Như tại Úc, chính phủ nước này hồi tháng 12.2023 công bố chiến lược di cư mới với trọng tâm là thắt chặt thị thực du học, cải tổ thị thực lao động nhằm cắt giảm lượng người nhập cư trong những năm tới, xuống còn một nửa, tức khoảng 235.000 người vào năm 2026 - 2027.
Đến tháng 1.2024, chính phủ Canada cũng quyết định giới hạn số du học sinh (DHS) đến nước này trong 2 năm tới. Trước mắt, trong năm 2024, nước này chỉ cấp khoảng 360.000 giấy phép du học mới, giảm 35% so với năm trước, không áp dụng với bậc phổ thông, thạc sĩ, tiến sĩ và những ai đã có giấy phép du học. Mọi đơn xin giấy phép du học muốn được xét duyệt từ nay cũng phải kèm theo thư chứng thực từ tỉnh bang sẽ theo học.
Một số quốc gia châu Âu có chung động thái. Trong năm 2023, Anh liên tục công bố chính sách mới liên quan thị thực làm việc nhằm cắt giảm lượng người nhập cư đến quốc gia này. 14 ĐH Hà Lan vào tháng 2.2024 công bố kế hoạch cắt giảm DHS bậc cử nhân cũng như các khóa học bằng tiếng Anh để hỗ trợ sinh viên bản địa và giảm áp lực nhà ở.
|
|
Đại diện một trường ĐH Úc tư vấn cho người học VN hồi tháng 10.2023 |
Thay đổi không đồng nghĩa đóng cửa
Theo tiến sĩ quản lý giáo dục Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Tổ chức Giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q (TP.HCM), đồng thời là thành viên hai hiệp hội nghề nghiệp tại Úc (CDAA và CICA), quyết định thắt chặt của chính phủ một số quốc gia du học lớn tuy sẽ làm phụ huynh, học sinh lo ngại, nhưng đây là thực tế khách quan nếu xâu chuỗi loạt vấn đề xuất hiện trong thời gian gần đây, nhất là ở giai đoạn năm 2022 - 2023.
Cụ thể, nhờ chính sách có phần cởi mở hậu Covid-19, số DHS đến các nước lớn tăng trưởng chóng mặt nhưng kéo theo hệ lụy là chất lượng, mục đích du học không đồng đều, dẫn đến một số hành vi lách luật. "Các nước cũng không muốn nguồn lao động trong các lĩnh vực, ngành nghề, giữa các khu vực và giữa lao động trong nước, nhập cư bị mất cân bằng", tiến sĩ Quang phân tích.
Cũng theo ông Quang, chính sách thay đổi theo hướng khó khăn hơn không đồng nghĩa các quốc gia phát triển "đóng cửa", mà họ hy vọng sàng lọc được nguồn sinh viên đến học nghiêm túc và tạo sự cân bằng trong phân bổ dân số, thị trường lao động. "Thế nên, gia đình và DHS cần bình tĩnh tìm hiểu, đưa ra những quyết định xác đáng cho kế hoạch du học đường dài, tránh đổ xô du học theo số đông dẫn đến không thể cạnh tranh sau tốt nghiệp", tiến sĩ Quang lưu ý.
|
|
Hàng trăm phụ huynh, học sinh Việt Nam tham dự một hội thảo du học tổ chức hồi tháng 10.2023 |
Không ảnh hưởng đến DHS nghiêm túc
Một chuyên gia về du học Canada hiện công tác tại TP.Đà Nẵng thông tin rằng các chính sách mới của nước này không ảnh hưởng đến những DHS nghiêm túc. Cũng theo chuyên gia này, người Việt chuộng du học Canada hệ CĐ, ở một số ngành như khoa học máy tính, giáo dục mầm non và y tế. Ngoài ra, ngày càng nhiều bạn đang để mắt đến những ngành mới như thể thao điện tử, khoa học môi trường, kỹ thuật điện và điện tử.
"Một xu hướng du học Canada đáng chú ý là nhiều bạn tốt nghiệp ĐH tại VN, sau khi đi làm vài năm muốn đến Canada học CĐ nhưng lại trái ngành. Trường hợp này trước đây rất khó được xét duyệt thị thực, nhưng gần đây tỷ lệ đậu đã cao hơn nhiều nếu các bạn chứng minh được mối liên quan. Ngoài ra, nhiều trường Canada cũng dành ưu tiên tuyển sinh cho thị trường VN", chuyên gia này nhận xét.
Nhiều trường Mỹ sử dụng trở lại bài thi chuẩn hóa ?
Mỹ là quốc gia không có nhiều thay đổi trong chính sách thị thực du học thời gian qua. Riêng ở cấp trường, ĐH Dartmouth thuộc nhóm Ivy League mới đây tuyên bố sử dụng trở lại kết quả các bài thi chuẩn hóa như SAT, ACT sau 4 năm từ bỏ. "Quyết định này chắc chắn sẽ tạo "hiệu ứng domino", nhưng sẽ không lan rộng mà chủ yếu ở các trường Ivy League hoặc cùng lắm là top 20. Điều này nhằm phân loại, sàng lọc sinh viên chất lượng", ông Vũ Thái An lý giải.
Cũng theo ông An, thống kê hiện nay cho thấy hơn 1.900 trường tại Mỹ không yêu cầu SAT. Bởi nếu các trường muốn nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo và siết chặt đầu vào của DHS thì có thể cân nhắc nhiều yếu tố khác trong hồ sơ ứng tuyển, như bài luận, hoạt động ngoại khóa hay các môn AP, IB. SAT hay ACT sẽ là rào cản để sinh viên nộp vào, và các trường không theo xu hướng này sẽ có thêm cơ hội tiếp nhận các sinh viên mà Ivy League đã bỏ lỡ.
|
Chia sẻ về xu hướng du học Canada, ông Vũ Thái An, Giám đốc Công ty du học GLINT (TP.HCM), cho hay trong năm 2024, những DHS bậc CĐ, ĐH sẽ phải "chọi" nhau khá nhiều để có tấm vé thị thực và độ xét duyệt cũng sẽ khó hơn. Song, đi kèm với sự siết chặt là cơ hội làm việc mở rộng khi Canada quyết định cấp giấy phép lao động có thời hạn 3 năm với mọi chương trình học, với điều kiện là tốt nghiệp từ các trường công lập.
"Động thái này giúp tất cả DHS có thêm nhiều thời gian tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, việc siết chặt cũng giúp Canada có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư vào các DHS chân chính", ông An thông tin.
Với Úc, ông An cho biết một số trường đã có công văn, thông báo về việc đánh giá hồ sơ xin thị thực trước khi nhận, thay vì chỉ yêu cầu học bạ, bảng điểm và chứng chỉ tiếng Anh như trước. "Khi các trường siết chặt đầu vào, những bộ hồ sơ chân chính lại được xét duyệt nhanh hơn", ông An nói.
Xu hướng Phương Đông
Khi các nước phương Tây siết thị thực và cắt giảm số DHS, cơ hội cũng mở ra cho những ai muốn theo đuổi nền giáo dục ở châu Á khi Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan đều muốn thu hút hàng trăm nghìn người học trong những năm tới. "Phương Đông sẽ là điểm đến thay thế lý tưởng cho DHS Việt", ông Trần Thiên Văn, Giám đốc điều hành Zila Education (TP.HCM), nhận định.
|
|
Đại diện một trường ĐH Hàn Quốc đến Việt Nam tuyển sinh trong hội thảo du học Hàn Quốc diễn ra hồi tháng 9.2023 |
Với Hàn Quốc, Bộ Tư pháp nước này mới đây công bố danh sách và thứ hạng các trường ĐH được công nhận cấp thị thực, tăng 14 đơn vị so với năm 2023. Theo ông Văn, việc tăng số lượng trường đồng nghĩa cơ hội du học Hàn Quốc ngày càng mở rộng với người Việt, vì đây là danh sách giúp sinh viên chọn được ngôi trường phù hợp để có tỷ lệ đậu thị thực du học cao hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Duy Việt, Giám đốc Công ty TNHH giáo dục và hợp tác quốc tế Phúc Nguyên (Hà Nội), nhận định xu hướng du học ngay tại châu Á là điều tất yếu do yếu tố văn hóa tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi và khâu xét duyệt thị thực du học khá dễ chịu. "Trong đó, Trung Quốc đại lục là thị trường xét duyệt thị thực đơn giản và dễ dàng nhất, tiếp đó đến Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản", ông Việt nhận xét.
Chia sẻ thêm về Trung Quốc, thạc sĩ Việt nói thị trường này liên tục thay đổi các chính sách giáo dục quốc tế. Việc "săn" học bổng du học Trung Quốc cũng ngày càng khó vì nước này cắt giảm nhiều chỉ tiêu và yêu cầu ứng viên trải qua kỳ thi sát hạch. "Điều này khuyến khích ứng viên tham gia các khóa dự bị ĐH theo chuẩn Trung Quốc để có đủ kiến thức chinh phục kỳ thi", ông Việt lưu ý.
Canada thay đổi chính sách khiến gần 80% sinh viên quốc tế lo ngại
Theo khảo sát của công ty tư vấn du học quốc tế AECC, 57% trong số hơn 70 đại diện các ĐH của Canada cho rằng họ "hơi lo ngại", trong khi 30% là "cực kỳ lo ngại" trước việc chính phủ Canada thay đổi chính sách du học gần đây.
Một cuộc khảo sát riêng của AECC với hơn 5.500 sinh viên quốc tế tương lai cho thấy 98,6% xem giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp ĐH là quan trọng "cực kỳ" hoặc "vừa phải" khi xem xét việc học tập tại Canada.
Khoảng 51,1% cho biết "có thể cân nhắc" thay đổi hoặc đã thay đổi điểm đến học tập nếu thời gian được phép ở lại Canada làm việc bị cắt giảm.
Theo chính sách mới ở Canada, những cá nhân đáp ứng tiêu chí và tốt nghiệp thạc sĩ dưới 2 năm sẽ đủ điều kiện được cấp giấy phép làm việc sau tốt nghiệp dài hơn 3 năm kể từ ngày 15.2.
Theo đại diện của các ĐH, 79,5% DHS tương lai "cực kỳ" hoặc "hơi" lo ngại trước những thay đổi chính sách gần đây của chính phủ Canada. Tuy nhiên, chỉ có 13,4% cho biết đã thay đổi suy nghĩ về điểm đến học tập trong 12 tháng qua.
|
Theo Thanh niên