Giao diện của trang web tìm kiếm thông tin các trường đại học ở Mỹ - Ảnh chụp màn hình
Báo chí đã từng đề cập về chuyện ở Mỹ cũng không thiếu các dạng trường đại học “ma”, không được kiểm định chất lượng nên chẳng cần yêu cầu về khả năng ngoại ngữ, học lực yếu cũng được chấp nhận vào học miễn có tiền nộp. Dạng trường này thì không cần học cũng được cấp văn bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ có tham gia và nộp học phí. Vậy làm sao để có thể tự tìm hiều để lựa chọn trường phù hợp khi muốn du học Mỹ?
Cân nhắc việc lựa chọn trường
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến việc lựa chọn trường của du học sinh là dù có hàng trăm trường đại học mọi nơi nhưng dường như nhiều sinh viên Việt Nam tự hạn chế lựa chọn của mình vì muốn sống cùng người thân khi sang Mỹ du học.
Với lựa chọn này, học sinh có thể được gia đình chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên dù là người thân thì họ cũng có gia đình riêng, cuộc sống riêng nên mỗi bạn phải có sự tự lập rất cao. Cũng có rất nhiều ưu điểm với lựa chọn ngược lại là sống riêng từ khi mới sang.
Ví dụ như, khi ở ký túc xá, bạn có thể tập trung tốt hơn vào việc học, đạt kết quả học tập cao và duy trì được học bổng hàng năm, cơ hội kết bạn với những người bản xứ sẽ tăng khả năng tiếng Anh, hoà nhập với đời sống xã hội Mỹ, trải nghiệm bản sắc văn hoá địa phương, học cách sống và tư duy độc lập để trưởng thành hơn…
Google du học Mỹ, tại sao không?
Hàng năm khi mùa hè đến là tôi nhận được nhiều “cầu viện” từ phụ huynh hỏi về các trường đại học ở Mỹ để tìm hiểu cho việc gửi con cái sang đây du học. Mọi việc tưởng như khá khó khăn cho đến khi tôi biết được công cụ hữu hiệu giúp cho phụ huynh đọc để không còn phải bơi giữa đại dương thông tin mà tôi nói đùa rằng đây là “Google du học Mỹ”.
Trang web “College Scorecard” tại https://collegescorecard.ed.gov/ được thực hiện bởi bộ giáo dục Mỹ sẽ giúp cho phụ huynh có được rất nhiều thông tin hữu ích khi vào truy cập.
Các hoạt động thể thao của Trường ĐH Louisville (bang Kentucky) - Website trường
Họ sẽ tìm kiếm dạng Đại học học trong 4 năm (Bachelor) hay là Cao đẳng học trong 2 năm (Associate) cùng hơn 30 cụm ngành học khác nhau trong mục “Chương trình” (Program/Degree). Sau đó xác định thêm tiểu bang, vùng dân cư và có thể tìm thêm mã bưu điện của trường (ZIP code).
Thông thường từng đó thông tin cũng đã tìm thấy được trường mà mình muốn còn không thì nhập thêm thông tin về số lượng sinh viên, tên trường, loại trường cũng như các trường hợp đặc biệt khác...
“Vừng ơi mở cửa ra!” sẽ là câu thần chú rất đúng trong trường hợp phụ huynh tìm thấy được trường mà mình muốn xem nội dung bên trong bao gồm: số lượng sinh viên đang học, chi phí trung bình mỗi năm (đối với trường công thì chi phí này chỉ tính cho sinh viên ở trong bang), tỷ lệ tốt nghiệp dành cho sinh viên toàn thời gian nhập học lần đầu và tiền lương trung bình sau 10 năm tốt nghiệp từ trường.
Ngoài ra, phụ huynh còn có thể tính toán thêm chi phí cá nhân tuỳ thuộc vào thu nhập của gia đình, số tiền trung bình mà sinh viên nợ phải trả khi ra trường, tỷ lệ sinh viên được mượn nợ cũng như số tiền trung bình phải trả mỗi tháng.
Thực tế chỉ ra rằng ở các trường đại học ở Mỹ, sinh viên năm đầu bỏ học chuyển trường không phải là hiếm nên tiêu chí đánh giá “tỷ lệ sinh viên quay lại học năm 2” cũng được đưa vào để phụ huynh nắm thêm ngoài tỉ lệ tốt nghiệp.
Tỷ lệ chủng tộc của trường cũng được công bố công khai cùng với điểm trung bình chung của toàn bộ sinh viên trong các môn đọc, viết và toán khi vào trường.
Bên canh đó, những chương trình phổ biến nhất cũng được thống kê để phụ huynh nắm được độ “hot” của chúng để định hướng nghề nghiệp cho con cái.
Cuối cùng là phụ huynh có thể đánh dấu ngôi sao để có thể so sánh 10 trường đại học trên toàn nước Mỹ với nhau từ đó có được quyết định hợp lý nhất cho con cái của mình.
Vậy là khi có ý định cho con du học Mỹ, chỉ cần vài cú nhấp chuột, thông tin của hơn 4.000 trường đại học ở Mỹ chỉ trong tầm tay của phụ huynh mà không phải đi tìm kiếm đâu xa nữa!
Theo thanhnien