|
|
Mây từng đỗ khoa tiếng Trung, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trước khi sang Nhật du học. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tốt nghiệp trường ngôn ngữ ở Nhật Bản, Nguyễn Thị Kiều Mây, 21 tuổi, hiện là sinh viên năm nhất ngành Quản lý Nhân sự, Đại học Quốc tế Tokyo, thành phố Saitama, ngoại ô Tokyo. Mây nhận học bổng 30% học phí sau kỳ thi đầu vào đại học dành cho các du học sinh. Trong ba năm ở Nhật, nữ sinh biết sắp xếp cuộc sống, có công việc làm thêm ổn định và duy trì kết quả học tập tốt.
Trước khi sang Nhật du học tự túc, Mây trải qua hai năm nỗ lực thay đổi bản thân, học cách tự lập để thuyết phục bố mẹ.
Ước mơ du học nhen nhóm trong nữ sinh quê Hải Dương từ năm lớp 10, sau khi một cậu bạn thân trong nhóm lên đường sang Australia học. Mong muốn được bước ra thế giới để trải nghiệm và học tập, Mây xin bố mẹ cho du học và bị phản đối, vì e ngại con gái một mình xa gia đình, lại có thể gặp khó khăn tài chính do du học tự túc. Cô gái bắt đầu lên kế hoạch chứng minh cho gia đình thấy mình đủ tự lập, đủ tự tin để du học.
Mây cho hay, từ một cô gái được chiều chuộng, không biết nấu ăn và làm việc nhà, em quyết tâm thay đổi. Hàng sáng, Mây dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa và chủ động thu xếp công việc cá nhân.
Em cũng tìm hiểu thông tin và lựa chọn nước du học, dựa theo tình hình tài chính của gia đình. Mây xác định sẽ du học Nhật Bản hoặc Hàn Quốc vì mức học phí phù hợp, khoảng 400 triệu đồng một năm, bao gồm tiền học và chi phí sinh hoạt. Trong bốn năm đại học, Mây sẽ tốn khoảng 1,6 tỷ đồng, trong khi nếu sang Mỹ, em sẽ mất gấp 3-4 lần số tiền ấy. Em cũng yêu văn hóa và ngưỡng mộ tinh thần làm việc cùng tính kỷ luật cao.
Sau 3-4 tháng, khi bố mẹ đã quen với sự thay đổi của con gái, Mây nhắc lại ý muốn du học.
"Lúc này, bố mẹ không phản ứng dữ dội như lúc đầu mà bình tĩnh và cân nhắc. Bố mẹ nhận ra em nghiêm túc trong ý định của mình và thực sự muốn du học", Mây kể.
Từ sau đó, bố mẹ Mây quan tâm hơn tới du học, bắt đầu tìm hiểu thông tin và hỏi kinh nghiệm của nhiều người. Biết bố mẹ sẽ có những thắc mắc, lo âu về lộ trình học, ngành học và tương lai sau khi ra trường, Mây lên mạng tìm hiểu và nhờ người thân đang học đại học ở Hà Nội giúp đỡ.
Nữ sinh trình bày rõ mục tiêu học tập và định hướng tương lai với bố mẹ. Em cũng nói cho gia đình biết lộ trình học tập ở Nhật sẽ kéo dài 6 năm, trong đó có hai năm học tiếng và 4 năm đại học.
Kết thúc thời gian học tiếng, em sẽ tham gia kỳ thi đại học dành cho các du học sinh, gồm những môn như tiếng Nhật, Toán và tổ hợp xã hội. Ở trường cấp ba tại Việt Nam, Mây từng giành giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh. Với khả năng đó, Mây tin sẽ đỗ đại học ở Nhật.
"Nếu khẳng định sẽ đỗ trường hạng A ở Nhật sau thời gian học tiếng, bố mẹ sẽ nghĩ bạn chủ quan và mơ mộng hão huyền. Thay vào đó, hãy thuyết phục bằng cách: Sau hai năm, trình độ tiếng Nhật của con sẽ tiến bộ và có thể đỗ những đại học hạng khá trở lên, nếu may mắn, có thể đỗ hạng A", Mây chia sẻ.
Mây cũng cân nhắc giữa ngành tài chính với nhân sự và cuối cùng chọn nhân sự. Em giải thích cho bố mẹ rằng những ngành kinh tế hay tài chính sau này sẽ ít nhu cầu về nhân lực do công việc có sự hỗ trợ của AI. Trong khi đó, nhân sự là ngành học giúp em biết cách giao tiếp giữa con người với con người và có nhiều tiềm năng công việc.
"Theo thông tin trên website của Đại học Quốc tế Tokyo, 98% sinh viên ra trường xin được việc. Lương của nhân viên nhân sự có trình độ đại học khoảng 50-60 triệu đồng một tháng. Nghe em trình bày, bố mẹ không còn lăn tăn tới vấn đề nghề nghiệp nữa", Mây kể.
Nữ sinh năm nhất cho biết, ngoài giải thích rõ ràng, có kế hoạch cụ thể, em chọn kể những câu chuyện tích cực về nước Nhật, nhằm giúp bố mẹ bớt lo âu, tăng cảm giác an toàn. Sau hai năm bền bỉ áp dụng chiến thuật "mưa dầm thấm lâu", cuối cùng, Mây cũng nhận được sự đồng ý của gia đình. Một ngày nọ, bố mẹ gọi Mây vào trò chuyện suốt một tiếng, trước khi cho phép con đi học.
|
|
Mây (áo dài vàng) cùng các du học sinh Việt Nam trong lễ tốt nghiệp trường Ngôn ngữ tiếng Nhật Osaka Minami ở thành phố Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 4. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trước ngày Mây chuẩn bị sang trường ngôn ngữ ở Osaka, thành phố này xảy ra một trận động đất mạnh. Để trấn an bố mẹ, Mây phân tích động đất xảy ra thường xuyên ở Nhật Bản. Ở những thành phố lớn, nơi đặt trung tâm văn hóa, tài chính, của đất nước, chính phủ đã nghiên cứu kỹ. Khi xảy ra động đất, những nơi này thường không có thiệt hại nặng và không đáng lo ngại.
Với những bạn có mơ ước du học, sinh viên ngành Quản lý Nhân sự khuyên nên xem xét tài chính của gia đình để chọn trường, chọn điểm đến và thuyết phục bố mẹ. Nếu học ở những nước nói tiếng Anh, bạn cần xác định trước về ngành học. Trong trường hợp học ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, bạn có thể cân nhắc và quyết định sau hai năm học tiếng.
Cuộc sống du học giúp Mây trưởng thành hơn, học được nhiều kinh nghiệm xã hội, cách đối nhân xử thế ở nơi làm việc. Tốt nghiệp đại học ở Nhật, Mây dự định xin học bổng để học thạc sĩ tại một trường ở châu Âu.
Theo vnexpress