|
|
ĐH Melbourne, ngôi trường số 1 nước Úc, sẽ tăng học phí thêm 7% từ năm 2025 |
Tăng học phí từ năm 2025
Tờ The Australian hôm 30.10 đưa tin độc quyền về việc một số ĐH hàng đầu Úc sẽ bắt đầu tăng học phí từ năm 2025 với du học sinh, trong bối cảnh chính phủ Úc dự kiến áp trần tuyển sinh với người nước ngoài cũng từ năm tới. Cụ thể, các ĐH Melbourne, New South Wales, Western Sydney đều sẽ tăng học phí thêm 7%, còn Quốc gia Úc và Sydney lần lượt tăng 5,8% và 3-4%.
Như vậy, từ năm tới, du học sinh ở ĐH Melbourne phải trả 56.480 AUD/năm (938 triệu đồng) nếu học nhóm ngành kỹ thuật, và 54.048 AUD/năm (898 triệu đồng) nếu là nhóm ngành thương mại. Trong khi đó, tại ĐH New South Wales, du học sinh đóng trung bình 58.560 AUD/năm (973 triệu đồng) từ năm 2025 với hầu hết các ngành, tăng 3.840 AUD (63 triệu đồng) so với năm nay.
Theo người phát ngôn của ĐH New South Wales, mức tăng nêu trên là điều cần thiết để đảm bảo chất lượng giảng dạy, được dùng để chi trả cho các khoản như phí đăng ký thư viện, thiết bị nghiên cứu và các chi tiêu giáo dục khác. Đây đều là những khoản đã tăng so với trước. Ngoài ra, quyết định tăng học phí còn liên quan đến việc tỷ giá đồng đô la Úc biến động.
Người phát ngôn từ ĐH Western Sydney nhận định: "Khi 'chốt' mức học phí, trường đã tính đến nhiều yếu tố như chi phí tại các ĐH khác, chỉ số giá tiêu dùng và chính sách của chính phủ". Và việc này khiến tấm bằng cử nhân chuyên ngành khoa học xã hội tốn 30.952 AUD/năm (514 triệu đồng), trong khi các bằng kinh doanh, công nghệ thông tin lần lượt tăng đến 34.160, 36.416 AUD mỗi năm (567, 605 triệu đồng) vào năm tới.
Tại ĐH Sydney, từ năm 2025, học phí mỗi năm sẽ là 57.700 AUD cho các ngành kỹ thuật và 53.600 AUD cho các ngành thương mại, luật (958 và 890 triệu đồng). Còn với ĐH Quốc gia Úc, các ngành có chi phí thấp nhất nay sẽ dao động từ 44.670 đến 59.750 AUD/năm (742 - 992 triệu đồng). Còn ai theo đuổi ngành y sẽ phải trả 95.360 AUD/năm (1,5 tỉ đồng).
|
|
Phụ huynh, học sinh nghe tư vấn từ đại diện ĐH Quốc gia Úc trong hội thảo hồi tháng 8 |
Việc tăng học phí nêu trên sẽ giúp các trường tăng đáng kể doanh thu. Bởi, theo báo cáo mới đây từ Trung tâm nghiên cứu Menzies (MRC), cứ 3 sinh viên ĐH ở Úc thì có 1 bạn là người nước ngoài. Thậm chí, có những ngành học tỷ lệ sinh viên quốc tế lên tới 79%. Báo cáo cũng chỉ ra rằng ở nhóm 8 trường ĐH hàng đầu Úc (Group of Eight), sinh viên quốc tế chiếm tới 46% tổng số tân sinh viên trong năm 2023.
Nhiều trường cắt giảm nhân sự
Không chỉ tăng học phí với du học sinh, một số trường nêu trên còn đang có ý định hoặc đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm nhân sự. Theo tờ The Guardian, ĐH Quốc gia Úc sau khi cắt giảm 50 việc làm tại Trường Y tế và sức khỏe đã tiếp tục thông báo cắt giảm 87 nhân viên ở 3 bộ phận vào tuần trước. Trường cũng đề nghị các nhân viên xem xét từ bỏ mức tăng lương 2,5% sắp tới để tránh mất thêm 638 việc làm.
Động thái này nhằm giúp ĐH Quốc gia Úc tiết kiệm 250 triệu AUD, trong đó 100 triệu đến từ tiền lương, theo giáo sư Genevieve Bell, Phó hiệu trưởng nhà trường.
Chung xu hướng, ĐH Canberra thông báo cắt giảm ít nhất 200 nhân viên, bao gồm lãnh đạo cấp cao, để tiết kiệm 50 triệu AUD. Trong khi đó, ĐH James Cook cắt giảm 67 việc làm, còn ĐH Griffith thông báo sa thải dưới 50 nhân viên. ĐH Nam Queensland dù chưa công bố con số cụ thể song dự kiến cắt giảm khoảng 60 vị trí để bù đắp khoản thâm hụt 32 triệu AUD.
Tương tự, ĐH Macquarie muốn cắt giảm không ít nhân viên thời vụ vào năm 2025. ĐH Wollongong thì đang trong "quy trình thay đổi nơi làm việc" do doanh thu giảm 35 triệu AUD, khiến hơn 200 nhân viên có thể bị mất việc. Nhìn chung, lý do cắt giảm nhân sự của hầu hết các trường nêu trên là áp lực tài chính, trong đó có câu chuyện Úc đã cấp ít hơn 60.000 visa du học ở lĩnh vực giáo dục ĐH khiến nguồn thu bị ảnh hưởng.
Ở góc nhìn khác, người phát ngôn của ĐH Quốc gia Úc cho biết độ thâm hụt của trường không còn có thể được giải quyết bằng cách tăng doanh thu từ tuyển sinh. Giáo sư John Dewar, Phó hiệu trưởng lâm thời ĐH Wollongong, nói rằng trong tình cảnh tài chính hiện tại, trường phải tập trung vào những thế mạnh của mình. Đồng nghĩa, ĐH này buộc phải xem xét ngừng đào tạo một số ngành có ít sinh viên đăng ký.
|
|
Học sinh tìm hiểu cơ hội du học Úc tại một sự kiện do chính quyền bang New South Wales (Úc) tổ chức hồi tháng 9 |
Chi tiêu ngân sách cho các trường ĐH giảm cũng là một trong những nguyên nhân được đề cập. Cụ thể, ông Luke Sheehy, Giám đốc điều hành Universities Australia, nhận định sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm việc làm nữa trong thời gian tới và nguyên nhân chính là do nguồn ngân sách từ chính phủ liên bang bị trì trệ. Các trường ĐH đang "rất đau khổ", theo ông Sheehy, vì 25/39 trường rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách trong năm ngoái.
Cũng theo nam giám đốc, nếu dự luật áp trần tuyển sinh được thông qua, các trường sẽ phải xem xét lại 14.000 vị trí việc làm để cân đối tài chính.
Trước đó, theo Studymove, dự luật áp trần tuyển sinh của chính phủ đã khiến các trường ĐH chia làm hai, gồm nhóm bị giới hạn chỉ tiêu và nhóm còn dư địa phát triển. Báo cáo từ tổ chức này cho thấy, để duy trì vận hành, nhóm bị giới hạn đang tập trung tối đa hóa doanh thu từ số sinh viên hiện có bằng cách tăng học phí hay mở thêm chương trình thu học phí cao.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, tính đến tháng 7, có 793.335 sinh viên quốc tế theo học các khóa ở Úc. Trong đó Việt Nam có 36.221 người, xếp thứ 5. Tại các trường ĐH hàng đầu, số lượng sinh viên lẫn nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide hay nằm trong top 10 về số lượng ở ĐH Queensland...
Theo Thanh niên