|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Dì Tám vừa mở tủ lạnh ra khoe mớ tép rong đã được cắt đầu bỏ đuôi gọn gàng, vừa hồ hởi khoe với tôi: “Cái này con gái mới mang qua cho dì đó, ngon lắm. Già rồi, có con nhờ con, có của nhờ của, là như vầy nè”.
Không như dì Tám, mẹ chị Hà, cái gì cũng “phủi”. Dù mấy anh em nhà chị Hà đều hiếu thuận, có lòng, hằng tháng biếu tiền cho mẹ chi tiêu, có món gì ngon thì mang sang, mẹ thích mua gì, đi chơi đâu cũng cố gắng đáp ứng. Thế nhưng, với người ngoài, mẹ chị Hà hay than, là nhìn con người ta mà ham, con mình phát rầu, chẳng ra sao.
Thậm chí bà nâng quan điểm lên kiểu “đang chán đời lắm, thực sự không muốn sống nữa” hoặc nói với con: “Tao chết mày cũng đừng qua đây nhé” mỗi khi có gì không vừa lòng. Chị Hà tự nhủ, thôi thì mẹ cũng chẳng biết còn được bao nhiêu thời gian, cái gì nhịn được, bỏ qua được, chiều mẹ được thì cứ cố gắng. Dù rất nhiều lần, anh em nhà chị phải nén tiếng thở dài, thậm chí là nước mắt tủi thân vì mẹ.
“Nó ở cùng mà chẳng thấy mở miệng nói chuyện, cứ như người lạ. Thà nó dọn đi cho xong”. Mẹ chị Mai kể về cô con gái út như thế. Chị Mai đang ở giai đoạn căng thẳng công việc, lại sợ những lời cay nghiệt mẹ hay phán xét. Cuối cùng thì chị trở thành “miếng mồi ngon” cho lối xóm dòm ngó, rằng con gái ở với mẹ mà… bất hiếu. May có người hiểu chuyện đã kéo chị Mai vào nhắc nhẹ nên chị mới biết chị… tệ trong mắt mẹ mình.
Anh Trần - bạn tôi - đã băn khoăn liệu khen con dễ hay khó, bởi không rõ nên khen con thế nào để tạo nên sức mạnh của sự khích lệ. Anh kể hồi bé anh từng có lần được lãnh phần thưởng là xấp vở cùng giấy khen vào cuối năm học, hí hửng về khoe với mẹ. Cứ ngỡ rằng mẹ sẽ vui lắm. Ai dè, người mẹ buông một câu: “Thật sao? Trường có trao nhầm cho con không đó”. Tất nhiên chỉ là nói đùa, vì kèm theo đấy là nét mặt hài lòng của mẹ, nhưng anh Trần vẫn đeo đẳng mãi trong lòng nỗi hụt hẫng. Giá như, mẹ dành cho anh chút âu yếm và lời khen “Con giỏi quá”, hẳn anh đã hạnh phúc xiết bao.
Chúng ta, những người trưởng thành, thử nhớ lại xem, lần cuối được cha mẹ khen ngợi, ghi nhận, cảm ơn là khi nào; có thường xuyên không hoặc có từng xảy ra chưa. Chẳng phải vì cha mẹ không thương chúng ta, mà thói quen của một bộ phận cha mẹ thời trước là hạn chế, tiết kiệm lời khen đến khó tin.
Dần dà thành ra suy nghĩ con cái đương nhiên phải thế này, con cái có bổn phận phải thế kia. Tâm lý “phụng dưỡng” hiển nhiên khiến không ít bậc làm cha mẹ dễ nảy sinh thái độ chê trách, so sánh, rồi buông nhiều lời đáng buồn.
Điều quan trọng nhất là bây giờ, chúng ta cũng đã hoặc sắp làm cha, làm mẹ của những đứa con. Chúng có thể nhỏ dại, nhiều lỗi lầm va vấp, nhưng cũng sẽ có lúc hân hoan vì đã thể hiện tốt hoặc có vài gặt hái be bé của mình. Và bạn, tôi nữa, mình có nhớ, đã thất vọng và buồn rầu ra sao, khi không được ghi nhận, khen ngợi hay không?
Theo phụ nữ TPHCM