Kênh CNN sẽ phát video quảng bá về du lịch Việt Nam với chủ đề “Why not Vietnam?”. (Nguồn: Tổng cục Du lịch)
Trải qua liên tiếp những cú sốc trong thời gian qua, ngành Du lịch sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan tới nguồn vốn, nguồn nhân lực, khách hàng hay sản phẩm du lịch đã bị biến dạng do Covid-19, trong đó quan trọng nhất là môi trường để hoạt động.
Bởi vậy, việc tiêm vaccine cho lao động ngành Du lịch không đơn thuần chỉ là ý tưởng, mà còn là nguyện vọng chính đáng của những doanh nghiệp du lịch và cần được cơ quan quản lý du lịch có thẩm quyền nghiên cứu tìm giải pháp và hướng đi cụ thể.
Cách để du lịch Việt Nam sớm trở lại?
Với tinh thần chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xã hội hoá chương trình vaccine, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) vừa đã có công văn số 46/CV-HHDLVN gửi các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp có liên quan đến du lịch và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố về việc xã hội hóa tiêm vaccine phòng chống Covid-19.
Trước đó, VITA đã có công văn số 45/CV-HHDLVN xin ý kiến về việc xã hội hóa chương trình vaccine trong ngành du lịch. Nội dung này đã nhận được sự ủng hộ cao của Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp hội viên.
Để có cơ sở báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Y tế về đề nghị cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí để tiêm phòng vaccine cho các đơn vị du lịch bao gồm cán bộ, nhân viên và gia đình của họ, VITA đề nghị các đơn vị đăng ký số lượng người và địa điểm tiêm vaccine. Bên cạnh đó, VITA kêu gọi các doanh nghiệp tích cực đóng góp vào Quỹ Vaccine của Chính phủ nhằm triển khai công tác phòng chống Covid-19.
Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên, trong khi số lượng vaccine Covid-19 đang có vẫn ít hơn rất nhiều so với số dân. Không riêng Việt Nam mà trên khắp thế giới, câu chuyện có đủ vaccine và phân phối vaccine Covid-19 là mối bận tâm hàng đầu của các nước khi nguồn cung vaccine vẫn còn khan hiếm.
Một số những tập đoàn lớn đã có những chỉ đạo cụ thể về việc tìm cách tiếp cận nguồn vaccine để tiêm chủng cho cán bộ nhân viên, và đã có những doanh nghiệp có nhân viên được tiêm vaccine. Tuy nhiên, các công ty du lịch và những công ty có liên quan tới hoạt động tuy số lượng lớn nhưng hầu hết lại có quy mô nhỏ, nếu không có các chương trình cho các công ty để đăng ký chung thì việc tiếp cận nguồn vaccine càng trở nên xa vời.
Chủ trương được đồng thuận cao
Để thực hiện chủ trương xã hội hoá chương trình vaccine trong ngành Du lịch, Phó Chủ tịch thường trực VITA Vũ Thế Bình cho biết, VITA đã xin ý kiến các Hiệp hội du lịch địa phương, Hiệp hội du lịch chuyên ngành, các doanh nghiệp hội viên và nhận được sự ủng hộ cao. Trên cơ sở này, VITA sẽ báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Y tế đề nghị cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí để tiêm phòng vaccine cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị du lịch và gia đình.
VITA cũng mong Chính phủ tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vaccine về Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.
Trước chủ trương này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định Nguyễn Hoàng Vũ đồng thuận với việc tham gia chương trình xã hội hoá vaccine trong ngành Du lịch và đang cho triển khai tới các hội viên để có thể đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa Hoàng Văn Vinh cũng cho biết: “Hoạt động du lịch ở Khánh Hoà cũng gần như “đóng băng”, không khách sạn nào dám mở cửa (trừ những khách sạn đón khách cách ly), mà có mở cũng không có khách. Vì thế, chỉ tiêm chủng mở rộng mới có thể sớm miễn dịch cộng đồng và ổn định tình hình trở lại”.
Gỡ phó để mở đường cho vaccine
Câu chuyện vaccine là quan trọng nhưng trước tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới ngành Du lịch như hiện nay thì cần các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Theo ông Vũ Thế Bình, ngoài các chính sách về thuế, phí, tiền điện như những đề xuất trước đây, VITA đã từng đề xuất tạm thời cho doanh nghiệp được chuyển đổi từ giấy phép lữ hành quốc tế sang nội địa, vì từ năm 2020 các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã chỉ đón khách nội địa. Từ khi xuất hiện dịch đến nay, VITA đã nhiều lần kiến nghị cho doanh nghiệp dùng tiền ký quỹ để giải quyết những khó khăn trước mắt.
Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung những giải pháp cấp bách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19, trong đó tiếp tục đề xuất bổ sung một số chính sách hỗ trợ ngành Du lịch trong thời gian tới.
Hiện nay đã có một số các đối tác tại châu Âu liên lạc để hỏi về kế hoạch mở cửa của Việt Nam nhưng câu trả lời vẫn là không biết tới bao giờ khi hiện nay Việt Nam vẫn đang nằm ở đỉnh của làn sóng lần thứ 4 và có khoảng 1% dân số được tiêm chủng.
Phát tờ rơi hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho du khách tham quan vịnh Hạ Long. (Nguồn: Baodulich)
Cũng theo đánh giá của những người làm du lịch, tuy khu vực Đông Nam Á đang nằm trong vùng chịu tác động mạnh của biến chủng Covid-19 mới và các kế hoạch mở cửa đều phải trì hoãn, nhưng các quốc gia này đều đang tiến hành tiêm chủng với tốc độ nhanh.
Với số lượng dân số thấp hơn Việt Nam chỉ hơn 30 triệu người, trong khi đó Malaysia đã tiêm được hơn 2 triệu người và có số lượng vaccine cho đủ 30% dân số, thì chắc chắn việc đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ tiến xa trước Việt Nam. Quốc gia nào đi sau trong việc kết nối quốc tế sẽ đánh mất đi nhiều lợi thế, vì vậy không có con đường nào khác để thoát ra khỏi đại dịch chính là tiêm vacine.
Nhìn rộng ra hơn thì trong Hè này, nhiều điểm đến tại châu Âu sẽ mở cửa đón khách quốc tế từ các nước ngoài EU khi họ đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19. Nếu đến từ quốc gia “an toàn” theo đánh giá của EU và hoàn thành hai mũi vaccine Covid-19 trước khi khởi hành ít nhất 14 ngày, du khách sẽ được miễn cách ly hoặc xét nghiệm khi tới châu Âu.
Theo baoquocte