|
|
Học sinh Ấn Độ tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Anh tại trung tâm Western Overseas. |
Triển vọng việc làm thấp, điều kiện sống khó khăn khiến ngày càng nhiều học sinh đến từ các vùng nông thôn Ấn Độ lựa chọn du học nước ngoài, bất chấp việc gia đình phải vét sạch tiền bạc.
Khi Sachin, 19 tuổi, không trúng tuyển một trường đại học tốt tại Ấn Độ, gia đình em đã vét sổ tiết kiệm, vay thêm tiền để con trai sang Canada du học.
2 triệu rupee (590 triệu đồng) là số tiền gia đình gom góp để Sachin học thêm tiếng Anh, đăng ký du học Canada thông qua tổ chức tư vấn thị thực Western Overseas, thành phố Ambala, Ấn Độ.
“Ước mơ của tôi là định cư nước ngoài vì tôi không thấy tương lai ở Ấn Độ”, Sachin cho biết và dự định theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Canada.
Trong nhiều thập kỷ, tầng lớp trung lưu Ấn Độ đã gửi con cái ra nước ngoài du học để tìm kiếm triển vọng tốt hơn. Nhưng gần đây, gia đình ở vùng nông thôn nghèo Ấn Độ, gia đình khó khăn cũng cố gắng xoay xở cho con cái du học và định cư nước ngoài.
Các chuyên gia tư vấn thị thực phân tích chi phí giáo dục tư nhân tại Ấn Độ ngày càng tăng trong khi cơ hội việc làm trong khu vực công và sản xuất giảm khiến hàng nghìn gia đình phải thế chấp tài sản hoặc vay ngân hàng để con đi du học. Chính vì vậy, các trường đại học nước ngoài, các tổ chức tư vấn du học quốc tế đang nhắm tới thị trường du học sinh tiềm năng tại Ấn Độ.
Không chỉ tổ chức hội chợ giáo dục trực tiếp, nhiều trường đại học, trung tâm tư vấn đã mở phiên tư vấn trực tuyến, hướng đến nhóm đối tượng là sinh viên vùng nông thôn. Đơn cử, trung tâm tư vấn thị thực Western Overseas, nơi Sachin đăng ký, thường xuyên đăng bài quảng cáo, tư vấn trên các nền tảng xã hội như Facebook nhằm tiếp cận học sinh, sinh viên ở xa thành thị.
Ông Pradeep Baliyan, người sáng lập Western Overseas, cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu đưa 5 nghìn du học sinh Ấn Độ ra nước ngoài trong năm nay; đồng thời mở thêm chi nhánh tại Australia và Canada để cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm”.
Theo ước tính của Chính phủ Ấn Độ, sau khi các quốc gia dỡ bỏ lệnh cấm biên giới, gần một triệu sinh viên nước này đã du học Hoa Kỳ, Canada, Australia, Anh, Ireland và New Zealand đầu năm 2022, tăng gần gấp đôi so với trước đại dịch.
Ông Catrina Jackson, Giám đốc Trường Đại học Australia, cho biết, hơn 76 nghìn sinh viên Ấn Độ đang theo học tại Australia. Số lượng sinh viên dự kiến sẽ tăng vọt sau khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương trong năm 2022.
Bên cạnh Australia, Canada cũng là điểm đến du học được đông đảo học sinh, sinh viên Ấn Độ lựa chọn. Một trong những điểm nhấn của Canada là du học sinh có cơ hội trở thành thường trú nhân. Ngoài ra, so với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, cơ hội làm việc và cư trú sau đại học tại Canada linh hoạt hơn.
Các trường đại học Canada đang liên kết với các tổ chức tư vấn du học quốc tế như ApplyBoard và IDP nhằm khai thác nhu cầu giáo dục quốc tế bùng nổ tại Ấn Độ. Các trung tâm thường tổ chức 8 đến 10 hội chợ giáo dục thường niên tại Ấn Độ, thu hút hơn một nghìn người tham gia.
Tuy nhiên, con đường học tập tại phương Tây vốn không dễ dàng và chắc chắn. Đầu tiên, do số lượng đơn đăng ký quá lớn, học sinh, sinh viên Ấn Độ đang mòn mỏi chờ giấy xác nhận thị thực để nhập cảnh nước ngoài dù năm học mới đã bắt đầu.
Ngoài ra, chi phí học tập và sinh hoạt tại Canada, Australia hay Hoa Kỳ là tương đối cao so với những gia đình thu nhập thấp. Tuy nhiên, với nhiều gia đình khó khăn, “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi Ấn Độ”.
Theo GD&TĐ