Lao động làm việc trong một nhà máy Hàn Quốc.

Sau tiết học, nữ giáo sư yêu cầu gặp Cương. Cậu du học sinh giải thích rằng mình làm thêm suốt 12 tiếng và vừa kết thúc công việc lúc 8h sáng trước khi đến lớp. Tuy nhiên, giáo sư giận dữ và giảng giải cho Cương nghe về trách nhiệm của một sinh viên. Bà kết thúc cuộc nói chuyện bằng hai lựa chọn dành cho nam sinh người Việt: đi học hoặc đi làm. Cương chỉ cười. Trong khoảnh khắc đó, cậu nhận ra giáo sư không hiểu gì về trường hợp của mình.

Cương là một trong 132.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại các trường đại học Hàn Quốc, trong đó số du học sinh người Việt và Trung Quốc đã chiếm hơn 80.000 người, theo Korea Expose. Hầu hết số còn lại đến từ các nước châu Á khác.

Sinh viên quốc tế là mục tiêu thu hút của nhiều trường đại học Hàn Quốc trong bối cảnh số sinh viên trong nước giảm do tỷ lệ sinh thấp. 8 trường đại học đã đóng cửa trong 6 năm qua do áp lực từ chính phủ và số lượng sinh viên quá ít.

Các du học sinh đến Hàn Quốc với nhiều lý do: yêu thích âm nhạc và điện ảnh nước này, thích đi du lịch, muốn theo học các trường được xếp hạng cao, tỷ lệ cạnh tranh thấp và với những người như Cương thì đây là cơ hội để tiếp cận thị trường việc làm địa phương.

"Tôi đến đây để làm việc, không phải để học", Cương, sinh viên năm nhất của một đại học gần thành phố tây nam Gwangju, cho hay. Cậu đang kiếm tiền để gửi về phụ giúp gia đình ở Việt Nam và tiết kiệm thêm để về quê kinh doanh.

Giống các sinh viên Hàn Quốc, sinh viên nước ngoài cũng tìm việc làm thêm ở những nhà hàng hay cửa hiệu gần trường. Những nơi này hiếm khi trả cho họ cao hơn mức lương tối thiểu. Lương tối thiểu theo giờ ở Hàn Quốc là 7.350 won (gần 7 USD), vẫn còn hơn 5 lần so với ở Việt Nam và gấp đôi mức lương trung bình ở Trung Quốc.Trừ những sinh viên có học bổng hoặc gia đình giàu có, số du học sinh còn lại thường tìm việc làm thêm để có tiền chi tiêu. Mức lương ở Hàn Quốc cao hơn nhiều so với ở quê nhà của các du học sinh này. Thu nhập trung bình của sinh viên từ các nước đang phát triển nếu làm việc toàn thời gian tại Hàn Quốc là 2,6 triệu won (2.400 USD), gấp 3 lần hoặc hơn số tiền họ kiếm được với công việc tương tự tại quê nhà.

Các sinh viên chỉ được phép làm thêm 20 giờ một tuần trong học kỳ và không giới hạn trong thời gian nghỉ giữa hai kỳ học. Sinh viên của các chương trình đào tạo ngôn ngữ có thể nộp đơn xin việc 6 tháng sau khi bắt đầu. Tuy nhiên, mức lương cao hơn cũng đi kèm với nhiều cám dỗ hơn, giá nhà ở, thực phẩm, đi lại cao hơn và trở thành gánh nặng với nhiều sinh viên nước ngoài.

"Tất cả du học sinh tại trường tôi đều đi làm, kể cả những người đặt việc học lên hàng đầu", một sinh viên Đài Loan ở Gwangju cho hay. Cậu xin được việc làm đầu tiên tại một nhà máy thông qua người bạn Việt Nam. "Áp lực tài chính quá lớn".

Cộng đồng du học sinh kết nối khá mạnh mẽ trên mạng xã hội. Những người đi trước chỉ dẫn cho những người mới đến các công việc sẵn có, thường là tại các nhà hàng, và thậm chí giới thiệu họ với những nhà tuyển dụng tiềm năng. Ai cũng tìm được việc, dù tiếng Hàn hạn chế.

Các sinh viên muốn kiếm nhiều tiền hơn thì tìm đến các nhà máy, giống như Cương. Mức lương tại nhà máy nhìn chung tương đương lương tối thiểu nhưng cho phép các sinh viên làm thêm nhiều giờ hơn. Nhiều nhà máy hoạt động xuyên đêm và lao động thường làm ca dài 12 tiếng mỗi ngày.

Chính phủ Hàn Quốc có chương trình Hệ thống Giấy phép Lao động, tuyển dụng 300.000 lao động nhập cư từ các nước châu Á lân cận. Tuy nhiên, các nhà máy nhỏ thường tuyển sinh viên để tránh những thủ tục giấy tờ và nghĩa vụ theo quy định của EPS khi thuê lao động nhập cư. Họ không phải đóng thuế cho các du học sinh này, kéo dài giờ làm và làm lơ các quy định về mức lương tối thiểu. Họ cũng có thể cắt giờ làm hay đuổi việc du học sinh mà không sợ hậu quả.

"Nộp đơn xin EPS rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Họ sẽ đưa bạn vào danh sách chờ và không biết đến bao giờ mới được tuyển dụng", Cương nói.

Mỗi sinh viên quốc tế có điều kiện làm việc khác nhau nhưng không khó để tìm thấy các sinh viên làm 2-3 công việc một lúc hay làm thêm quá giới hạn 20 tiếng của chính phủ Hàn Quốc. Một sinh viên cũng từ Việt Nam kể rằng sau khi làm thêm từ 18h đến 2h sáng hôm sau tại một nhà hàng gà rán, cậu đã tự trả được hết các chi phí sinh hoạt và tiền học. Có những tháng cậu còn dư tiền để gửi về cho gia đình.

Theo kịp chương trình học toàn thời gian ở trường đã khó, làm thêm ca đêm đến sáng rồi tiếp tục đến trường lại càng khó hơn. Một số sinh viên xoay xở được nhưng nhiều người thừa nhận họ không thể làm gì nổi ở trên lớp ngoài việc ngủ.

Các giáo viên tại một trường đại học ở tỉnh Nam Jeolla cho biết du học sinh thường xuyên vắng mặt trong các giờ học. Theo quy định của nhà trường, sinh viên sẽ bị trượt môn nếu không tham dự đủ ít nhất 75% số tiết học nhưng các du học sinh được bỏ qua.

"Chúng tôi có thể cho họ điểm thấp nhưng không bao giờ là điểm F. Họ không thể bị trượt. Nhà trường rất cần họ nên không để chuyện đó xảy ra", một giáo viên giải thích.

"Sau ca làm 12 tiếng mỗi đêm, từ 20h đến 8h sáng hôm sau, tôi chẳng còn chút sức lực nào", Cương nói.

Cương đến Hàn Quốc vào tháng 2/2017 và cùng tháng đó tìm được việc làm ở một nhà máy chế tạo phụ tùng cho điều hòa nhiệt độ. Nhà máy nằm trong khu công nghiệp ở Gwangju. Tất cả đồng nghiệp của cậu đều là người Việt, theo học tại các trường đại học vùng nông thôn gần Gwangju.

Cương không lo lắng lắm về chuyện bị cảnh sát bắt bởi cậu sẽ chỉ bị phạt tiền chứ không bị trục xuất. "Cảnh sát biết về nhà máy của chúng tôi nhưng không quan tâm. Họ chỉ tổ chức trấn áp nếu có người dân đệ đơn kiện về các lao động trái phép tại nhà máy", nam sinh này nói.

Theo VNExpress