Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có khoảng 200.000 lưu học sinh đang học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Với chi phí học tập từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng một năm, nhiều du học sinh tìm cách cân đối tài chính để vừa tiết kiệm vừa đạt được hiệu quả học tập tốt nhất.
Tận dụng mọi cơ hội
Anh Nguyễn Khánh Toàn, học thạc sĩ giáo dục khóa 2023-2025 tại ĐH Melbourne theo diện học bổng Chính phủ Úc AAS, cho rằng ngay khi có ý định du học, mỗi học sinh phải nắm bắt cơ hội học hổng. Chi phí du học khá đắt đỏ, trong đó học phí chiếm phần lớn nhưng cũng là khâu "dễ" nhìn thấy cách cắt giảm nhất.
Theo anh Toàn, có rất nhiều loại học bổng, phụ thuộc vào đơn vị đài thọ, cơ chế ràng buộc cũng như mức độ (toàn phần, 100% học phí, 50% học phí...). Thông thường, hồ sơ được trao học bổng thể hiện được sự xuất sắc trong học tập, nghiên cứu hay khả năng lãnh đạo. Ứng viên cần ít nhất 2-3 năm chuẩn bị và "nâng cấp" hồ sơ của mình để đáp ứng tối đa các yêu cầu của học bổng.
Ngoài ra, cộng đồng du học sinh hoặc các đơn vị tư vấn săn học bổng cũng sẵn sàng hỗ trợ học sinh trên con đường chinh phục học bổng. AAS là một trong những học bổng thạc sĩ danh giá nhất thế giới với mức đài thọ toàn phần.
Bên cạnh đó, chi phí chăm sóc sức khỏe cũng là một khoản đáng lo ngại với du học sinh. Mỗi lần thăm khám tại bệnh viện dù có bảo hiểm vẫn mất một khoản lớn. Do đó, du học sinh cần biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân, gồm sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Du học sinh cần nghiên cứu trước những bệnh dễ mắc phải để có phương án tiêm phòng, chuẩn bị thuốc từ Việt Nam hoặc cách xử lý phù hợp.
"Sức khỏe tinh thần cũng là một khía cạnh quan trọng mà nhiều du học sinh còn xem nhẹ. Khi tinh thần suy sụp, cơ thể bạn cũng sẽ xuất hiện những bệnh lý cần sự hỗ trợ và can thiệp của bác sĩ. Ở cấp độ nặng và bệnh tình diễn ra trong thời gian dài, bảo hiểm sẽ không thể chi trả được viện phí và bạn sẽ phải tự bỏ chi phí cá nhân để chữa bệnh. Bạn có thể cải thiện tinh thần của mình bằng cách tập thể dục, trân trọng cả những điều nhỏ nhặt, viết nhật ký, chia sẻ với bạn bè hoặc với phòng tham vấn tâm lý tại ngôi trường mà mình theo học" - anh Toàn khuyên.
Theo chị Nguyễn Thị Ngân Hà, du học sinh đang theo học cao học khoa học máy tính tại Mỹ, sinh viên có nhu cầu du học cần tham khảo thông tin chính thức từ các trường, thông tin du học các quốc gia trên mạng hoặc tham gia hội thảo du học ngành nghề liên quan. Sinh viên nên chủ động liên hệ nhân viên trường, cựu du học sinh ở nơi mình đang ở để hỏi thăm tình hình thực tế.
Từ đó, du học sinh lên kế hoạch cụ thể những khoản chi phí cần thiết trong quá trình học tập để tránh chi tiêu không hợp lý. Thông thường, 2 học kỳ đầu sẽ hơi khó tìm việc làm thêm ngay nên du học sinh phải chuẩn bị sẵn chi phí ăn ở trong giai đoạn đầu mới nhập học.
Chi phí ăn ở có thể tiết kiệm bằng cách sử dụng ký túc xá của trường, đặt thực phẩm hằng tuần để tự nấu. Chị Ngân Hà cho biết tùy vào chính sách ký túc xá của từng trường và từng khu vực, du học sinh có thể chọn ở ký túc xá hoặc tự thuê ở ngoài. Nếu trường cho phép tự thuê ở ngoài thì thử liên hệ cộng đồng du học sinh tại nơi học để tìm phòng trọ. Hình thức ở ghép (có phòng riêng, ở chung nguyên căn hộ cùng một nhóm bạn) cũng khá phổ biến nếu du học sinh cần tiết kiệm chi phí nhưng cần tìm hiểu kỹ thông tin từ chủ căn hộ cũng như về những người sẽ ở cùng mình.
Nếu du học tại Mỹ hoặc các quốc gia di chuyển chính bằng xe cá nhân, du học sinh có thể thuê nơi ở xa trung tâm một chút để tiết kiệm chi phí nhưng phải có bằng lái xe và có xe riêng. Ở châu Âu, đa số di chuyển bằng phương tiện công cộng và khoảng cách di chuyển không quá xa nên ký túc xá cũng là một trong những lựa chọn hàng đầu…
Lựa chọn nơi làm thêm
Theo chị Ngân Hà, mỗi quốc gia có chính sách làm thêm cho du học sinh khác nhau nên du học sinh phải tìm hiểu thật kỹ.
Ở Mỹ, trong thời gian học tập, du học sinh được phép làm bán thời gian cho trường. Trong giai đoạn hè, du học sinh có thể xin làm công việc ngoài trường nhưng phải kiểm tra kỹ thông tin với bộ phận quản lý sinh viên quốc tế của trường. Du học sinh cần tránh trường hợp xin việc làm qua người môi giới, không rõ thông tin việc làm, dẫn đến bị lừa làm những việc vi phạm pháp luật.
"Khi làm thêm, du học sinh cần đọc kỹ yêu cầu công việc, lương, thuế và những quy định liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chính mình. Các bạn có thể liên hệ bộ phận quản lý sinh viên quốc tế nếu có thắc mắc về chính sách học tập và làm việc của du học sinh" - chị Ngân Hà nêu kinh nghiệm.
Anh Nguyễn Khánh Toàn cũng cho rằng du học sinh có thể tìm việc làm thêm ổn định với những khóa học ngắn hạn khi còn ở Việt Nam như pha chế, làm tóc, làm móng… để khi đến với môi trường mới, họ sẽ nhanh chóng được nhận vào làm việc. Tất nhiên, du học sinh vẫn cần bảo đảm việc học của mình không bị ảnh hưởng.
Mua lại đồ của cựu du học sinh
Hằng năm, lượng du học sinh nhập học và tốt nghiệp không ít. Theo chị Ngân Hà, du học sinh mới ra nước ngoài du học có thể liên hệ anh chị khóa trên - những người chuẩn bị tốt nghiệp - xem có thể mua lại một số vật dụng hằng ngày để tiết kiệm chi phí hay không. Các trường học cũng thường tổ chức gian hàng sinh viên để hỗ trợ du học sinh mua - bán những mặt hàng cơ bản với giá cạnh tranh hơn ngoài thị trường. Với những ngành học phổ biến, du học sinh có thể dễ dàng mua được sách cũ hoặc thuê trên các website. Mượn sách từ thư viện hoặc từ khoa cũng là cách tiết kiệm đáng kể chi phí học tập.
|
Theo nld