nghị các chuyên viên quản lý lưu học sinh Liên bang Nga giải thích kỹ hơn để lưu học sinh yên tâm.

Nhưng Cục HTQT cũng phải có giải pháp khắc phục chứ không thể xem việc chậm là mặc nhiên?

Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề, đặc biệt là trong bối cảnh hằng năm du học sinh VN tại Nga vẫn liên tục tăng (hằng năm tuyển mới gần 1.000 lưu học sinh, trong khi số về nước chỉ 700 - 800), và đã có giải pháp về lâu dài nhưng tạm thời chưa thực hiện được ngay. Trước mắt, chúng tôi chỉ có thể làm như tôi đã chia sẻ ở trên và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Còn về lâu dài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo phải sớm giao cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục thực hiện việc chuyển kinh phí cho lưu học sinh ở nước ngoài (trong đó có du học sinh VN tại Nga). Khi chuyển xuống các đơn vị, họ sẽ chủ động hơn trong việc ký kết hợp đồng lao động, có thêm nguồn nhân lực, nguồn lực khác để họ làm việc hiệu quả hơn. Còn Cục thì tập trung vào các chức năng mang tính chất quản lý tổng thể. Đó là giải pháp lâu dài.

Theo thanhnien