Các diễn giả chia sẻ thông tin, kinh nghiệm du học New Zealand tại tọa đàm.


Số liệu trên được công bố tại buổi tọa đàm báo chí với chủ đề “New Zealand cam kết mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho du học sinh” do Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và ENZ phối hợp tổ chức ở Hà Nội ngày 26/7.

Ông Ben Burrowes, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ENZ cho hay, New Zealand là một trong hai quốc gia duy nhất trên thế giới có Chiến lược Giáo dục Quốc tế. Theo định hướng chiến lược này, ENZ khởi động lại chương trình Chứng Nhận Công ty tư vấn Du học được Công nhận bởi Cơ quan Giáo dục New Zealand - ENZRA (Education New Zealand Recognised Agent) nhằm đánh giá lại và cập nhật danh sách các công ty tư vấn du học uy tín và chất lượng, với mục tiêu mang đến sự hỗ trợ tốt nhất cho phụ huynh và học sinh.

Ngoài ra, ENZ cũng sẽ thực hiện các khóa đào tạo trực tuyến để trang bị những kĩ năng mới nhất và các thông tin bổ ích cho các công ty tư vấn du học, nhờ vậy họ có thể hỗ trợ hiệu quả hơn cho du học sinh.

“Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tập trung nỗ lực đem đến những trải nghiệm giáo dục tuyệt vời nhất cho học sinh Việt Nam, trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng cần thiết để bước vào tương lai. Chương trình ENZRA, khi được tái khởi động tại Việt Nam, sẽ khuyến khích các công ty tư vấn du học nâng cao năng lực và hỗ trợ tốt nhất cho HSSV ngay từ khi họ bắt đầu hành trình du học của mình", ông Burrowes chia sẻ.

Bên cạnh việc tăng cường hỗ trợ cho các công ty tư vấn du học hoạt động tốt, ENZ còn giới thiệu công cụ My StudyNZ trên trang web studyinnewzealand.govt.nz để giúp đỡ các bạn học sinh mong muốn theo học tại New Zealand tìm trường học và khóa học phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi cá nhân.

Theo Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ENZ, Ben Burrowes, số lượng du học sinh Việt Nam tăng cao là tín hiệu khả quan, phản ánh cam kết của New Zealand đối với chất lượng giáo dục và quyền lợi cho sinh viên quốc tế.

Phát biểu tại chương trình, bà Wendy Matthews - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam khẳng định, New Zealand tự hào là một đối tác tin cậy trong công cuộc hợp tác giáo dục với Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất thông qua việc ký kết gia hạn bản Kế hoạch Hợp tác Chiến lượng về Giáo dục giai đoạn 2018 – 2020. Bản ký kết được thông qua trong chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 3/2018 vừa qua.

Theo đó, lãnh đạo hai bên đặt mục tiêu tăng số lượng sinh viên Việt Nam tại New Zealand lên 30% vào năm 2020 thông qua khuyến khích trao đổi sinh viên và chương trình chung giữa các trường đại học, các hợp tác khác ở hai nước.

Bà Đại sứ cho hay, mỗi năm Chính phủ New Zealand đều có Học bổng New Zealand ASEAN Scholar Awards (NZAS). Đây là học bổng để thúc đẩy mối quan hệ văn hóa và kinh tế của New Zealand với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ở đây, chính phủ New Zealand mong muốn tìm kiếm các cá nhân có kiến thức, kỹ năng, trình độ để đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị tại chính quốc gia của mình. Học bổng này ưu tiên ứng viên học các ngành nông nghiệp, giáo dục, biến đổi khí hậu, quản trị hành chính công.

Giáo dục trung học và cách đánh giá học sinh khác biệt

“Xứ kiwi” không chỉ là điểm đến thu hút ở bậc đại học với 8 trường đại học đều nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới của QS World Rankings qua nhiều năm mà còn có hệ thống trường trung học tiên tiến.

Jayden Trịnh Jesudhass (nam sinh gốc Việt sinh ra và lớn lên ở New Zealand – học sinh trường Logan Park High School tại New Zealand) cho biết, môi trường học tập ở New Zealand khiến em rất thích vì khá “relax”. Học sinh được học tập các môn học chính trên lớp nhưng được khuyến khích tham gia các chương trình, hoạt động ngoại khóa như nấu ăn, học nhảy, làm đồ kim loại... để khám phá bản thân.

“Ở lớp em có một bạn gái Việt Nam sang du học, thời gian đầu bạn tuyệt nhiên không nói chuyện với ai cả, ai nói chuyện cũng không hỏi lại nhưng sau 2 tuần em thấy bạn rất "xõa" - không sợ nói chuyện với thầy cô, giao lưu với các bạn trong lớp. Em thấy ở New Zealand dạy học sinh không cần chăm chỉ quá, học đi đôi với hành, dành thời gian phát triển bản thân qua các hoạt động ngoại khóa”, Jayden kể.

Một số trường trung học ở New Zealand có homestay cho học sinh cơ hội tiếp xúc người bản địa ở nông trại. Không chỉ học chữ, học sinh còn học nghề (làm đồ kim loại, đồ gỗ) theo sở thích. Do vậy, các em có định hướng nghề nghiệp tốt từ thời trung học.

Ông Ben Burrowes, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ENZ cho biết, điểm nổi bật của hệ thống giáo dục trung học ở New Zealand nằm ở sự linh hoạt. Các em học không phải để nhớ và nói lại những số liệu sách vở mà được chơi, được hiểu và trải nghiệm hết mình trong môn học; từ đó tạo nền tảng cho các em phát triển bản thân. Đó giống môi trường học cá nhân hóa, tùy theo sở thích sở trường mà các em được chọn môn học các em thích nhằm tạo nền tảng, tiếp sau đó lựa chọn các môn học tiếp theo nhằm tối ưu hóa kiến thức kỹ năng cho bậc học sau đó.

“Đặc biệt, vì các em học trong môi trường cá nhân hóa tùy theo sở thích sở trường của bản thân nên chúng tôi không có một kì thi duy nhất cuối kì để đánh giá toàn bộ quá trình học của các em mà chúng tôi có sự đánh giá trong suốt quá trình học. Đó là điểm khác biệt trong cách chúng tôi đánh giá các em học sinh. Có thể nói, chương trình giáo dục bậc trung học ở New Zealand được chấp nhận bởi hầu hết các trường đại học trên thế giới. Đây sẽ là bước chuyển tiếp tốt cho học sinh khi lên các bậc cao hơn”, ông Ben chia sẻ.