Đường phố Ulsan, thành phố đông nam Hàn Quốc, cách Daegu khoảng 80 km, lác đác bóng người, hầu như chỉ có nhân viên y tế đi khử khuẩn. Daegu đang là điểm nóng Covid-19 với gần 5.000 ca nhiễm và 28 người tử vong. Ulsan một tuần nay cũng ghi nhận 21 trường hợp nhiễm nCoV.
Chàng trai quê Thanh Hóa không dám ra ngoài đường. Anh tự cách ly trong nhà từ cách đây 12 ngày. 3 năm là du học sinh tại Đại học Ulsan, công việc của Hưng hàng ngày là đến trường, ngoài giờ làm thêm phụ bếp tại quán ăn, rồi tụ tập bạn bè.
Đầu tháng 3 vừa hết thời gian nghỉ đông, lẽ ra giờ này những du học sinh như Hưng phải đi khai giảng, nhưng khi Covid-19 bắt đầu lan đến Ulsan, nhà trường thông báo hoãn khai giảng lại hai tuần, anh cho biết.
Quán sushi nơi anh làm thêm cũng đóng cửa từ tuần trước. "Một phần vì họ sợ lây nhiễm, nhưng phần lớn là có mở bán cũng chẳng biết bán cho ai". Vì dịch bệnh, Hưng đã chủ động nghỉ ở quán ăn trước đó mấy ngày, chỉ ở nhà. Bạn bè anh cũng là du học sinh thì đã về Việt Nam tránh dịch gần hết.
Đóng cửa sổ lại, chàng trai ngồi xuống ghế, mở máy tính lên xem phim giết thời gian.
|
Khương Bá Hưng đang là sinh viên tại đại học Ulsan, Hàn Quốc, gần tâm dịch Daegu 80 km. Ảnh:Nhân vật cung cấp |
Anh kể, Tết Nguyên đán là thời điểm Hưng bắt đầu nhận được thông tin về dịch bệnh nCoV bùng phát ở Vũ Hán, song không mấy lo lắng bởi "Hàn Quốc chẳng có ca nhiễm nào". Người dân, bạn bè xung quanh chàng trai cũng chung cảm xúc. Khẩu trang và các mặt hàng khác vẫn được bày bán như thường lệ, mọi người cũng không đeo khẩu trang.
"Mình hay đùa với bạn bè rằng dịch bệnh như thế này sợ lắm, phải đeo khẩu trang vào. Mọi người còn đùa lại: bị làm sao được. Hai hôm sau, Daegu ghi nhận ca nhiễm đầu tiên", Hưng chia sẻ.
Điện thoại Hưng nhận nhiều tin nhắn khuyến cáo từ chính phủ, cảnh báo khẩn cấp phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay, tránh tụ tập nơi đông người, nhưng anh chỉ hơi lo sợ. Càng ngày, số ca nhiễm tại Daegu ngày một tăng nhanh, lên đến hàng nghìn người. Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới. Ulsan nơi anh sống ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên vào khoảng cuối tháng 2.
Đường phố từ đó trở nên thưa vắng. Hưng nhận được nhiều cuộc gọi từ gia đình thúc giục về Việt Nam. "Việt Nam chữa khỏi 16/16 bệnh nhân nhiễm nCoV rồi", người mẹ sốt sắng nói qua đầu dây điện thoại. Bạn bè anh cũng đã về nước gần hết.
Hưng trấn an bố mẹ. Anh xin nghỉ việc làm thêm, ra siêu thị dự trữ thức ăn rồi ở lì trong nhà. Hai ngày đầu giam mình với 4 bức tường, tưởng rằng buồn chán nhưng Hưng lại thấy thoải mái vì không còn bị áp lực bài vở, công việc. Hết xem phim, anh chơi game, hoặc đọc sách, lướt mạng, rồi gọi điện về thông báo tình hình cho gia đình an tâm.
"Cứ thế này thì ở trong nhà cả tháng cũng được", anh nghĩ.
Hơn một tuần sau, số người nhiễm ở Ulsan tăng lên 21. Siêu thị cách nhà Hưng 300 mét sáng nay đóng cửa, sau khi thông báo một người dương tính nCoV từng ghé qua.
Anh không hiểu mình đang trải qua chuyện gì. Thực phẩm dự trữ có hạn, khẩu trang y tế hết sạch, không mua được. Vài ngày sau, anh bắt đầu thấy các cửa hàng online mở bán khẩu trang, nhưng "có vẻ họ ưu tiên người Hàn Quốc hơn". Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, anh quyết định ở lại Hàn Quốc vì còn phải xem lịch học.
"May quá, 4 ngày sau siêu thị gần nhà mình không bị niêm phong nữa", anh thốt lên.
|
Tự cách ly tại nhà, Hưng chỉ biết xem phim, đọc sách, chơi game và gọi điện về cho người thân. Ảnh:Nhân vật cung cấp |
Nhớ lại những thông tin trước đây từng đọc về cuộc sống của những người mắc kẹt tại Vũ Hán, anh nổi da gà, nghĩ ngợi mông lung, "không biết sẽ sống như thế này đến khi nào".
Tự pha cho mình cốc cà phê, Hưng nhìn ra ngoài đường, trầm ngâm. Anh nhớ những món ăn mẹ nấu, rồi bất chợt nghĩ nhìn sang phía bếp của mình, nơi có những lát bánh mì cùng gói mì tôm phải ăn qua ngày, mắt Hưng rưng rưng.
Một ngày, hai ngày, đến ngày thứ 12 trôi qua. Hết xem phim, Hưng lại đọc sách, chơi game, đến bữa thì ăn. Công việc buổi chiều và buổi tối lặp lại y như buổi sáng, cứ vài tiếng anh lại nói chuyện qua điện thoại với gia đình và bạn bè.
"Không ai cấm mình ra ngoài đường nhưng ra ngoài cũng chẳng có ai chơi, lại nguy hiểm", anh nói. Khu nhà Hưng thuê là nhà riêng, không phải khu chung cư nên hàng ngày không có người đến tận nơi diệt khuẩn. "Trên cả nỗi buồn chán là nỗi sợ dịch bệnh. Trừ khi hết thức ăn mới ra ngoài thôi".
Cầm chiếc điện thoại, anh gọi về cho mẹ: "Nếu hoãn học dài ngày thì con sẽ về Việt Nam", Hưng nói.
Theo vnexpress