Anh Nguyễn Đăng Anh Thi chia sẻ các thủ tục từ đăng ký nội trú, trường học cho con đến bảo hiểm y tế, số an xinh xã hội, thẻ tín dụng khi du học ở Canada. 

Trước ngày lên đường đi Canada, tôi đem tất cả giấy tờ cần thiết dịch thuật công chứng sang tiếng Anh và mang theo để sử dụng khi cần thiết. Thông thường, khi bạn có thư mời nhập học chính thức, trường sẽ gửi email hướng dẫn chi tiết về những điều cần chuẩn bị cho những ngày mới đến Canada. Hướng dẫn này bao gồm từ việc nộp hồ sơ xin giấy phép du học đến chuẩn bị chỗ ở, mua bảo hiểm y tế, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thẻ sinh viên, đăng ký môn học... cùng với hướng dẫn thêm cho du học sinh có gia đình đi cùng.

Khu nội trú trường University of British Columbia (UBC) gồm nhiều cụm phức hợp, đủ chỗ cho 12.000 sinh viên. Trong đó, có một khu dành riêng cho sinh viên ở cùng gia đình, là Acadia Park, đủ cho gần 630 hộ, gồm các loại nhà phố, căn hộ, studio. Khu Acadia Park rộng bằng vài sân bóng đá, có đầy đủ sân chơi trẻ em, sân tập thể thao, công viên, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ, một khu cắm trại nhỏ và cả một khu vực chuyên trồng hoa, rau, cây ăn trái được phân bổ luân phiên cho những người yêu thích trồng trọt, làm vườn.

Trong tầm đi bộ vài trăm mét là hai trường tiểu học và mẫu giáo, một trường trung học phổ thông, và một khu thương mại nhỏ với đầy đủ cửa hàng tạp hóa, quán ăn, dịch vụ...

Khu Acadia Park dành riêng cho du học sinh ở cùng gia đình. Ảnh: UBC.

Khu Acadia Park dành riêng cho du học sinh ở cùng gia đình. Ảnh:UBC.

Vì nhu cầu nội trú rất cao, nhất là sinh viên có gia đình nên ngay khi nộp đơn xin nhập học trường đã khuyến cáo nên đăng ký chỗ ở. Lúc đăng ký tôi ở trong danh sách chờ trên 100 người, nhưng sau khoảng 2 tháng có một đợt sinh viên dọn ra ngoài sau tốt nghiệp nên gia đình tôi may mắn được trao một suất ở Acadia Park.

Đó là căn nhà phố dạng hai tầng gồm hai phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, bếp, một mảnh vườn nhỏ xinh với cây hoa hải đường, nơi đặt bộ bàn ghế uống trà và bày tiệc nướng BBQ những ngày hè. Gọi là nhà phố (townhouse) vì được bố trí liền kề, nhưng xung quanh là cỏ cây xanh mướt, hoa lá đủ sắc màu, được một đội làm vườn của UBC thường xuyên chăm sóc.

Việc quan trọng đầu tiên khi tôi mới đến Vancouver là đăng ký trường học cho con. Tất cả học sinh quốc tế đều phải đăng ký tại Newcomer Wellcome Centre thuộc Sở Giáo dục (School Board), nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ, đồng thời cung cấp hỗ trợ hội nhập cho gia đình học sinh mới đến Vancouver. Mọi dịch vụ tại đây đều miễn phí, không khí làm việc nhẹ nhàng. Trung tâm này có những nhân viên nói tiếng Việt nên ngay cả người Việt không thạo tiếng Anh vẫn được hướng dẫn tận tình.

Giấy tờ cần thiết để đăng ký học gồm: giấy phép cư trú hợp pháp tại Canada (giấy phép du học, giấy phép lao động, thẻ thường trú...), hộ chiếu, chứng nhận nơi ở (hợp đồng thuê nhà, hóa đơn Internet/điện/điện thoại...), giấy khai sinh, học bạ Việt Nam và quan trọng nhất là sổ lịch sử tiêm chủng (immunization record) của con.

Ở độ tuổi đi học, học sinh được cơ quan y tế chủng ngừa vaccine trực tiếp tại trường theo kế hoạch, đó là lý do cần có sổ tiêm chủng khi nhập học. Điều này cũng giúp phụ huynh không cần thiết canh thời gian đưa con đi tiêm ngừa từng mũi. Trường hợp mũi vaccine nào bị bỏ lỡ, phụ huynh có thể dẫn con tiêm ngừa tại các phòng khám được ấn định.

Nhân đây tôi cũng muốn đề cập đến bảo hiểm y tế tại British Columbia (BC). Cư dân BC có thời hạn lưu trú trên 6 tháng phải tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, gồm các dịch vụ y tế cơ bản, gọi là Medical Services Plan (MSP). Việc đăng ký MSP cũng nên được thực hiện ngay khi đến Canada do phải chờ đợi xử lý hồ sơ. MSP có thể đăng ký trực tuyến hoặc qua đường bưu điện đến Health Insurance BC. Sau khi đăng ký thành công, mỗi người được cấp một thẻ gửi về tận nhà, gọi là BC Services Card để sử dụng. Chỉ có thẻ của người trên 19 tuổi mới có hình và còn có chức năng như thẻ căn cước (ID).

Các trường học thường bắt buộc sinh viên mua bảo hiểm y tế tạm thời trong 3 tháng để được bảo vệ sức khỏe trong thời gian chưa có MSP. Từ ngày 1/1/2020, công dân Canada và thường trú nhân tại BC được miễn đóng phí MSP, trong khi tất cả sinh viên quốc tế phải đóng 75 đôla Canada mỗi tháng.

Quay trở lại việc đăng ký học tại Sở Giáo dục. Trung tâm tiếp nhận sẽ tổ chức đánh giá năng lực học sinh và gửi thông tin học sinh cùng kết quả đánh giá về trường học trong tuyến (catchment) mà gia đình học sinh lưu trú. Tùy cấp lớp, đánh giá có thể bao gồm kỹ năng tiếng Anh và năng lực tính toán để nhà trường có thể hỗ trợ kèm thêm học sinh khi cần thiết. Sau khoảng 2 tuần, trường Norma Rose gần nhà gọi điện và gửi email thông báo con trai tôi đã được tiếp nhận vào trường. Lúc mới sang, cháu vừa học xong học kỳ 1 lớp 8 tại Việt Nam và được tiếp tục học lớp 8 trong môi trường mới tại Canada.

Có một điểm quan trọng về tín chỉ ngoại ngữ (foreign language credit) cho học sinh quốc tế mà tôi nghĩ sẽ rất hữu ích cho phụ huynh mới đến BC. Tôi không dám khẳng định điều này là đúng với các tỉnh bang khác tại Canada, nhưng có lẽ sẽ có những quy định tương tự.

Trong điều kiện tuyển sinh đại học của một số trường lớn như UBC, SFU, Uvic..., các trường ưu tiên học sinh có thêm tín chỉ ngoại ngữ (ngoài tiếng Anh) trong 3 năm cuối cấp. Một số học sinh phải đăng ký học ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa, tiếng Việt... để có tín chỉ này. Tuy vậy, theo quy định về việc thừa nhận kết quả học tập quốc tế tương đương (external credential) của ngành giáo dục BC, học sinh có thể được cấp tín chỉ ngoại ngữ tiếng mẹ đẻ nếu học xong tiểu học trước khi đến Canada.

Cụ thể, con trai tôi hoàn tất lớp 7 tại Việt Nam nên cháu được công nhận 4 tín chỉ tương đương tiếng Việt lớp 10. Nếu cháu hoàn tất lớp 8 tại Việt Nam thì được 4 tín chỉ tương đương tiếng Việt lớp 11. Và nếu hoàn tất lớp 9 tại Việt Nam thì được 4 tín chỉ tương đương tiếng Việt lớp 12. Các tín chỉ này sẽ được ghi chung là Second Language Credits trên bảng điểm khi tốt nghiệp phổ thông.

Dĩ nhiên có thời gian để học thêm ngoại ngữ khác càng tốt, nhưng đây là quyền lợi, dù không học vẫn được 4 tín chỉ thì cũng nên nhận để sử dụng khi có nhu cầu. Cần nói thêm, hệ thống giáo dục trung học phổ thông (secondary school) tại BC gồm các môn bắt buộc và tự chọn, tùy vào năng khiếu và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Để đủ điều kiện tốt nghiệp, học sinh cần đạt tối thiểu 80 tín chỉ trong 3 năm cuối cấp.

Khi đăng ký nhập học, phụ huynh nên hỏi tín chỉ này để đảm bảo Sở ghi nhận tín chỉ vào hồ sơ học sinh trước khi chuyển về trường. Nếu quên, phụ huynh có thể gặp cố vấn học tập tại trường (school counselor). Các trường phổ thông tại Canada luôn có cố vấn học tập để giúp đỡ học sinh, định hướng học thuật và nghề nghiệp, cũng như hỗ trợ phụ huynh vấn đề liên quan.

Hoạt động thể thao mùa hè tại Acadia Park. Ảnh: Anh Thi.

Hoạt động thể thao mùa hè tại Acadia Park. Ảnh:Anh Thi.

Như tôi từng đề cập, hệ thống giáo dục công lập của BC cũng miễn học phí cho học sinh từ mẫu giáo (5 tuổi) đến hết lớp 12 nếu phụ huynh có giấy phép học tập và lao động có thời hạn từ một năm trở lên, không kể thường trú nhân và công dân Canada. Lúc sang đầu năm mới, con gái tôi đã được 5 tuổi nhưng vì thời điểm bắt đầu năm học là tháng 9, nên cháu phải học lớp pre-school, tương đương lớp Chồi ở Việt Nam.

Có nhiều lựa chọn cho học sinh trước khi học mẫu giáo tại Canada, gồm các lớp StrongStart, Child Care, và Pre-school. StrongStart là loại hình vừa chơi vừa học miễn phí, nơi học sinh, phụ huynh và giáo viên cùng tham gia. Các trung tâm StrongStart thường được bố trí trong trường mẫu giáo và tiểu học. Child Care là loại hình giữ trẻ, chi phí khá đắt nhưng nhu cầu quanh UBC cũng rất cao nên thường không đủ chỗ.

Con gái tôi được học trường University Hill Preschool gần nhà, là một trường phi lợi nhuận đã hoạt động trên 50 năm theo phương pháp Montessori. Tại đó, cháu may mắn được học với các cô Maria, Atoussa và Aya dễ thương. Dù đã rời trường gần 3 năm, con gái tôi vẫn thường nhắc về các cô, những người tạo ấn tượng tốt đẹp nhất cho cháu từ những ngày đầu đến Canada, khi còn chưa biết tiếng Anh.

Được xếp thứ hai thế giới về đất nước lý tưởng cho người nhập cư, các chương trình hỗ trợ người mới đến Canada rất đa dạng, thực tiễn và hiệu quả. Từ những ngày đầu tiên, chúng tôi luôn được hỗ trợ hội nhập từ Sở Giáo dục, nhà trường và cộng đồng cư dân sinh viên khu Acadia Park.

Điểm đặc biệt, là các Sở Giáo dục (school board, school district) ở Canada đều có nhân viên hỗ trợ định cư (SWIS) phân về hoạt động tại các trường. Nhân viên SWIS sẽ hỗ trợ phụ huynh và học sinh tất tần tật mọi thứ gồm tiếng Anh, bảo hiểm và y tế, pháp lý, việc làm, định cư, lưu trú... nhằm giúp gia đình người mới đến nhanh chóng ổn định trong môi trường mới.

Vài năm gần đây, Sở Giáo dục Vancouver có chương trình đào tạo kỹ năng cho phụ huynh nhằm tìm kiếm nhân lực giúp hỗ trợ việc đăng ký của học sinh quốc tế đến Vancouver ngày một tăng. Bà xã tôi tham gia chương trình này và sau đó công tác một năm tại đây để giúp các gia đình người Việt mới đến Vancouver sau này. Cơ hội làm việc tại Sở cũng là một cách mà bà xã tôi muốn hỗ trợ ngược lại cho cộng đồng để họ có thể hội nhập tốt hơn, như những gì chúng tôi từng nhận được trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ.

Để có thể làm việc hợp pháp, sinh viên cần đăng ký số an sinh xã hội, còn gọi là thẻ SIN, tại các Service Canada Centre. Điều kiện được cấp thẻ SIN là trong giấy phép du học phải có ghi chú được phép làm việc 20 giờ/tuần. Có trường hợp nhân viên di trú quên ghi chú này, sinh viên phải nộp hồ sơ xin cập nhật giấy phép du học qua đường bưu điện lên CIC tại Ottawa. Do vậy, khi nhận giấy phép du học tại sân bay, sinh viên cũng nên kiểm tra ghi chú này nếu khóa học của mình có thời hạn trên 8 tháng.

Ngoài ra, bạn cũng nên đăng ký thẻ căn cước BC (gọi là BCID) để sử dụng như giấy tờ tùy thân, tương tự BC Service Card có hình. Người trên 12 tuổi là được cấp BCID. Có BCID thì bạn khỏi phải lo luôn mang hộ chiếu bên mình, lại được phép sử dụng thay hộ chiếu khi bạn đi máy bay nội địa nên rất thuận tiện.

Sau khi có BCID và thẻ SIN, bạn có thể mở tài khoản ngân hàng và đăng ký thẻ tín dụng. Để cho đủ bộ, bạn cần đăng ký luôn thẻ sử dụng phương tiện công cộng (ở vùng Vancouver gọi là thẻ Compass Card) và thẻ thư viện cho cả nhà để mượn sách đọc miễn phí thoải mái.

Chúng tôi đã bắt đầu cuộc sống mới tại Canada trong những ngày đầu như thế.

Theo vnexpress