leftcenterrightdel
Sinh viên Ấn Độ học tập tại Vương quốc Anh. 

Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên Ấn Độ du học đã gia tăng đáng kể. Theo Cục Di trú thuộc Bộ Nội vụ, tính đến tháng 10/2023, khoảng 765 nghìn sinh viên Ấn Độ học tập ở nước ngoài. Con số này dự kiến sẽ vượt quá 900 nghìn vào năm 2024.

Sự gia tăng đột ngột này bắt nguồn từ nhiều yếu tố như nhu cầu giáo dục, triển vọng nghề nghiệp được cải thiện và mong muốn tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, đi ngược lại với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng là những rào cản đến từ các quốc gia du học.

Từ năm 2023 đến nay, các quốc gia đi đầu về du học như Australia, Canada, Vương quốc Anh đã ban hành nhiều chính sách nhằm kiểm soát tình trạng nhập cư ồ ạt, trong đó du học sinh là một trong những nhóm đối tượng chính.

Đơn cử, Australia là điểm đến du học thu hút đông đảo sinh viên Ấn Độ. Năm 2023, khoảng 122 nghìn sinh viên nước này theo học tại Australia. Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ Australia thông báo sẽ giới hạn số lượng sinh viên quốc tế ở mức 270 nghìn vào năm 2025 nên số lượng sinh viên Ấn Độ đến nước này chắc chắn sẽ sụt giảm mạnh so với các năm trước đó.

Tương tự, Canada cung cấp nền giáo dục chất lượng cao và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế. Nhưng nước này liên tiếp siết các quy định với sinh viên quốc tế. Nổi bật nhất là giới hạn 360 nghìn du học sinh mới trong năm 2024, giảm 35% so với năm ngoái.

Với Vương quốc Anh, sinh viên hệ cử nhân không được phép mang theo người thân đến nước này, không được phép chuyển từ visa sinh viên sang visa làm việc trước khi tốt nghiệp.

Ngay lập tức, số lượng sinh viên quốc tế nói chung và sinh viên Ấn Độ đến Vương quốc Anh đã sụt giảm. Trong quý I năm 2024, số du học sinh nộp đơn xin thị thực là 34 nghìn, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, thậm chí là nghèo khó, đang tìm mọi cách để con cái đi du học nhằm sở hữu một tấm bằng giáo dục chất lượng cao. Các hạn chế sẽ khiến chi phí du học trở nên ngày càng đắt đỏ, khiến những sinh viên Ấn Độ nghèo nhất không thể tiếp cận giáo dục quốc tế. Điều này sẽ nới rộng khoảng cách giáo dục trong xã hội.

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng sinh viên Ấn Độ không nên quá lo lắng về xu hướng ngày một nghiêm ngặt trên. Hiện nay, nhiều quốc gia đang đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục quốc tế nhằm thu hút du học sinh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Sinh viên có thể chuyển hướng sang du học tại những quốc gia có mức chi phí phải chăng, chất lượng giáo dục đảm bảo để có thể thực hiện mục tiêu của mình. Điều này cũng góp phần khiến lĩnh vực giáo dục toàn cầu mở rộng cả về số lượng lẫn chất lượng, không bị tập trung vào một số thị trường nhất định.

Bối cảnh giáo dục toàn cầu đang thay đổi, cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa nhu cầu du học ngày càng tăng của sinh viên Ấn Độ và các hạn chế nghiêm ngặt của quốc gia tiếp nhận. Những thay đổi này sẽ tạo ra môi trường học tập cạnh tranh hơn, tốn kém hơn nhưng không chắc chắn đối với sinh viên quốc tế.

Theo giaoducthoidai