Người Việt có thể du học Hàn Quốc sớm hơn nhờ quy định mới - Ảnh 1.

Sinh viên ĐH Quốc gia Hàn Quốc tham dự lễ tốt nghiệp tổ chức hồi tháng 2.2023

SEOUL NATIONAL UNIVERSITY

Thay đổi sau gần một năm áp dụng

Bộ Tư pháp Hàn Quốc hôm 12.9 ban hành văn bản "Thông báo cải thiện quy chuẩn công nhận về tài liệu xác minh học lực của du học sinh", chính thức công nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời trong hồ sơ đối với du học sinh chương trình đào tạo chính quy (D2), khóa tiếng Hàn (D4-1) và ngoại ngữ khác tiếng Hàn (D4-7). Như vậy, học sinh Việt Nam vừa tốt nghiệp THPT vẫn có thể đăng ký du học Hàn Quốc thay vì bị từ chối như trước đó.

Động thái này diễn ra gần một năm sau khi Cục Xuất nhập cảnh Hàn Quốc thông báo không chấp thuận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời với du học sinh vừa hoàn thành chương trình THPT, mà bắt buộc có bằng chính thức. Quy định ra mắt hồi cuối tháng 10.2022 từng khiến hầu hết học sinh chưa được cấp bằng tốt nghiệp THPT vào thời điểm đó phải dời kỳ nhập học, và thay đổi trên chính là một "điểm sáng" phù hợp, đúng thời điểm, theo chuyên gia.

Cụ thể, ông Trần Thiên Văn, sáng lập và điều hành Zila Education, lý giải sự thay đổi đến từ việc quy định cũ đã ảnh hưởng khá lớn đến quá trình tuyển sinh cũng như quản lý du học sinh trong thời gian qua. "Khi quy định mới có hiệu lực, những bạn sinh năm 2005 vừa tốt nghiệp có thể nhập học ngay trong tháng 12.2023 hoặc tháng 3.2024 mà không cần đợi có bằng chính thức", ông Văn cho biết.

 

Người Việt có thể du học Hàn Quốc sớm hơn nhờ quy định mới - Ảnh 2.

Thông báo mới nhất của Bộ Tư pháp Hàn Quốc về việc chấp nhận giấy tốt nghiệp THPT tạm thời đối với du học sinh

CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, chuyên gia du học Hàn Quốc cũng lưu ý rằng một số trường Hàn Quốc có thể giữ nguyên chính sách tuyển sinh lẫn lịch trình như trước để không ảnh hưởng đến kế hoạch ban đầu, tức tiếp tục không chấp nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho đến hết năm nay. "Một số trường cũng yêu cầu bổ sung bằng tốt nghiệp THPT trước khi nhập học để hoàn thành thủ tục như ĐH Hansung", ông Văn nói.

Tuy nhiên, một số trường ĐH Hàn Quốc như Chung Ang, Konkuk, Sejong... đã nhanh chóng điều chỉnh lịch tuyển sinh linh hoạt theo quy định mới để sinh viên quốc tế có thể kịp chuẩn bị hồ sơ nhập học cho kỳ mùa đông vào tháng 12.2023, thay vì yêu cầu người học phải đợi đến tháng 3 năm sau.

Trao đổi với các đối tác, bà Jung Yoonju, đại diện ĐH Chung Ang, khẳng định giấy tốt nghiệp THPT tạm thời sẽ được trường công nhận trong thời gian tới. "Tuy nhiên, sau 6 tháng kể từ khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, du học sinh phải gia hạn thị thực và lúc này cần nộp bổ sung bằng tốt nghiệp THPT được Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc ở Việt Nam đóng dấu xác nhận", bà Jung Yoonju cho hay.

Động thái đầu tiên của kế hoạch 5 năm

Mới đây, Hàn Quốc công bố dự án giáo dục mới mang tên Study Korea 300K Project nhằm thu hút 300.000 người du học Hàn Quốc từ nay đến năm 2027, với mục tiêu đưa nước này vào tốp 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về du học. Cụ thể, Hàn Quốc sẽ cải thiện nhiều chính sách về thị thực, học bổng, cơ hội việc làm nhằm rộng cửa tuyển sinh, thu hút nhân tài trong những ngành công nghệ cao và mới nổi.

Việc thay đổi quy định về bằng tốt nghiệp THPT đối với du học sinh, theo ông Trần Thiên Văn, chính là bước đi đầu tiên cho kế hoạch Study Korea 300K Project.

"Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp Hàn Quốc trước đây thường xuyên có những quan điểm trái nghịch trong việc thu hút và quản lý du học sinh. Tuy nhiên, những kế hoạch gần đây cho thấy hai bộ này đã thống nhất quan điểm về lĩnh vực giáo dục quốc tế", ông Văn nhận xét.

Người Việt có thể du học Hàn Quốc sớm hơn nhờ quy định mới - Ảnh 3.

Sinh viên Hàn Quốc và quốc tế tham gia lễ hội âm nhạc thường niên Akaraka của ĐH Yonsei vào tháng 9.2023

YONSEI UNIVERSITY

Một động thái đáng chú ý khác là từ kỳ mùa xuân năm 2024, các trường ĐH Hàn Quốc không còn yêu cầu du học sinh phải nộp bài luận, bản tự giới thiệu hay kế hoạch học tập. Quy định này nhằm tuân thủ Đạo luật Giáo dục ĐH (Higher Education Act) được Hàn Quốc ban hành năm 2022, theo tờ Korea JoongAng Daily.

Cụ thể, các trường sẽ loại bỏ các yếu tố bên ngoài như nền tảng kinh tế-xã hội của gia đình thí sinh và chuyển trọng tâm sang đánh giá kết quả học thuật như học bạ, giải thưởng và điểm các bài thi chuẩn hóa. Một số ĐH Hàn Quốc cũng thay đổi yêu cầu về trình độ tiếng Hàn, như hạ chuẩn TOPIK (bài thi đánh giá năng lực tiếng Hàn) hoặc chấp nhận chứng chỉ của trường ngôn ngữ.

Mỗi năm, Hàn Quốc có 4 kỳ nhập học khóa tiếng Hàn, lần lượt vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Để nhập học đúng kỳ mong muốn, du học sinh Việt cần chuẩn bị hồ sơ và nộp cho trường trước 3 tháng. Riêng chương trình đào tạo chính quy như cử nhân, sau ĐH chỉ có 2 kỳ vào tháng 3, tháng 9 hằng năm, và người học cần đăng ký trước đó từ 4 đến 6 tháng tùy vào từng đơn vị.

Theo Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc, đến tháng 4.2022, Việt Nam đứng thứ 2 về số du học sinh với 37.940 người, chiếm 22,7% tổng số sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc. Trong đó, người Việt theo học nhiều nhất ở bậc cử nhân (17.534) và khóa tiếng Hàn (10.675).

Theo Thanh niên