leftcenterrightdel
 Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris, nơi Đào Trinh Nhất đến thăm - TƯ LIỆU

Sách báo là phương tiện bồi bổ tri thức

Đến với phương Tây, trong đó có Pháp, dù là cuối thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20, cảm nhận chung của người Việt đối với tri thức, văn hóa Pháp, là người Pháp rất coi trọng sự lưu giữ, phổ biến tri thức, mà thể hiện rõ rệt nhất là ở hệ thống thư viện.

Ngay từ năm 1863 khi sang Pháp cùng sứ đoàn, Trương Vĩnh Ký với vai trò thông ngôn, đã vô cùng thích thú sự đồ sộ, dồi dào tư liệu của thư viện Pháp. Ghi chép trong Cảm tưởng của một người Nhật tại Pháp, tiếp theo là cảm tưởng của người An Nam tại châu Âu của Richard Cortambert cho biết, Trương Vĩnh Ký đến thăm Thư viện Hoàng gia, “lật xem những bản thảo chép tay và những cuốn sách quý khổ đôi một cách thỏa mãn khó tả nên lời của một người yêu sách”.

Sau này vào năm 1880, Trương Minh Ký cũng phải thốt lên trong Như Tây nhựt ký về sự đồ sộ của thư viện Pháp ở Paris: “Viện sách lớn phân phòng rộng rải [rãi],/Để sách in được mấy triệu pho./Vẹo ngoài bổn chép đem vô,/Médailles hai vẹo ấy đồ nhiều nơi./Các chỗ khác vẹo ngoài cuốn sách,/ Đồ vẽ vời nhiều cách thế hay./Chữ đời xưa để đến nay,/Vẹn gìn bút tích mấy tay anh hào”. Riêng ở Vườn Bách thảo, cũng có sách khi “Vẽ hình năm vạn trái cây,/Sách in sáu vạn gồm hay muôn loài”.

Trong chuyến du lịch tới Paris năm 1926, đăng dài kỳ trên Phụ nữ tân văn, Đào Trinh Nhất với bút danh Phạm Vân Anh, cũng như tiền nhân, lưu ý tới văn hóa đọc cùng hệ thống thư viện của Pháp trong 2 kỳ Phụ nữ tân văn số 33 (19.12.1929) và 34 (26.12.1929) của loạt bài Mười tháng ở Pháp. Cảm nhận của nhà báo họ Đào về tầm quan trọng của văn hóa đọc nơi Pháp quốc là “thấy họ lo bồi bổ tri thức cho dân bằng sự đọc sách và xem báo, có khi chăm chút quá hơn là ở bên ta lo miếng ăn thức uống, tấm áo manh quần kia”.

Đọc sách báo quen như ăn cơm, uống nước


Theo Đào Trinh Nhất, chỉ riêng ở Paris, báo và tạp chí đã lên tới hàng trăm. Văn hóa đọc trở thành nếp trong mỗi người dân. Ngay buổi sáng báo chí đã được bày bán la liệt khắp ngả đường, nơi bến tàu xe để phục vụ độc giả: “Hình như người ở Paris, sáng sớm nào cũng vậy: uống café và đọc báo cũng khác, từ người trí thức cho đến anh thợ thuyền cũng vậy: lật tờ báo nóng sốt ra, vội vàng coi ngay mục chánh trị, hình như muốn coi cho biết bữa qua đây Nghị viện có bàn việc gì quan hệ đến quyền lợi dân, hay là chánh phủ có thi hành việc chi mới; rồi mới tới thời sự, tới tiểu thuyết”, thông tin trên Phụ nữ tân văn số 33.

leftcenterrightdel
Phụ nữ tân văn số 34, ngày 26.12.1929 đăng Mười tháng ở Pháp 

Ngoài ham đọc báo, sự ham sách cũng là một thói quen đáng quý khi “Paris bao nhiêu là thơ viện, mà lúc nào cũng chật cứng những người”. Trước hết, là sự ưu thế của hệ thống thư viện khi ở kinh đô ánh sáng, thư viện thật nhiều; từ thư viện các trường học, hội đoàn, cơ quan, cho đến thư viện của quận, thành phố. Phòng đọc sách nào cũng to lớn, bề thế và nhiều sách, “chớ không tiêu điều chật hẹp như thơ viện ở Sài Gòn mình đâu”, tác giả cảm thán khi xem người rồi ngậm ngùi ngẫm đến ta.

Để minh họa, tác giả vào thăm thư viện Sainte Geneviève ngay bên hông đền Panthéon. Thư viện có 4 phòng đọc sách rộng rãi chứa được 400 - 500 người, còn sách thì cơ man “từng trên lớp dưới, lớp trước lớp sau, không biết bao nhiêu mà kể. Trong đó có đủ cả những sách về cổ học La Mã, Hy Lạp và sách bằng chữ các nước Âu châu cũng có”. Có những cuốn sách cổ quý giá, giá tới cả triệu quan tiền. Đào Trinh Nhất còn cho biết tại thư viện này, Lê Ninh (tức Lénine) trong thời gian 1914 - 1917 ở Pháp, ngày nào cũng vào đây đọc sách và “đọc hết một phần tư những sách trong thơ viện, nghĩa là tới 10 muôn bộ”. Theo Đại Nam quấc âm tự vị, một muôn là mười nghìn, thì Lénine đọc tới 10 vạn bộ sách ở đây rồi.

Thư viện địa phương đã lớn, thư viện lớn nhất nước Pháp là Thư viện Quốc gia (Bibliothèque Nationale) mới thực đồ sộ, “đây có lẽ là cái kho sách của cả hoàn cầu, chớ không riêng ở nước Pháp”, Phụ nữ tân văn số 33 ghi. Năm 1922, Phạm Quỳnh đến thăm nơi đây và ông gọi là “Đại Pháp đồ thư quán” trong Pháp du hành trình nhật ký. Theo họ Phạm, “rừng sách” chốn này có 4 triệu quyển sách in, chưa kể tả bản, họa đồ. Có đủ sách trên thế giới tập hợp về. Thư viện có hai phòng đọc rất lớn chứa mỗi phòng 400 - 500 người. Một phòng dành cho độc giả phổ thông, phòng kia dành cho dân khảo cứu và hoạt động từ 9 giờ đến 17 giờ, phòng đọc có mái kính dùng ánh sáng tự nhiên.

Đứng trước “rừng sách” này, người mê sách như Phạm Quỳnh đã phải thốt lên “mình là một người mê sách như mê gái đẹp, mà được vào một nơi rừng sách như thế này, sướng biết bao nhiêu”. Và kết luận rằng: “Các thư viện công lại giúp cho sự học tiện biết bao nhiêu, tưởng cũng là một cái lợi khí cho văn minh”.

Theo thanhnien