Thành phố Hamburg, Đức. Ảnh: Goway Travel
1. Học phí
Phần lớn trường đại học ở Đức miễn học phí cho sinh viên, cả trong nước và quốc tế. Khoản duy nhất sinh viên quốc tế phải nộp là "đóng góp học kỳ". Đây là khoản tiền cố định, dùng chi trả cho những dịch vụ trong trường như xe bus, hỗ trợ dịch vụ hành chính, xây dựng cơ sở vật chất cho phòng thể thao, phòng ăn...
Tuy được miễn học phí, mỗi du học sinh vẫn phải trả phí nhập học trong khoảng từ 150 đến 250 euro (khoảng từ 3,8 đến 6,4 triệu đồng).
2. Nhà ở
Bảng dưới đây so sánh giá thuê nhà trung bình tại một số thành phố của Đức.
Giá thuê nhà tại các thành phố lớn như Berlin, Munich, Hamburg, Cologne và Frankfurt sẽ đắt hơn vùng ngoại ô hay nông thôn tại Leipzig hay Karlsruhe. Bạn nên tìm người ở chung để giảm gánh nặng chi phí và chọn chỗ ở gần trường để tiện di chuyển.
Nếu thuê căn hộ có một phòng ngủ tại trung tâm thành phố, tiền thuê sẽ khoảng 700 euro một tháng, trong khi giá ở ngoại ô là 500 euro. Nếu đang nhắm tới một căn hộ rộng rãi, được trang bị đầy đủ nội thất ở nội thành, bạn cần chuẩn bị mỗi tháng khoảng 1.000-1.500 euro.
3. Ăn uống
Việc dùng bữa tại các nhà hàng Đức không phải là lựa chọn tốt nếu bạn muốn tiết kiệm. Một bữa ăn cho hai người tại nhà hàng hạng trung của Đức giá khoảng 45 euro. Ở nhà hàng nhỏ hơn, giá cho một bữa ăn dao động 8 đến 14 euro.
Các trường đại học thường có căng tin hoặc nhà hàng với mức giá khoảng 5 euro một bữa ăn.
Nhưng trong 4 năm đại học, bạn không thể cứ mãi ăn ở căng tin, nhà hàng hoặc sử dụng đồ ăn nhanh. Học nấu ăn là cần thiết không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp bạn tiết kiệm bởi giá thực phẩm tại Đức không cao.
Dưới đây là giá một số loại thực phẩm.
4. Di chuyển
Là sinh viên, bạn phải di chuyển rất nhiều, từ việc đến lớp rồi về căn hộ hay đi gặp một người bạn ở bên kia thành phố. Việc lựa chọn sử dụng loại phương tiện giao thông nào không chỉ giúp bạn tiết kiệm mà còn rút ngắn thời gian di chuyển.
Như đã đề cập ở trên, khoản thanh toán theo học kỳ bạn đóng tại trường sẽ bao gồm vé xe bus. Nếu vì lý do nào đó mà bạn phải sử dụng phương tiện khác, hãy cân nhắc chi phí bỏ ra.
Cách tốt nhất để di chuyển ở Đức là sử dụng xe đạp, đặc biệt trong thành phố đông đúc giờ cao điểm. Trong các phương án di chuyển còn lại, rẻ nhất chắc chắn là phương tiện công cộng.
Hiện nay, vé một chiều các phương tiện công cộng địa phương trung bình 2 euro một ngày. Nếu bạn di chuyển thường xuyên trên một loại phương tiện, có thể mua vé tháng với giá 70 euro.
Cước taxi ở Đức thường giá từ 1,55 euro đến 2,5 euro mỗi km. Nếu sở hữu ôtô cá nhân, bạn cần biết giá xăng ở Đức khoảng 1,25 đến 1,49 euro một lít.
5. Điện, nước và các tiện ích khác
Bên cạnh tiền thuê nhà, bạn cần trang trải hóa đơn tiền điện, nước và tiền vệ sinh hàng tháng. Không may cho bạn khi tiền điện ở Đức khá cao dù đã giảm nhẹ vào năm 2018. Hiện nay, một kWh có giá 29,42 cent. Cộng tất cả chi phí trung bình cho một căn hộ khoảng 85 m2 là 215,21 euro một tháng.
Nếu bạn sống cùng người khác, họ sẽ chia sẻ với bạn những chi phí này. Trong một số trường hợp, những khoản này đã được cộng gộp trong hóa đơn thuê nhà nên bạn không cần trả thêm khoản tiền phát sinh nào.
6. Bảo hiểm y tế
Tại Đức, bảo hiểm y tế là bắt buộc, bất kể tình trạng cư trú hoặc thu nhập của bạn. Bạn sẽ phải đăng ký một loại bảo hiểm y tế ngay trong tuần đầu tiên đặt chân đến Đức.
Có hai chương trình bảo hiểm chính ở đây là bảo hiểm y tế công cộng và bảo hiểm y tế cá nhân. Bạn có quyền tự do lựa chọn bất kỳ loại bảo hiểm nào, tùy thuộc vào nhu cầu và số tiền bạn sẵn sàng chi trả cho dịch vụ này.
Bảo hiểm y tế công cộng bắt buộc với tất cả công dân sống tại Đức. Mức thanh toán bạn cần chi trả được quy định bởi chính phủ, dao động 70-80 euro một tháng, rẻ hơn bảo hiểm y tế cá nhân. Nếu muốn sử dụng các dịch vụ y tế, sức khỏe với mức ưu đãi lớn hơn, bạn nên lựa chọn bảo hiểm y tế cá nhân. Do nhu cầu của cá nhân khác nhau nên bảo hiểm y tế cá nhân không có giá cụ thể.
Theo
vnexpress