Tài chính trước, việc học sau

Chúng tôi đến một trung tâm tư vấn du học ở Q.1, TP.HCM để tìm hiểu về chương trình cử nhân ngành công nghệ thông tin ở Canada. Một nữ chuyên viên tư vấn tầm 30 tuổi đặt ngay câu hỏi về nghề nghiệp của cha mẹ.

Ngày hội du học New Zealand do Cơ quan giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức tại TP.HCM cuối tháng 3-2019 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Khi chúng tôi nói mẹ làm giáo viên, cha làm thầu xây dựng ở tỉnh, không có cơ sở để chứng minh tài chính nằm ở mức 40-50 triệu đồng/tháng, nhân viên tư vấn ngay lập tức tìm hiểu thêm các thông tin về đất đai hay các tài sản khác trong nhà để có thể làm bằng chứng khi xin visa.

"Phải có sổ tiết kiệm 1 tỉ rưỡi mới tính tới đi du học" - nhân viên này khẳng định.

Khi đã biết kha khá thông tin về gia cảnh, nhân viên tư vấn bày: "Thủ tục bên chị có thể lo hết, do cũng quen với bên tổng lãnh sự. Giờ xem cha có quen một công ty xây dựng nào không, để xin cho cha đứng tên làm một thành viên trong đó, giấy tờ bên chị có thể hỗ trợ".

Đến một trung tâm khác tư vấn đi Canada ở Q.3, TP.HCM, những câu đầu tiên họ hỏi chúng tôi cũng là về gia cảnh. Để làm tăng thu nhập "chính đáng" cho gia đình, người tư vấn ở công ty này khuyên chúng tôi nên cho thuê trên giấy tờ những miếng đất của gia đình.

"Đất để không người ta không định giá được, nói nhà viết giấy cho bà con thuê, trên giấy tờ thôi, để nâng số tiền hằng tháng của nhà mình lên" - nhân viên này tư vấn.

Hỏi "chán chê" về tài chính gia đình, hai nhân viên ở hai trung tâm tư vấn mới đề cập đến... việc học. Thậm chí, nhân viên ở cơ sở Q.1 chỉ tư vấn bằng một câu: "Công nghệ thông tin ở Canada trường nào cũng có, chuyện trường lớp xem như đã xong, chỉ còn chuyện tư vấn tài chính".

Ông N.T.A. (Q.10, TP.HCM) - người từng làm dịch thuật cho một công ty tư vấn du học ở Q.3 - cho biết sở dĩ nhiều công ty đề cập đến tài chính trước khi nói về học tập là có hai lý do: muốn đảm bảo đây là khách hàng "thật", có tiền để theo các dịch vụ về sau; thêm nữa, một phần do chính người đi học không có lựa chọn, bày gì học đó nên việc học thường xếp xuống sau chuyện tài chính.

Ông T.A. cũng cho biết lợi dụng việc một số tổng lãnh sự quán chỉ yêu cầu nộp hồ sơ online hoặc nộp bản giấy không yêu cầu đối chiếu bản chính, các công ty du học có thể lợi dụng khe hở này để chỉnh sửa hồ sơ theo ý muốn của khách hàng.

Ông P.Đ.P.Q. (Cần Thơ) trước đây từng làm việc cho một công ty du học, nói nhờ những mối quan hệ cùng những kiến thức du học trước đó, hiện tại ông đã có thể tự mình nhận các "mối" riêng để tư vấn và làm hộ các thủ tục cần thiết cho đến khi khách hàng xuất ngoại thành công. Chi phí thông thường là 1.000 euro/trường hợp.

"Thường thì có hai hướng để hoàn thiện một hồ sơ du học: một là 'nuôi' hồ sơ đó cho đến khi đẹp thì đăng ký, hai là làm giả hồ sơ. Do mình làm độc lập nên thường hướng dẫn khách 'nuôi' hồ sơ, thường mất ít nhất 6 tháng để làm đẹp bảng điểm, thành tích tham gia hoạt động hay bảng điểm tiếng Anh" - ông Q. cho biết.

Học là phụ, làm là chính

Gọi điện đến một trung tâm tư vấn du học Nhật - Hàn ở Q.12, TP.HCM, chúng tôi nhận được rất nhiều lời giới thiệu rằng đây là một hình thức đầu tư có lãi.

Cụ thể, chỉ cần vốn khoảng 160-220 triệu đồng cho tất cả chi phí sang Nhật du học, sinh viên có thể làm thêm theo luật là 28 giờ một tuần với giá 900-1.200 yen/giờ, tức một tháng có thể kiếm được từ 21-28 triệu đồng.

Mượn tiếng du học để sang nước ngoài làm việc không phải là lạ. Trang web của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thường xuyên cập nhật tên những công ty, chủ yếu ở khu vực phía Bắc, bị cấm đại diện xin cấp visa do có những hành vi đưa người trái phép sang Nhật.

Thậm chí vào tháng 11-2018, Đại sứ quán Nhật Bản đưa ra lời cảnh báo trên trang fanpage chính thức (tạm dịch) như sau: "Các bạn đã bao giờ nghe công ty môi giới du học và thực tập kỹ năng nói rằng nhân viên người Việt trong Đại sứ quán Nhật Bản là bạn của chúng tôi nên kiểu gì cũng làm được visa? Các bạn đừng để những kẻ đó lừa gạt!".

Theo quan sát của Tian Tran - sinh viên Trường Le Cordon Bleu (Úc), hiện tại nhiều sinh viên Việt Nam chỉ đăng ký một môn học nào đó ở Úc, thời gian còn lại đi làm thêm là chính. Khi hết thời gian định cư trên visa, những sinh viên này tiếp tục đăng ký thêm một khóa học khác với chi phí rẻ hơn, cứ thế được gia hạn thị thực và tiếp tục ở lại làm thêm để lấy khoản tiền từ chênh lệch thu nhập.

Bà Nguyễn Ngọc Hân, giám đốc Campus France TP.HCM - bộ phận đảm nhiệm du học của Đại sứ quán Pháp, chia sẻ: với việc chọn ngành học, những lời khuyên của các trung tâm tư vấn du học chỉ mang ý nghĩa tham khảo, còn quyết định cuối cùng vẫn phải do học sinh và gia đình quyết định.

Sẽ tăng cường kiểm tra

Theo bà Nguyễn Thị Kim Xuyến - phó trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến cuối tháng 3-2019, sở đã ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho 263 công ty. Sở vừa kiểm tra hoạt động dịch vụ tư vấn du học của 39 đơn vị thì xử phạt 5 đơn vị vì hoạt động khi chưa được sở cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Mới đây, phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức buổi hội nghị về công tác tư vấn du học năm 2019 trên địa bàn nhằm cung cấp các kiến thức về pháp luật cho hoạt động này, cũng như lắng nghe những tâm tư từ các đơn vị đang kinh doanh tư vấn du học hợp pháp ở TP.HCM.

Theo ông Lê Duy Tân - trưởng phòng, trong năm 2019 sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra cũng như có biện pháp quản lý các đơn vị kinh doanh tư vấn du học thông qua ứng dụng CNTT. Ông Tân cũng cho rằng tư vấn du học là hoạt động rất ý nghĩa bởi có thể tác động đến du học sinh sau này, qua đó ảnh hưởng đến hình ảnh của con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

 


                                                                                                                                                                                                           Theo Tuổi Trẻ