Đơn xin thị thực du học giảm

Bộ Nội vụ Anh hôm 30.4 công bố dữ liệu mới về số lượng đơn xin thị thực nhập cảnh, trong đó có thị thực du học. Thống kê cho thấy, số đơn đăng ký của những người muốn xin thị thực du học tại Anh đã giảm xuống còn 34.000 trong 3 tháng đầu năm 2024 (chỉ tính những người đi học, không bao gồm người thân đi cùng). Con số này thấp hơn 27% so với cùng kỳ 2 năm trước (46.900 người).

leftcenterrightdel
 Dữ liệu về số đơn đăng ký thị thực du học từ năm 2022 đến nay

Mặt khác, kể từ khi quy định hạn chế sinh viên quốc tế mang theo thân nhân chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2024, tổng số đơn xin thị thực du học theo diện thân nhân cũng giảm từ 23.800 vào 3 tháng đầu năm 2022 xuống chỉ còn 6.700 trong cùng kỳ năm nay, mức giảm gần 72%.

Bộ Nội vụ Anh cũng lưu ý các bên cần chờ đến tháng 8 hay tháng 9, thời điểm đơn đăng ký thị thực du học đạt đỉnh, trước khi đánh giá tác động của những chính sách gần đây và các ảnh hưởng khác nếu có. Song, nhiều chuyên gia phản đối điều này, cảnh báo rằng những thay đổi trong chính sách khiến Anh ngày càng kém thu hút trong mắt sinh viên quốc tế.

Trả lời trang The PIE News, tiến sĩ Diana Breech, Giám đốc điều hành London Higher, cho rằng sự sụt giảm về số đơn xin thị thực du học trong 3 tháng đầu năm phản ánh tác động thực tế của những động thái gần đây từ chính phủ Anh, nhất là với sự tự tin của du học sinh. "Tiếc là chúng ta không biết được có bao nhiêu sinh viên quốc tế sáng giá và giỏi giang nhất đã bị 'chặn đường' đến Anh", bà Breech nhận định.

"Rất rõ ràng là Mỹ đã vượt qua Anh để trở thành điểm đến du học được yêu thích nhất", nữ tiến sĩ nói thêm.

Nhiều chính sách nhằm cắt giảm lượng người nhập cư

Theo thông cáo của Bộ Nội vụ Anh, đơn vị này đã thực hiện nhiều thay đổi về quy định thị thực nhằm cắt giảm lượng người nhập cư, trong đó có 2 văn bản mới nhất được ban hành vào ngày 19.2 và 14.3 chủ yếu nhắm vào thị thực làm việc.

Cụ thể, Anh tăng mức lương tối thiểu mà lao động ngoại quốc phải đạt được để nộp đơn xin thị thực lao động lành nghề, từ 26.200 lên 38.700 bảng/năm (1,2 tỉ đồng). Danh sách các công việc có thể được bảo lãnh theo diện thị thực này cũng được rút ngắn. Mặt khác, thu nhập tối thiểu để bảo lãnh vợ/chồng đi cùng tăng lên 29.000 bảng/năm (925 triệu đồng), và giờ đây nhân viên chăm sóc xã hội không còn được mang theo thân nhân.

leftcenterrightdel
 Sinh viên quốc tế tại University College London, một trong những ĐH hàng đầu nước Anh và thế giới

Thị thực sau tốt nghiệp ("Graduate" visa), giấy phép làm việc không cần được bảo lãnh có thời hạn 2 năm dành cho sinh viên nước ngoài tốt nghiệp ở các trường ĐH Anh, cũng sẽ được Ủy ban cố vấn nhập cư (MAC) xem xét lại và sau đó quyết định có nên duy trì nữa hay không do có lo ngại về việc lạm dụng. Trước đó, Anh trở thành một điểm đến du học hấp dẫn một phần nhờ vào chương trình cho phép ở lại làm việc này.

Các quyết định trên làm nhiều du học sinh "vỡ mộng". Trả lời trang The PIE News, bà Tripti Maheshwari, giám đốc một tổ chức giúp du học sinh tìm việc làm ở Anh, cho biết hàng trăm người đã nhắn tin bày tỏ lo lắng sau khi quy định mới được ban hành. "Họ chọn đến Anh vì những chính sách được đưa ra vào thời điểm đó, và các thay đổi phải phù hợp với kế hoạch của họ", bà Maheshwari nêu quan điểm.

Theo chính phủ Anh, việc nâng chuẩn thị thực lao động và xét lại thị thực làm việc sau tốt nghiệp là những thay đổi nhằm giảm 300.000 người nhập cư ròng mỗi năm. Tuy vậy, động thái trên lại khiến nhiều chuyên gia tại Anh lo ngại vì có thể tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của lĩnh vực giáo dục ĐH, như "khai tử" nhiều trường ĐH hay "chặn đường" nhân tài đến nước này.

Theo Cơ quan Thống kê giáo dục ĐH Anh, Việt Nam đứng thứ 20 về số du học sinh tại Anh trong năm 2022 với 7.140 người (không bao gồm bậc phổ thông). Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, chi phí để theo học bậc cử nhân tại Anh dao động ở mức 10.000-26.000 bảng/năm (318-829 triệu đồng). Với ngành y, học phí có thể lên tới gần 68.000 bảng/năm (2,1 tỉ đồng).

Theo Thanh niên