Nhận được thông báo qua email từ trường hồi đầu tuần, Huỳnh Hoàng Gia Hân (Sunny), sinh viên năm hai Đại học RMIT ở thành phố Melbourne, Australia, thở phào nhẹ nhõm. Sau hơn một năm về Việt Nam, Sunny sắp được trở lại trường, gặp bạn bè, thầy cô và tiếp tục trải nghiệm cuộc sống du học.

Hôm 22/11, Thủ tướng Australia, Scott Morrison, cho biết nước này sẽ cho phép du học sinh, lao động có tay nghề cao đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 nhập cảnh từ 1/12, sau 20 tháng đóng cửa biên giới.

Sunny trong một lần đi chơi ở Melbourne trước khi về Việt Nam năm ngoái. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sunny trong một lần đi chơi ở Melbourne trước khi về Việt Nam năm ngoái. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nữ sinh TP HCM cho hay, thông tin trên được mong đợi nhất ở các diễn đàn du học Australia. "Ai nấy đều vui mừng và giải tỏa được căng thẳng sau thời gian dài chờ đợi", Sunny, từng du học bốn năm ở New Zealand trước khi sang Australia học đại học, tâm sự.

Tháng 8/2020, Sunny về Việt Nam trên chuyến bay giải cứu, giữa thời điểm dịch bệnh ở Australia rất căng thẳng. Trước đó ở Australia, Sunny đã phải học online 7 tháng. Về nước, nữ sinh ngành Kinh tế Tài chính và Marketing bảo lưu một kỳ để thực tập ở công ty gia đình vì không muốn học trực tuyến.

Lúc đầu, Sunny nghĩ chỉ phải học online thời gian ngắn nhưng hết bảo lưu vẫn chưa thể quay lại trường, em quyết định nối lại việc học vì sợ chậm, quên bài.

Quá trình học online từ Việt Nam khiến Sunny gặp khó khăn do khác múi giờ, thiếu tương tác và tài liệu. Giảng viên và các cố vấn học tập cũng khó hỗ trợ sinh viên như khi học trực tiếp. Bước vào năm thứ hai, Sunny có nhiều bài tập nhóm. Nhóm có sáu thành viên ở các nước khác nhau khiến việc trao đổi rất bất tiện vì lệch múi giờ. Những sinh viên ở Trung Quốc lại khó liên hệ vì họ không được dùng Facebook hay Instagram.

Sunny học 4 môn, với ba tiết một ngày, mỗi tiết kéo dài 1-2 tiếng, từ thứ hai đến thứ năm. Giờ học buổi sáng bắt đầu lúc 8h30 (4h30 giờ Hà Nội) nên em thường phải dậy từ 4h.

"Nhiều hôm em cũng oải và buồn ngủ, nhất là hôm nào có bài kiểm tra. Học đến 7h, em tranh thủ chợp mắt một lúc để 9-10h học tiết tiếp theo. Em kết thúc các môn lúc 14h30", Sunny kể.

Sau nhiều tháng học trực tuyến, Sunny sốt ruột vì bạn bè du học Mỹ và Canada đều đã quay lại trường, trong khi phía Australia chưa có động thái gì. Học online nhưng các du học sinh vẫn phải trả học phí và chi phí khác đầy đủ. Mệt mỏi vì chờ đợi, Sunny từng có suy nghĩ chuyển giáo trình học về RMIT Việt Nam.

"Gia đình cũng hỏi em muốn chuyển sang nước khác không nhưng em quyết định chờ", Sunny cho biết.

Minh Thư quyết định không chuyển nước du học và chờ Australia cho phép trở lại khi nhận được sự quan tâm của trường cùng các cố vấn học tập. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh Thư khi còn ở Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng du học Australia, Phan Huỳnh Minh Thư, sinh viên song ngành Sư phạm và Thương mại tại Đại học Sydney, từng tính đến phương án chuyển sang Canada hoặc Anh trong trường hợp phải đợi quá lâu. Thư về Việt Nam khoảng tháng 6/2020 sau khi trường chuyển sang dạy online vì có ca mắc Covid-19. Thư cũng bảo lưu một thời gian và bắt đầu học lại kỳ một năm thứ hai từ tháng 2 năm nay.

Thư tâm sự cũng hoang mang và đắn đo nhiều vì em du học để được trải nghiệm văn hóa, giáo dục nhưng lại phải học online. Nhưng nếu chuyển sang nước khác, em phải học lại từ đầu.

"Các du học sinh Việt Nam ở trường thường gọi điện trò chuyện, chia sẻ thông tin. Chúng em cùng nhau phân tích, cân nhắc các trường hợp và quyết định 'sống chung với lũ'", nữ sinh chia sẻ.

Theo Thư, hiểu những khó khăn phải học trực tuyến, trường tạo điều kiện cho sinh viên lựa chọn bảo lưu hoặc học tiếp, cho phép các em giảm bớt số môn để không quá áp lực. Thư đăng ký các môn ít nhất có thể để khi được trở lại trường sẽ học trực tiếp.

Giáo sư Đại học Sydney dạy lớp Thư còn thường xuyên email hỏi thăm, gửi cả bảng giờ của các nước trên thế giới và dặn cài giờ để không lỡ buổi học. Ngoài các tiết học ở lớp đông sinh viên, trường cũng có lớp phụ đạo với sĩ số nhỏ, giúp củng cố kiến thức. Những lúc chán nản, em nhắn tin cho giáo sư và cố vấn học tập để chia sẻ. Họ phản hồi nhanh và nhiệt tình, khiến Thư thấy được quan tâm và có động lực để học.

Thư vừa thi học kỳ, đạt kết quả tốt và bắt đầu kỳ nghỉ hè ba tháng. Em dự định trở lại Australia vào tháng 2/2022.

"Lúc biết tin Australia mở lại, em nhẹ nhõm, như tìm thấy nguồn sống. Giờ sang phải thuê lại nhà, sắp xếp lại cuộc sống như sinh viên năm nhất nhưng em vẫn mừng vì được đi học", Thư nói.

Không may mắn như Sunny và Thư, Huỳnh Anh Tuấn chưa được đặt chân tới Australia sau khi trở thành sinh viên song ngành Hệ thống Thông tin Kinh doanh và Quản trị Nhân sự của Đại học Sydney.

Australia đóng cửa từ tháng 3/2020 khiến Tuấn không thể sang và phải bắt đầu học online từ tháng 8/2020 đến tháng 6 năm nay. Tuấn quyết định tạm dừng, đợi sang học trực tiếp.

Nam sinh cho biết quyết định bảo lưu một năm giống như đánh cược vì khi ấy, Australia chưa có thông tin và cậu cũng không biết sang năm liệu nước này có mở cửa không. Tuấn xin vào thực tập ở một công ty kiểm toán để tích lũy kinh nghiệm và chờ đợi.

Mấy hôm nay nam sinh vừa háo hức, vừa lo. Cậu vui vì sắp được du học thực sự nhưng cũng lo vì dịch bệnh khiến chi phí sinh hoạt ở Australia tăng cao.

"Em đang cân nhắc sang Australia vào thời điểm nào bởi dịch bệnh đang xuất hiện biến thể mới, chuyến bay ít nên sẽ phải tốn nhiều tiền hơn. Có thể đến tháng 1-2, tình hình được kiểm soát và giá cả ổn định, em sẽ quyết định", Tuấn nói.

Anh Tuấn bảo lưu việc học và đi thực tập trong lúc chờ Australia mở cửa trở lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Tuấn đang chờ ngày sang Australia học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Alex Vũ, Giám đốc Tuyển sinh và Hợp tác quốc tế của Đại học Sydney tại Việt Nam, cho biết, năm 2019, hơn 800 sinh viên Việt Nam học tại Đại học Sydney. Dịch bệnh đã khiến không ít em phải bảo lưu, thậm chí bỏ học.

Trong hơn một năm qua, các trường tại Australia đã chuyển từ hình thức dạy trực tiếp sang dạy online để đảm bảo sinh viên quốc tế chưa kịp sang vẫn có thể tham gia và theo kịp bài. Sinh viên quốc tế được yêu cầu tiêm hai mũi vaccine và không cần phải cách ly khi tới Australia.

"Các em nên tìm hiểu kỹ quy định, thủ tục cũng như tham khảo hướng dẫn của chính phủ Australia về việc nhập cảnh trong thời gian tới", ông Alex khuyên.

Ông Hà Ngọc Anh, giám đốc Công ty Tư vấn Du học Student Life Care, đánh giá du học Australia chững lại hơn một năm nay kể từ khi nước này đóng cửa. Trước dịch, trung bình có từ 8.000 đến 12.000 học sinh Việt Nam du học Australia mỗi năm. Nhưng kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Australia, con số này giảm đi đáng kể.

Ông Ngọc Anh cho hay số học sinh đăng ký du học Australia ở công ty ông giảm chỉ còn 1/10 so với lúc bình thường.

"Một số em học gần xong thường sẽ chấp nhận học online. Còn số khác muốn chuyển sẽ được tư vấn rút hồ sơ để sang trường khác hoặc học các trường quốc tế trong nước", ông Ngọc Anh nói.

Theo ông Ngọc Anh, Australia vẫn là quốc gia hấp dẫn du học sinh Việt Nam do môi trường sống, cơ hội việc làm và định cư tốt. Ngoài ra, khí hậu ở đây cũng tương đồng với Việt Nam và việc đi lại gần, thuận lợi.

Theo vnexpress