Tháng 2, Ngô Hà Kiều Phương ((lớp 12 Anh2, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) nhận tin mình đạt điểm tối đa 2.400/2.400 trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (supercore cho 2 lần thi) qua điện thoại, khi đang trên đường đi du lịch. Điểm số ấn tượng này đã giúp Kiều Phương mở cánh cửa bước chân vào đại học danh giá Vanderbilt (Mỹ). Đây là ngôi trường top 15 ĐH hàng đầu ở xứ cờ hoa.
Tháng 8 này, nữ sinh 18 tuổi sẽ đến Mỹ để bắt đầu chặng đường chinh phục tri thức mới. Cô bạn hy vọng mình có thể theo đuổi ước mơ tạo dựng doanh nghiệp xã hội mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.
0,03% trong 1,7 triệu người thi SAT đạt điểm tuyệt đối
9X sẽ đến Mỹ để theo học ngôi trường mình mơ ước vào tháng 8. Ảnh: Tri Thức Trẻ.
SAT là một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số trường đại học tại Mỹ. Theo đơn vị tổ chức cuộc thi College Board, trong khoảng 1,7 triệu thí sinh thế giới dự thi SAT mỗi năm, chỉ 0,03% đạt điểm tối đa.
Cụ thể, tại kỳ thi SAT I, cô bạn đã đạt 2.400/2.400 điểm cho hai lần thi với 3 môn là Toán, Đọc, Viết bài luận ngắn. Kỳ thi SAT 2 nhằm kiểm tra trình độ của học sinh trong các môn học, lĩnh vực cụ thể cũng không "làm khó" được Kiều Phương. Nữ sinh là một trong số ít người đạt được 800/800 điểm môn Toán và 770/800 đối với môn lịch sử Mỹ.
Phương bắt đầu kế hoạch chinh phục kỳ thi SAT từ rất sớm. Năm lớp 10, cô bạn đã đến các trung tâm luyện thi để tìm hiểu về kỳ thi này qua cấu trúc đề và kỹ năng làm các đề bài cơ bản.
Bên cạnh đó, 9X cũng tự học và cùng bạn bè ôn luyện, chia sẻ các cách làm bài hiệu quả. Nhóm bạn cùng đặt ra những mục tiêu nhỏ để có động lực.
"Nếu trong tuần chúng mình học xong 200 từ, mình và bạn bè sẽ tự thưởng cho bản thân một bữa đồ nướng, vài ba cốc trà sữa. Nhờ vậy, quá trình ôn luyện trở nên thú vị hơn rất nhiều", Kiều Phương nhớ lại.
Với môn Toán, sách của Dr Chung là tài liệu mà cô bạn tin tưởng vì quyển này, theo Phương, có phân các dạng bài rất rõ ràng và thường ra những bài tập khó hơn đề thi thật.
9X Việt thấy Toán SAT khá dễ đối với học sinh Việt Nam, nhưng vì vậy nhiều người chủ quan, dẫn tới điểm không cao, rất lãng phí. Khi học, cô bạn luôn chữa cẩn thận những câu mình làm sai.
"Mình luôn ghi thật rõ nguyên nhân sai, là dạng này chưa học, là tính ẩu, hay tư duy sai để sau này không bao giờ lặp lại lỗi đó nữa", nữ sinh nghiêm khắc với chính mình.
Với môn Đọc, Viết, Phương luyện cho mình thói quen đọc thật nhiều, luyện kỹ năng đọc tìm ý chính, bố cục và tránh cảm giác choáng khi đối diện với những bài viết học thuật dài và khó thường thấy trong đề thi.
Phương và bạn bè trong những chuyến giao lưu quốc tế. Ảnh: Tri Thức Trẻ.
Lúc làm bài, cô bạn cố tìm chính những câu, từ trong bài đọc của đề bài để chứng minh cho câu trả lời của mình và học cách nhận dạng đáp án sai, sử dụng phương pháp loại trừ. Với phần viết, Kiều Phương luôn lưu ý tốc độ làm bài bài để không bị "lố" thời gian.
Khác với mọi người, Kiều Phương không làm nhiều đề, chỉ làm đề khi cảm thấy bản thân thực sự sẵn sàng. Đến những ngày cuối, cô bạn cố gắng rút ngắn thời gian làm bài, để khi thi thật tránh gặp áp lực thời gian.
"Tips" lớn nhất mà Kiều Phương áp dụng khi bước vào kỳ thi là hãy giữ bản thân trong trạng thái tốt nhất, ăn sáng no, ngủ đủ và tâm lý thoải mái.
"Vì không có giới hạn về số lần thi SAT, thi lần này không tốt có thể thi lại, nên mình không tự tạo áp lực quá lớn vì điều đó sẽ chỉ khiến bài làm của mình tệ hơn mà thôi", cô bạn chia sẻ.
Đạt thành tích cao khiến nhiều người ngưỡng mộ, ít ai biết, Kiều Phương từng là cô nàng từng "đội sổ" khi còn học cấp 2. Cô bạn đã cố gắng học tập với lý đơn giản là để chứng tỏ bản thân, gột bỏ cái mác "vô dụng".
"Học để khám phá thế giới bên ngoài, đi du học mở mang đầu óc, tự lập cứng cỏi hơn để có thể tự lo cho mình, lo cho gia đình và hiện thực hóa những dự định của bản thân", 9X nhận ra.
Những điều Kiều Phương làm đã chứng minh rằng không gì là không thể khi bạn luôn cố gắng, nỗ lực và có mục tiêu để hướng đến đúng không nào?
Không chọn trường top
Với điểm số ấn tượng, Kiều Phương đã giành được học bổng hơn 4,5 tỷ đồng của trường ĐH top 15 của Mỹ, ĐH Vanderbilt trong lần gửi hồ sơ sớm vào năm ngoái.
Nhiều người tiếc nuối vì Phương hoàn toàn có khả năng "săn" được học bổng của những trường hàng đầu thế giới hay trường trong Ivy danh giá. Với cô bạn, nếu được chọn lại, Phương vẫn sẽ chọn Vanderbilt.
9X chia sẻ lý do: "Mình cảm thấy bảng xếp hạng trường đại học chỉ là con số, và khi chọn trường đại học, điều cần quan tâm hơn là sự phù hợp của mình với trường, mình muốn gì và có dự định gì. Trường top có thể rất oai, nhưng lựa chọn môi trường phù hợp có thể khiến mình phát triển hơn về lâu dài".
Phương đã biết đến trường khi đọc truyện "The Last Song" của Nicholas Sparks năm lớp 7 hay qua bộ phim "Legally Blond". Bên cạnh đó, lý do chính khiến Phương chọn trường có lẽ đây là ĐH duy nhất có ngành "Human and Organizational Development". Ngành học này chuyên nghiên cứu về cách quản lý các dự án, tổ chức, cách lãnh đạo và tạo hiệu quả làm việc nhóm cao, hoạch định chiến lược và phân tích những giải pháp cho các vấn đề xã hội.
Bên cạnh việc học, Kiều Phương cũng là cô bạn năng nổ trong các hoạt động xã hội. Có lẽ, đây cũng là lý do Phương quyết tâm đến Mỹ để học ngành "Human and Organizational Development".
9X từng lên Thái Nguyên để mang kiến thức về giáo dục giới tính đến với các trẻ em nghèo, kèm cặp cho thiếu nhi tại làng trẻ Đống Đa, Hà Nội, hay tham gia các hoạt động cải thiện môi trường tại Hà Nội. Chuyến đi đến Phnom Penh để tham gia vào các hoạt động giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ hay Singapore trao đổi về những vấn đề bất cập trong khu vực Đông Nam Á, đã để lại cho cô bạn nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Nhìn chung, Kiều Phương luôn tận dụng mọi cơ hội để có thể đi, trải nghiệm và nhìn nhận cuộc sống dưới nhiều cảm xúc và góc độ.
Bận rộn với việc tham gia các hoạt động xã hội và cả việc học, nhiều lúc, Kiều Phương cũng cảm thấy "đuối", thậm chí khủng hoảng. Vì vậy, cô bạn đã học cách tập trung làm một việc trong thời gian nhất định nhưng phải dứt điểm. Cô bạn cũng cố gắng tận dụng những khoảng thời gian trống, ví dụ như khi đi xe buýt, Phương sẽ tranh thủ lên kế hoạch tài chính cho dự án.
9X quan niệm: "Nhiều người còn bận hơn mình, nhưng họ vẫn đủ thời gian, nên không thể biện hộ là quá nhiều việc mà chỉ có thể xem lại cách quản lý thời gian của mình". Nhờ suy nghĩ ấy, cô bạn này mới có thể trở thành "siêu nhân", vừa học giỏi lại vừa thỏa sức tham gia các hoạt động xã hội mà mình yêu thích.
Trong khoảng thời gian còn lại tại Việt Nam, Kiều Phương đã lên kế hoạch để trải nghiệm những điều thú vị khác như lái xe hay tập võ tự vệ. Cô bạn cũng ấp ủ nhiều dự án để có thể giúp đỡ các trẻ em nghèo có điều kiện để phát triển bản thân hơn.
Theo Tri thức trẻ