Chi phí đắt đỏ
Khó khăn lớn nhất của du học sinh Nhật Bản phải kể đến đó là chi phí đắt đỏ. Những sinh viên nhận được học bổng trọn gói trước khi du học thì có thể yên tâm do mức học bổng của chính phủ Nhật hay các tổ chức tư nhân nói chung đều bao gồm học phí chi phí sinh hoạt, ăn ở mức có thể trang trải cho một cuộc sống trong suốt thời gian du học.
Tuy nhiên, những sinh viên du học tự túc mà không nhận được sự hỗ trợ kinh tế nào sẽ phải xây dựng một kế hoạch tài chính cụ thể để có thể theo học đến cùng. Cần nghiên cứu kỹ học phí, sinh hoạt phí tốn bao nhiêu, tránh lập kế hoạch với lối suy nghĩ đơn giản là sẽ lấy học bổng hay tìm việc làm thêm ở nơi du học để trang trải mọi chi phí.
Học phí của các trường đại học quốc lập không phân biệt theo ngành học, do Chính phủ quy định và bằng 60% mức học phí trung bình của các trường tư. Tại các trường tư, mức học phí khác nhau theo trường và ngành học. Ngoài tiền học phí, trong năm đầu tiên, sinh viên còn phải trả một khoản tiền nhập học trung bình vào khoảng 280.000 yên.
Học phí của các trường trung cấp rất khác nhau tùy theo ngành học. Nhìn chung, không có sự khác biệt quá lớn với các trường đại học. Tại các trường tư , mức chi phí cho năm thứ nhất từ 981.000 yên (ngành gia chánh) đến 1.388.400 yên (ngành kỹ thuật y tế).
Những sinh viên theo học tại các thành phố lớn như Tokyo, Osaka có chi phí sinh hoạt rất cao, trong khi các địa phương khác chi phí thấp hơn nên cuộc sống thoải mái hơn. Chi phí để ổn định cuộc sống ban đầu tại Tokyo bao gồm thuê nhà, mua sắm nội thất… là khoảng 300.000 yên.
Rào cản ngôn ngữ
Tiếng Anh khá thông dụng tại bậc sau đại học nhưng ở bậc đại học, trừ một số chương trình quốc tế, các bài giảng và tài liệu đều dùng tiếng Nhật. Ngoài ra, tiếng Nhật còn được dùng ở hầu hết các hội thảo khoa học và các tạp chí trong nước. Tiếng Nhật cũng sẽ cần thiết cho bạn trong đời sống sinh hoạt do khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của người Nhật không cao. Mặc dù vốn từ Hán Việt có thể giúp chúng ta nắm bắt nhanh hơn hệ thống ký tự Kanji và từ vựng, nhưng tiếng Nhật vẫn là một ngoại ngữ khó học đối với người Việt. Vì vậy, để bắt kịp nhịp sống hay học tập ở Nhật Bản, bạn phải nỗ lực học tập và thực hành tiếng Nhật cho mình.
Những sinh viên theo học các khoá học quốc tế sau đại học sẽ học ngay vào chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ bằng tiếng Anh nên môi trường và điều kiện học tiếng Nhật là rất hạn chế.
Với sinh viên bậc đại học thì ngoại trừ một số ít các khoá học quốc tế, đều phải học tiếng Nhật tập trung trong thời gian một năm tại các khoá dự bị đại học. Sinh viên cao đẳng và trung cấp cũng phải theo các khoá học tương tự. Trường hợp bạn muốn tự chuẩn bị tiếng Nhật tại Việt Nam thì phải tiến hành rất sớm và thử sức qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật tổ chức hàng năm. Nói chung, bạn phải đạt được chứng chỉ tiếng Nhật cấp 1 mới có thể đảm bảo tiếp thu được nội dung học tại các trường đại học và cao đẳng.
Thủ tục phức tạp
Những yêu cầu về du học Nhật Bản đã được nới lỏng trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây tạo điều kiện dễ dàng hơn cho du học sinh tuy vậy vẫn còn những rào cản. Những thủ tục phải làm khi sinh hoạt và học tập tại Nhật Bản cũng gây không ít phiền phức cho các du học sinh. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn chưa có được một chính sách đồng bộ và cởi mở để tiếp nhận du học sinh. Số trường đại học tích cực trong việc thu hút sinh viên quốc tế tham gia du học chưa nhiều. Việc thiếu thông tin và các cơ sở cung cấp dịch vụ du học chưa nhiều cũng làm cho du học Nhật Bản trở nên khó khăn sinh viên Việt Nam.
Theo Ngaynay.vn