Trẻ 13, 14 là lứa tuổi có những thay đổi về tâm sinh lý dẫn đến tính cách bất cần, dễ tổn thương nên cần sự quan tâm nhiều hơn của gia đình
Sự vô tâm của cha mẹ dễ đẩy con ra đườngGiám đốc một trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em tại TP.HCM cho biết: “Các trung tâm hỗ trợ xã hội, bảo trợ xã hội tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng nhiều đối tượng, trong đó có trẻ em là đối tượng xin ăn không nơi cư trú ổn định, hoặc trẻ em sinh sống nơi công cộng, không có cha mẹ… trên địa bàn TP. Trong số đó, có trường hợp các em ham chơi, bị ba mẹ la mắng thì giận dỗi rồi bỏ đi lang thang, như trường hợp của một em tại trung tâm hỗ trợ xã hội trong vụ cán bộ dâm ô vừa rồi. Thông thường khi công an phường, xã phát hiện trẻ em lang thang, sẽ xác minh các em có gia đình, cha mẹ, người thân hay không, rồi mới gửi thông tin lên Sở LĐ-TB-XH để quyết định đưa vào các trung tâm. Nhưng có những em vì giận cha mẹ nên nói là không có gia đình, dù công an hỏi thế nào cũng nói là không cha, không mẹ, nên thực tế dù có em nhà ở TP.HCM nhưng lại sống trong trung tâm hỗ trợ, bảo trợ xã hội”.
Theo vị giám đốc này, 13, 14 là lứa tuổi có những thay đổi về tâm sinh lý nên tính cách bất cần, không muốn nghe lời cha mẹ, ham chơi, dễ tổn thương. “Những trường hợp bỏ nhà đi đa số rơi vào hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn, cha mẹ ly hôn phải sống với mẹ kế, cha dượng, thiếu tình yêu thương, hoặc cha mẹ mải mê làm ăn không quan tâm tới con”, vị giám đốc này cho biết.
Chỉ cần cha mẹ vô tâm không thấu hiểu đặc điểm này của lứa tuổi, buông ra một lời xúc phạm, mắng mỏ hay đánh đập là khiến trẻ bị kích động, không kiềm chế được. Sự vô tình đó có thể sẽ thôi thúc trẻ bỏ đi để thoát khỏi vòng tay cha mẹ
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan
(Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích: “Tâm lý tuổi dậy thì thường rất dễ bị khủng hoảng. Các em lớn lên về sinh lý nhưng về mặt tâm lý xã hội thì vẫn còn non nớt, muốn thể hiện chính kiến, muốn khẳng định cái tôi. Chỉ cần cha mẹ vô tâm không thấu hiểu đặc điểm này của lứa tuổi, buông ra một lời xúc phạm, mắng mỏ hay đánh đập là khiến trẻ bị kích động, không kiềm chế được. Sự vô tình đó có thể sẽ thôi thúc trẻ bỏ đi để thoát khỏi vòng tay cha mẹ”.
Chỉ ra những nguy cơ ngoài xã hội, tiến sĩ Phan cho rằng nếu rời khỏi vòng tay cha mẹ, mái ấm gia đình ở tuổi này, trẻ rất dễ bị lạm dụng và lợi dụng, nam thì dễ bị sa ngã vào những tệ nạn như nghiện hút, trộm cắp... nữ thì dễ bị đưa vào những dịch vụ nhạy cảm, từ đó phát triển tâm sinh lý và nhận thức lệch lạc. Có trường hợp trẻ nghĩ quẩn tự hủy hoại bản thân, nặng hơn là tự tử.
Phải theo sát, chia sẻ và bao dung
Cô Trịnh Thị Hạnh, giáo viên môn sử Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú, TP.HCM, người suốt 13 năm qua theo sát nhiều học sinh ở lứa tuổi mới lớn có tâm lý bất ổn, cho biết: “Phần lớn các em đều có hoàn cảnh thương tâm. Có những em không cha mẹ, ở với bà ngoại đã già yếu. Có em sống với mẹ hoặc cha, nhưng không được quan tâm chăm sóc do phụ huynh mải đi làm. Ở lứa tuổi này các em cần có một gia đình, một tổ ấm thực sự mới có thể phát triển tốt. Thế nhưng, do thiếu tình thương, thiếu sự quan tâm nên nhiều em từng bị trường dân lập đuổi học do quậy phá…”.
Theo cô Hạnh, cha mẹ phải quan tâm, theo sát, lắng nghe thì mới giúp con vượt qua những khó khăn đặc trưng của lứa tuổi. “Không phải chỉ phụ huynh, mà ngay cả giáo viên cũng cần chia sẻ, lắng nghe các em, không nên có những lời nói hay hành động gây tổn thương. Dùng sự bao dung và tình yêu thương của một người thầy để giúp các em vui vẻ, suy nghĩ tích cực”, cô Hạnh cho biết.
Chị Nguyễn Thị Điệp (Q.Gò Vấp, TP.HCM) từng có con gái bỏ nhà đi năm lớp 9, kể lại: “Lúc đó phát hiện cháu yêu một cậu con trai bỏ học ở gần nhà, tôi quá giận dữ nên la mắng con thậm tệ, rồi trong lúc không kiềm chế được, tôi ném quần áo của con ra sân. Ngay tối đó, cháu đã bỏ nhà đi cùng cậu thanh niên kia. Tôi đi tìm khắp nơi thì thấy ở tiệm internet cách nhà 3 km, 2 đứa ăn, ngủ ngay tại đó. Tôi đau đớn nhận ra dường như mình sắp mất đi đứa con mà mình vẫn dành trọn tình yêu thương”.
Chị Điệp còn ân hận vì mình không thấu hiểu tâm lý của con gái khi bước vào tuổi mới lớn, bắt đầu có cảm xúc yêu đương với người khác giới. “Đúng ra tôi không nên ngăn cấm và giận dữ như thế. Lúc đó tôi nên nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm sự với con để giúp con hiểu ra cái gì đúng, cái gì sai… Nhưng đến nay mọi chuyện đã qua rồi. Cậu thanh niên đó bỏ rơi con gái tôi, tôi đã đón con trở về và mất một thời gian dài giúp con trở lại trạng thái bình thường”, chị Điệp chia sẻ.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Tú, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng nếu lớn lên trong một gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ không thống nhất việc dạy con, hay cãi vã, xảy ra bạo lực… thì trẻ càng dễ rơi vào khủng hoảng. “Ba mẹ cần coi con như bạn, trao đổi, đối thoại nhẹ nhàng, tuyệt đối không bạo hành tinh thần hay thể xác đối với con, để con cảm nhận được sự tin cậy, yêu thương và bao dung của người lớn. Có như vậy các con mới cảm thấy hạnh phúc. Khi một đứa trẻ hạnh phúc thì sẽ không có những suy nghĩ hay hành động bất cần, tiêu cực và chúng sẽ lớn lên một cách lành mạnh”, tiến sĩ Tú nói.
Theo Thanh Niên