Mô hình hòa nhập giáo dục của Sierra Leone đã thành công khi đưa trẻ em gái mang thai trở lại trường học, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực cho đất nước. Đây cũng là mục tiêu nhiều nước châu Phi hướng đến sự phục hồi giáo dục vào năm 2023.
Trở lại trường học khi mang thai
Những nữ sinh mang thai sẽ không trở lại trường học sau dịch Covid-19, đóng góp cho con số 130 triệu nữ sinh bỏ học trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, tại gần 1/3 các quốc gia châu Phi, các cô gái mang thai phải đối mặt với những rào cản pháp lý và chính sách để có thể tiếp tục đi học. Để thu nhỏ số lượng này, Sierra Leone đã hành động nhanh chóng và dứt khoát.
Mariamu không có ý định sinh con khi đang đi học. Em phát hiện mình có thai ở tuổi 16 trong thời gian Sierra Leone phong tỏa toàn quốc vào năm 2014 do đại dịch Ebola hoành hành. Bạn trai biến mất còn Mariamu chìm trong xấu hổ, tuyệt vọng. Nữ sinh quyết định bỏ học vì nghĩ rằng tương lai của bản thân đã kết thúc.
Khi Mariamu mang thai đến tháng thứ 8, nhân viên tại một trung tâm học tập cộng đồng đã tìm đến nhà và thuyết phục gia đình cho em trở lại trường học. Tuy nhiên, nơi này không phải ngôi trường cũ mà Mariamu từng gắn bó mà là mô hình giáo dục mới, dành riêng cho các bà mẹ tuổi teen. Trung tâm là một trong số hàng trăm cơ sở giáo dục được thành lập sau dịch Ebola trên khắp Sierra Leone, sở hữu đội ngũ giáo viên được đào tạo đặc biệt.
Phương pháp giảng dạy tại trường là giáo dục cấp tốc, đồng nghĩa, cô đọng chương trình phổ thông trong khung thời gian ngắn hơn thông thường. Từ đó, học sinh có thể theo kịp tiến độ học tập của bạn bè nhưng chỉ tập trung cho các nền tảng chính như đọc viết, tính toán, trí tuệ cảm xúc...
Theo học tại trung tâm khoảng gần một tháng, ngày nọ, khi Mariamu đang học, từng cơn co thắt ập đến. Nữ sinh nhanh chóng được giáo viên, điều phối viên sơ cứu và đưa đến trung tâm y tế hạ sinh đứa con đầu lòng.
Chỉ 2 tuần sau khi sinh, hai mẹ con Mariamu trở lại trung tâm học 3 ngày một tuần. Nữ sinh được sắp xếp chỗ cho con bú và có điều phối viên chăm sóc em bé trong khi mẹ học tập.
Trong 8 năm tiếp theo, Mariamu hoàn thành chương trình bổ túc, trở lại trường chính quy và tốt nghiệp phổ thông. Nữ sinh hiện là sinh viên năm 2 đại học. Trung tâm đã trao cơ hội để Mariamu tái hòa nhập về giáo dục.
Tại châu Phi, đại dịch Ebola, sau đó là Covid-19, đã cho thấy tác động nghiêm trọng của việc đóng cửa trường học, giãn cách xã hội đối với các cô gái vị thành niên.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra việc trường học đóng cửa năm 2020, 2021 đã gia tăng tình trạng bạo lực giới, mang thai ở tuổi vị thành niên, tảo hôn và lao động trẻ em. Đơn cử, nghiên cứu ở Tây Kenya cho thấy các cô gái tuổi teen có khả năng mang thai cao gấp đôi vào thời điểm này.
Nạn hiếp dâm tăng cùng với việc không được tiếp cận các biện pháp tránh thai đã khiến tỷ lệ mang thai tăng vọt trong đại dịch Ebola và Covid-19. Một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc cho thấy tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tại Sierra Leone tăng từ 30 lên 65% với 14.000 ca mang thai mới. Năm 2020, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) ước tính Covid-19 làm tăng thêm 23.000 ca mang thai ở tuổi vị thành niên tại nước này.
Mô hình hòa nhập giáo dục
|
Nữ sinh mang thai tại châu Phi được hỗ trợ trở lại trường học.
|
Ở Sierra Leone, thay đổi bắt đầu từ cấp cơ sở, trong cộng đồng, nơi những định kiến và chuẩn mực giới đã ăn sâu bám rễ và là rào cản đối với nữ sinh mang thai hoặc tiếp tục đi học.
Các trung tâm giáo dục không chính thức dành cho nữ sinh mang thai đã và đang kết nối chặt chẽ với những người có ảnh hưởng trong cộng đồng như lãnh đạo địa phương. Các điều phối viên tại trung tâm sẽ giải thích lý do tại sao những cô gái này nên tiếp tục học tập.
Sau khi lắng nghe về giá trị của việc giáo dục trẻ em gái và đóng góp của họ cho sự thịnh vượng của cộng đồng, các nhà lãnh đạo sẽ thuyết phục người dân, nhất là gia đình của các nữ sinh.
Cách tiếp cận này đã mang lại hiệu quả. Trong năm 2015, với sự hỗ trợ từ quốc tế, 14.500 nữ sinh mang thai và đang cho con bú tại Sierra Leone theo học tại các trung tâm cộng đồng, trong đó, 5.000 em đã tái hòa nhập vào hệ thống giáo dục chính quy năm 2016, 2017.
Mô hình trên tiếp tục được ứng dụng để giải quyết khủng hoảng trong giai đoạn dịch Covid-19. Với các lớp học phụ đạo riêng biệt tại hơn 300 trung tâm học tập cộng đồng, các nữ sinh được phân phát cặp sách, giày dép, sách vở, vật tư y tế. Đến nay, các trung tâm đã giúp 800 trẻ vị thành niên tái hoà nhập.
Tuy nhiên, TS Olive Musa, người đứng đầu chương trình tại Sierra Leone, cho biết khả năng tiếp cận trẻ em gái mang thai và cho con bú tại châu Phi hiện nay vẫn bị cản trở bởi nhiều hạn chế.
Việc hòa nhập giáo dục không chỉ dành cho nữ sinh mang thai và cho con bú mà còn cần sự thay đổi tư duy, định kiến của mọi người xung quanh, nhất là nam giới. Các khung pháp lý và chính sách hỗ trợ cũng rất quan trọng để đạt được sự thay đổi tích cực.
Đơn cử, năm 2020, Sierra đã bãi bỏ lệnh cấm các cô gái mang thai, bà mẹ tuổi vị thành niên đi học và tham gia các kỳ thi. Chính sách này nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cơ bản có chất lượng cho mọi người dân.
Ngoài ra, trường học đẩy mạnh dịch vụ y tế, chương trình bữa ăn học đường, giáo dục giới tính, chăm sóc trẻ em cũng như hỗ trợ tạo thu nhập cho nữ sinh trở lại lớp học sau khi sinh.
Sierra Leone đang cố gắng xây dựng một hệ thống giáo dục bình đẳng, phù hợp cho tất cả mọi người, trong đó, mô hình tiếp cận hòa nhập dành cho trẻ em gái mang thai bỏ học sẽ là bài học cho những quốc gia khác.
Đây không chỉ là mô hình giúp các nước phục hồi sau dịch Covid-19 mà còn xây dựng hệ thống giáo dục mạnh mẽ hơn cho thế kỷ 21, đón đầu xu hướng gia tăng dân số tại châu Phi trong thời gian tới.
Năm của sự “thay da đổi thịt”
|
Các bà mẹ tuổi teen vừa học vừa chăm con.
|
Năm 2023 được kỳ vọng là năm khởi nguồn cho sự “thay da đổi thịt” của hệ thống giáo dục châu Phi bởi lẽ, thế giới đã cán mốc 8 tỷ dân vào cuối năm 2022. Các quốc gia trong khu vực châu Phi cận Sahara dự kiến sẽ đóng góp hơn 50% mức tăng dân số được dự đoán đến năm 2050.
Đứng trước nguồn nhân lực dồi dào, các quốc gia cần gấp rút tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao góp phần vào tăng trưởng của lục địa và thế giới.
Trong đó, các quốc gia châu Phi sẽ có triển vọng kinh tế tươi sáng hơn khi khai thác tiềm năng của bộ phận dân số rộng lớn như trẻ em gái vị thành niên. Hơn nữa, đầu tư nguồn lực để đào tạo trẻ em gái không chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và năng lực trong công việc của phụ nữ.
Tương tự Sierra Leone, các quốc gia châu Phi đang triển khai nhiều luật, chính sách hỗ trợ trẻ em gái.
Đơn cử, tháng 3/2022, Chính phủ Guinea-Bissau đã công bố luật bảo vệ trẻ em, trong đó có các biện pháp bảo vệ quan trọng dành cho trẻ vị thành niên mang thai và bà mẹ tuổi teen tiếp cận giáo dục. Chính phủ cũng ban hành các hỗ trợ cần thiết dưới sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cho nhóm đối tượng này.
Gần đây, Cộng hòa Trung Phi đã hợp thức hóa các biện pháp hỗ trợ giáo dục. Theo Điều 72 của Bộ luật Bảo vệ Trẻ em, học sinh mang thai được đảm bảo cơ hội trở lại trường tiểu học hoặc trung học.
Ít nhất năm quốc gia châu Phi cận Sahara, bao gồm Mozambique, Zimbabwe, Sierra Leone, Uganda, Sao Tomé và Principe, đã bãi bỏ, ban hành luật hoặc chính sách cho phép học sinh mang thai và bà mẹ vị thành niên tiếp tục đến trường.
Hay chính sách “Hòa nhập triệt để” của Sierra Leone, ban hành vào tháng 3/2021, tái khẳng định quyền được giáo dục của các bà mẹ tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên mang thai.
Ngoài ra, nước này quy định rằng phụ nữ trẻ có thể tiếp tục đi học khi họ đang mang thai và trở lại khi họ sẵn sàng làm việc đó mà không phải tuân thủ các yêu cầu khó khăn, nghỉ thai sản bắt buộc hoặc đối mặt với các hạn chế khác.
Ngoài các chính sách, luật cụ thể, các quốc gia châu Phi cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ trẻ em gái trong giáo dục. Nhiều quốc gia xây dựng chương trình bữa ăn miễn phí tại trường, cung cấp cho trẻ em theo học tại các trường công lập một bữa ăn nóng sốt hàng ngày.
Chương trình không chỉ loại bỏ rào cản tài chính trong học tập mà còn giúp giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên.
Bước sang năm 2023, chính phủ các nước châu Phi, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ dự kiến giới thiệu các chương trình đào tạo nghề dựa trên kỹ năng dành cho trẻ em dưới 18 tuổi. Chương trình này lấy cảm hứng từ bối cảnh châu Phi sắp gia tăng dân số trong độ tuổi lao động.
Do đó, bên cạnh giáo dục, việc đào tạo kỹ năng nghề cho trẻ em gái tuổi đi học có thể giúp các em nâng cao kỹ năng làm việc độc lập ngoài trường học.
Các khóa đào tạo có thể tổ chức vào ngày nghỉ học, cuối tuần với đa dạng nội dung như làm đồ trang sức, đan lát, may quần áo, làm bánh hay thiết kế đồ họa... Điều này góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định và từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ trong thị trường việc làm và kinh tế - xã hội châu Phi.