Thủ tục hành chính cần làm
Vừa qua, Campus France Vietnam (Văn phòng chuyên trách du học của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam) cùng Hội Thanh niên-sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) đã tổ chức Diễn đàn du học Pháp ở TP.HCM. Tại đây, Nguyễn Minh Đức, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thú nhận em khá lúng túng vì chưa nắm rõ danh sách những giấy tờ cần có khi đến Pháp.
"Dịch và công chứng giấy tờ ở đâu mới được chấp nhận cũng là vấn đề em quan tâm", Đức chia sẻ với Báo Thanh Niên.
Giải đáp thắc mắc này, chị Nguyễn Ngọc Thanh Phương, học thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Pháp, khuyên du học sinh mang theo bản photo tiếng Việt và bản dịch tiếng Pháp đã công chứng các giấy tờ như hộ chiếu, giấy khai sinh, học bạ THPT...
"Bản dịch nên thực hiện ở Viện Pháp tại Việt Nam vì một số cơ quan ở Pháp không công nhận tài liệu của các văn phòng công chứng", chị Phương lưu ý.
Khi đến Pháp, du học sinh cũng cần phải xác nhận thị thực sinh viên dài hạn có giá trị như thẻ cư trú (VLS-TS) trong vòng 3 tháng đầu tiên. "Nếu quá thời hạn yêu cầu, các bạn phải xin thị thực mới để quay trở lại Pháp. Mặt khác, VLS-TS còn cho phép bạn tự do di chuyển trong khu vực Schengen", chị Nguyễn Ngọc Trâm Anh, sinh viên ĐH Paris Nanterre (Pháp), chia sẻ.
Chị Trâm Anh đồng thời lưu ý du học sinh cần chuẩn bị trước một số thuốc kháng sinh trong hành lý nếu có bệnh nền, vì việc mua thuốc tại Pháp cần phải có toa của bác sĩ và không thể mua ngoài hiệu thuốc. Các vật dụng khác mà du học sinh có thể mang theo là quần áo, đồ dùng học tập, đồ điện tử và gia dụng, đồ dùng cá nhân, thực phẩm khô và đồ nhà bếp, theo những du học sinh tại Pháp.
Cũng theo các du học sinh, một số thủ tục hành chính khác cần làm là đăng ký bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bổ sung, xin thẻ cư trú và trợ cấp nhà ở (với mức hỗ trợ tối đa lên đến 40% chi phí nhà ở hằng tháng)...
"Tuy nhiên, nhiều lúc giấy tờ được xử lý khá lâu nên hãy chủ động đến tận cơ quan chức năng hỏi thăm, vì nếu cứ đợi tin nhắn thì không biết đến bao giờ", chị Trâm Anh nhấn mạnh.
Ở Pháp học ra sao, có gì nên nhớ?
Về môi trường học tập, anh Châu Thanh Hòa, sinh viên ĐH Lyon 3 Jean Moulin (Pháp), cho hay bậc cử nhân tại Pháp đa phần kéo dài chỉ trong 3 năm thay vì 4 năm như ở các trường Việt Nam, vì không đào tạo các môn đại cương hay dạy thể dục mà sẽ học thẳng môn chuyên ngành.
Cũng theo anh Hòa, các trường tại Pháp có 3 loại tiết học chính: Giờ dạy lý thuyết chung của môn học cho nhiều sinh viên, có thể là cả khóa (cours magistraux), giờ dạy theo từng nhóm nhỏ để chia sẻ kiến thức sâu hơn và làm các bài tập liên quan đến môn học (travaux dirigé) và giờ thực hành ở phòng thí nghiệm hoặc công trường (travaux pratiques).
Bổ sung thêm góc nhìn, anh Hoàng Nghĩa Hiệp, du học Pháp bằng tiếng Anh hệ thạc sĩ, cho biết chương trình học ở quốc gia này chú trọng làm việc nhóm, yêu cầu sinh viên chủ động và học hỏi lẫn nhau. "Kiến thức được giảng dạy thực tiễn, theo hướng học thật làm thật. Tuy nhiên, cần lưu ý có khi kiến thức giảng dạy ở trường khá cơ bản nhưng bài kiểm tra lại rất khó", anh Hiệp nói.
Đối với các hoạt động ngoài giờ học, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, cựu Chủ tịch Hội Thanh niên- sinh viên Việt Nam tại Paris (UEVP), cho biết khuôn viên dành cho những hoạt động thể thao tại Pháp khá rộng rãi và đầy đủ tiện ích. "Hầu như ở thành phố nào cũng có câu lạc bộ bóng đá, thường xuyên tổ chức các giải bóng rổ, cầu lông", anh Tùng chia sẻ.
Còn ở phía trường học, anh Thanh Hòa nhìn nhận sinh viên có thể tiếp xúc với đa dạng các phòng tập gym, võ, yoga... "Tùy nhu cầu và ngân sách của bản thân, các bạn có thể chọn loại hình phù hợp. Chẳng hạn, có loại miễn phí chỉ được dùng một số bộ môn quy định, còn nếu đóng phí thành viên thì được dùng tất cả", anh Hòa cho hay.
Theo Thanh niên