Có lẽ ở thế hệ 8X - 9X chúng tôi, không ít người lớn lên cùng những hù dọa: “Không học thì đi bán vé số", “học dốt thì đi bán kem hoặc lượm ve chai, quét rác, bán báo, làm thợ hồ…".
Ngày nay, xã hội tiến bộ hơn, những câu dọa nạt ấy ít đi, nhưng không phải đã hết.
|
Không nên đốc thúc con học hành bằng cách coi thường nghề nghiệp lao động chân tay (ảnh minh họa) |
Hôm qua, khi phụ huynh trong lớp con gái tôi trao đổi trước thềm năm học mới, vài bà mẹ nói đã doạ cho con đi bán vé số, nhặt ve chai... nếu năm học tới không cố gắng học tập.
Tôi thấy những câu nói trên vừa không có tác dụng đốc thúc con học tốt, mà còn gây ra “khuyết tật" trong nhận thức của con trẻ.
Trên thực tế, có mấy ai vì không chịu học mà phải đi bán vé số? Càng trưởng thành, con cái càng cần nhận thức được rằng ngoài kia có rất người, nhiều hoàn cảnh, nhiều ngành nghề đang cùng lao động để có thể nuôi sống bản thân và gia đình.
Có những người phù hợp với lao động chân tay, có người phù hợp với lao động trí óc, và cũng có những người vì hoàn cảnh mà không thể chọn công việc yêu thích. Sự phân công trong xã hội làm nên sự đa dạng, chuyên môn và tiện ích trong cuộc sống. Là cha làm mẹ, ai cũng muốn con học thành tài, làm công việc có thu nhập cao, có cuộc sống sung túc, có địa vị xã hội. Khuyến khích con học tập là cần thiết, nhưng không nên vì thế mà "dìm hàng" các ngành nghề lao động chân tay. Chúng ta cần giúp con cái nhìn nhận giá trị của cả việc học lẫn giá trị lao động và đánh giá con người đúng đắn.
Mấy hôm trước nhà tôi bị vỡ vài cục gạch nền, chồng tôi tự mua xi-măng và gạch về để tự lát lại nhưng do không có kinh nghiệm trộn xi-măng và cát, cũng như không quen tính toán độ dày và độ lún, nên những cục gạch mới lát nhô cao hơn nền nhà và có dấu hiệu cộm vì không ăn xi-măng.
Trong bữa cơm tối, chồng tôi nói với con gái: “Dù ba giỏi công việc của một kiểm toán viên, nhưng ba không thể làm tốt việc lát gạch của một người thợ hồ. Khi làm ba mới thấy công việc của họ rất khó, đòi hỏi sự khéo léo, tính toán giỏi và nhiều kinh nghiệm. Nên sau này, dù con làm bất cứ việc gì, cũng cần không ngừng cố gắng để trở thành người giỏi việc nhất có thể. Ai cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc, trách nhiệm của mình, cuộc sống sẽ tốt đẹp".
Vì vậy theo tôi, thay vì nói “không học mai mốt bán vé số, lượm ve chai…”, nên nói với con “hãy gắng học hành để sau này có thể sống thoải mái, có điều kiện thì giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, giúp người cần giúp". Câu nói này có tính động viên, khơi gợi mục tiêu, trách nhiệm, đồng thời nhân văn hơn rất nhiều.
Theo phụ nữ TPHCM