leftcenterrightdel
Đức đang thu hút sinh viên nước ngoài đến du học và ở lại nước này làm việc. 

Theo các chuyên gia tuyển sinh nước ngoài, Đức ngày càng tạo dựng được sức hấp dẫn trong lĩnh vực giáo dục quốc tế và có khả năng giữ chân du học sinh ở lại làm việc.

Trong năm học 2022 – 2023, Đức ghi nhận kỷ lục gần 370 nghìn sinh viên quốc tế, tăng 5% so với tổng số sinh viên năm học 2021 – 2022. Đây là năm tăng trưởng thứ 5 liên tiếp về số lượng sinh viên quốc tế tại Đức.

Dựa trên xu hướng tuyển sinh quốc tế tăng cao, Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây đã khẳng định Đức cần sinh viên quốc tế “trẻ và có trình độ tốt” để thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Mong muốn phát huy các cơ hội sẵn có, Bộ Giáo dục Liên bang Đức đã phối hợp Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD) đưa ra sáng kiến tuyển dụng sinh viên quốc tế và đào tạo họ trở thành những công nhân lành nghề trong tương lai cho thị trường việc làm Đức.

Sáng kiến được phân bổ 120 triệu euro nhằm hỗ trợ sinh viên quốc tế trong quá trình học tập và chuyển sang thị trường việc làm ở Đức như cấp học bổng, kết nối doanh nghiệp...

Theo các chuyên gia tuyển sinh quốc tế, số liệu thống kê được công bố trong tháng 12 cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 0,1% trong quý III năm 2023. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Đức đối với sinh viên quốc tế đang ở mức cao nhất mọi thời đại.

Cuộc khảo sát của tổ chức giáo dục ICEF 2023 Agent Voice cho thấy nhu cầu về giáo dục đang ở mức mạnh mẽ, trong đó Đức là một trong những quốc gia du học có mức tăng trưởng đáng kỳ vọng trong thời gian tới.

Đáng chú ý, nhiều người trong số đó tốt nghiệp cử nhân, gia nhập thị trường lao động trong nước và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước này. Không chỉ thu hút sinh viên quốc tế đến học, Đức còn là quốc gia có khả năng giữ chân họ ở lại làm việc.

Theo phân tích hồi tháng 10 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hơn 60% sinh viên quốc tế du học Đức vào năm 2015 vẫn ở lại nước này làm việc.

Cử nhân quốc tế chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động nước ngoài ở Đức nói riêng và các quốc gia OECD. Tỷ lệ này là rất quan trọng trong việc thu hút sinh viên quốc tế. Các cựu sinh viên sẽ là cầu nối sinh viên trong nước với các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu Đức muốn phát triển lĩnh vực giáo dục quốc tế, nước này cần giải quyết bài toán thiếu nhà ở. Hiện tại, Đức thiếu hơn 700 nghìn căn hộ, nhất là ở phân khúc bình dân, nên giá thuê nhà, nhất là tại các thành phố đại học lớn, đã tăng lên đáng kể.

Dự kiến, học kỳ mùa Đông này sẽ là một thách thức lớn với sinh viên quốc tế. Hồi tháng 8, tờ Economic Times (Ấn Độ), cảnh báo hơn 35 nghìn sinh viên quốc tế tại một số thành phố Berlin, Darmstadt, Frankfurt... vẫn đang chờ phản hồi về đơn đăng ký vào ký túc xá.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng trên. Trong đó, hầu hết các cơ sở giáo dục Đức miễn học phí cho sinh viên quốc tế. Còn các trường đại học tư thục giảm tới 30% học phí nhằm thu hút sinh viên trong và ngoài nước. Chưa kể, Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, mang theo nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo giaoducthoidai