leftcenterrightdel
Một sinh viên đi ngang qua biển trường Đại học Báo chí Phúc Đán. Ảnh: Radii 

Amma, người Đông Phi, đang làm nghiên cứu sinh về công nghệ sinh học tại một trường đại học ở tỉnh Quảng Đông. Cô dự định đi nghỉ lễ ba tuần dịp cuối năm 2019. Amma để các mẫu thí nghiệm của mình vào tủ đông phòng lab, để cửa sổ mở cho thoáng khí và quyết định sẽ dọn căn phòng bừa bộn của mình khi trở về.

Amma không lường trước được ngày cô bước chân ra khỏi trường chính là ngày Covid-19 bùng phát. Hơn một năm rưỡi sau đó, đại dịch toàn cầu khiến cô cùng hàng chục nghìn sinh viên quốc tế bị mắc kẹt vô thời hạn bên ngoài Trung Quốc trong bối cảnh đất nước này áp dụng chính sách không khoan nhượng để ngăn ngừa và kiểm soát virus.

Khi tin tức về Covid-19 bắt đầu bùng nổ trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán vào giữa tháng 1/2020, nhiều sinh viên quốc tế đã về nước. Những sinh viên chưa về cũng được trường đại học thuyết phục về hoặc bị bắt buộc phải đưa ra quyết định nhanh chóng. Ví dụ trường hợp của Sunil, người Bắc Ấn Độ, đang học y khoa năm thứ tư ở tỉnh Thiểm Tây. Sinh viên này là người cuối cùng lên một trong những chuyến bay cuối cùng xuất cảnh do nhà trường thông báo kỳ nghỉ mùa xuân sẽ kéo dài thêm hai hoặc ba tuần.

Sau khi nghe tin đồn, Amma liên lạc với trường đại học của cô từ nước ngoài và được thông báo khuôn viên trường đã bị đóng cửa nên không ai có thể ra vào. "Mặc dù các chuyến bay đều có sẵn nhưng tôi thấy thực sự rất khó để trở lại, giống như có một thông điệp ‘Nếu bạn đến, chúng tôi sẽ không cho bạn vào. Các cánh cổng đã đóng chặt rồi’, cô nói.

Chiến lược 'zero Covid' của Trung Quốc đã rất hiệu quả trong việc kiềm chế sự phát triển của dịch bệnh, nhưng một số chuyên gia bắt đầu hoài nghi về khả năng chịu đựng lâu dài của nền kinh tế và các mặt khác. Các quy định nghiêm ngặt đã khiến một số cảng ở miền nam Trung Quốc đóng cửa trong năm nay, gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng, chưa kể những tổn thất nước này phải gánh chịu liên quan đến hoạt động trao đổi ngoại giao và văn hóa quốc tế.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thu hút nhiều sinh viên nước ngoài, với tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về giáo dục, bởi ngành này được coi là chìa khóa để xây dựng "quyền lực mềm" và tầm ảnh hưởng ở nước ngoài. Obert Hodzi, giảng viên chính trị tại Đại học Liverpool (Anh), cho biết vào thời điểm sinh viên châu Phi và châu Á gặp khó khăn trong khi xin thị thực và chi trả học phí cho các chương trình ở phương Tây, Trung Quốc đã "thúc đẩy sáng kiến cung cấp nguồn tri thức phù hợp cho các quốc gia phát triển" và "họ có thể điều chỉnh các khóa học cho phù hợp với nhu cầu của một số quốc gia để thu hút sinh viên".

Trung Quốc hiện đứng thứ ba thế giới về số lượng sinh viên quốc tế, sau Mỹ và Anh. Năm 2010, Bộ Giáo dục khởi động sáng kiến Du học Trung Quốc với mục tiêu có 500.000 sinh viên quốc tế vào năm 2020. Năm 2013, kế hoạch này được đưa vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) - dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hiện có sự tham gia của 138 quốc gia khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.

Phối hợp với chính sách này, chương trình Học bổng Con đường Tơ lụa cung cấp 10.000 suất mỗi năm cho sinh viên các nước tham gia BRI. Năm 2018, hơn 492.000 sinh viên từ hơn 196 quốc gia đã theo học tại Trung Quốc, 65% trong số đó đến từ các nước BRI.

Trong suốt mùa xuân năm 2020, tất cả trường đại học ở Trung Quốc đều chuyển sang dạy trực tuyến và sinh viên quốc tế ở lại đất nước này chỉ được sinh hoạt trong ký túc xá. Những người đã rời đi ban đầu dự kiến quay lại vào mùa thu. Khi điều đó không xảy ra, hy vọng được gửi gắm vào mùa xuân năm 2021; sau đó là vào mùa thu năm 2021. Giờ đây, dường như họ phải chờ đợi thêm đến sau vận hội mùa đông vào tháng hai tới tại Bắc Kinh.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố ngày 9/7: "Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng sinh viên quốc tế. Trên cơ sở đảm bảo an toàn trong thời gian Covid-19 hoành hành, chúng tôi sẽ cân nhắc một cách đồng bộ về việc thu xếp cho phép các em quay trở lại Trung Quốc học tập".

Hodzi cho biết hiện một số đại học đã sắp xếp ổn thỏa với sinh viên về việc duy trì dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, việc này tạo ra nhiều thách thức với sinh viên quốc tế. Ở nhiều quốc gia, Internet không ổn định hoặc đắt đỏ. Chưa kể, nhiều sinh viên quốc tế đến Trung Quốc để nghiên cứu khoa học và kỹ thuật - những ngành yêu cầu phải thực hành trực tiếp.

Sunil hoài nghi việc mình trở thành bác sĩ khi quá trình học tại nhà có thể không trang bị đủ kiến thức. Do các bạn học ở nhiều quốc gia với múi giờ khác nhau, việc có một lớp học trực tuyến chung là điều bất khả thi. Thay vào đó, giáo sư đăng video về các thí nghiệm. Thế nhưng, anh và các bạn Ấn Độ cùng lớp cũng không thể tải được do lệnh cấm của Ấn Độ đối với một số ứng dụng của Trung Quốc. Giáo sư của anh cũng cung cấp cho cả lớp một link web mô tả phản ứng với một số loại thuốc trên một con thỏ hoạt hình.

"Đáng lẽ chúng tôi phải được trộn các hóa chất thực tế và thử nghiệm tác động của thuốc đối với động vật nhưng làm thế nào để có thể thực hành các kỹ năng y tế thực tế đó trên một mô phỏng? Rõ ràng là bất khả thi", Sunil nói.

Anh cố gắng mở rộng kiến thức bằng cách đọc sách y khoa hàng ngày, thậm chí còn nghĩ đến việc nộp đơn vào học ở một quốc gia khác như Nga hay Georgia. Tuy nhiên, anh không muốn phải học lại từ đầu, cũng không muốn bố mẹ phải trả thêm học phí. "Nếu tôi bắt đầu lại, bố mẹ vẫn hỗ trợ, nhưng tôi không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Tôi không muốn họ phải trả lại tất cả học phí từ đầu chỉ vì tôi thiếu kiên nhẫn hay cảm thấy tuyệt vọng", Sunil chia sẻ.

Dù Trung Quốc sử dụng học bổng để tăng lượng tuyển sinh nước ngoài, hầu hết sinh viên quốc tế đang trả phí theo những cách riêng. Ở các nước đang phát triển, phụ huynh phải hy sinh rất nhiều bởi họ dùng tất cả tiền tiết kiệm hoặc bán tài sản cho con cái đi học ở Trung Quốc, coi đó như khoản đầu tư. Việc học tập của những học sinh này bị gián đoạn cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến gia đình họ.

Một số sinh viên được trao học bổng của chính phủ Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Trung Quốc ngừng cấp học bổng với lý do số tiền này được dùng cho chi phí sinh hoạt khi còn đi học ở Trung Quốc. Đối với Ibrahim, sinh viên Thạc sĩ kinh doanh quốc tế theo diện học bổng Con đường tơ lụa từ Nigeria, việc mất khoản tiền này là rất nghiêm trọng. "Tôi cần phải trả tiền thuê nhà, ăn uống và những thứ khác nên rất khó khăn, lại còn khó tìm việc làm với lịch học của mình", Ibrahim nói.

Để trang trải phí sinh hoạt và phí truy cập Internet cho các lớp học, anh phải trông cậy vào sự trợ giúp từ gia đình. Anh đã nghĩ đến việc chuyển đến một trường khác, nhưng sẽ không tiết kiệm bằng việc có học bổng toàn phần.

Từ mùa thu năm ngoái, các sinh viên quốc tế đã thực hiện chiến dịch đa nền tảng truyền thông xã hội, sử dụng hashtag bắt đầu bằng #takeusbacktoChina (Đưa chúng tôi trở lại Trung Quốc) để kể câu chuyện của họ. Một hashtag trên Twitter có nội dung "Chúng tôi vô cùng đau khổ". Việc phải chờ đợi quá lâu trở thành ác mộng với sinh viên quốc tế. Việc không biết trở lại trường khi nào khiến họ không thể lập kế hoạch trước mắt và đưa ra các quyết định.

Amma đang trong quá trình hoàn thành các thí nghiệm cho luận văn của mình. Gần đây, thầy giáo gợi ý cô nên tìm một phòng thí nghiệm gần đó để tiếp tục công việc, nhưng cô thấy ý tưởng này thật phi lý.

"Ai sẽ mua thiết bị? Ai sẽ mua tài liệu thử nghiệm cho tôi? Ngoài ra, nhiều phòng thí nghiệm sẽ miễn cưỡng cho tôi thực hiện công việc của mình vì họ sẽ không nhận được đồng nào cả. Tôi đâu phải sinh viên của họ", cô nói.

Amma sẽ đợi đến sau Thế vận hội và nếu không thể quay lại trường, có lẽ cô sẽ quên hết chương trình học. "Tôi nghĩ sau tháng Hai, tôi sẽ phải chuyển sang kế hoạch tiếp theo. Có thể tôi sẽ kết hôn và tìm kiếm một công việc ở nơi khác vì một phần cuộc sống của tôi đã bị trì hoãn. Người yêu và tôi dự định kết hôn sau khi tôi tốt nghiệp nhưng chắc phải đẩy nhanh tiến độ". Amma bộc bạch.

Theo vnexpress