Một lần về quê ở Đồng Nai, tôi dắt thằng cháu đích tôn của ba tôi vào rừng tập chụp ảnh. Thằng bé đã 12 tuổi nhưng tính thụ động, ít chịu quan sát, tìm hiểu. 

Trong khu rừng đặc dụng, tôi chỉ bảo cháu về các loài cây, về một số loài chim trong rừng, về kiến thức lịch sử… Bỗng cháu phát hiện một loài hoa dại ngũ sắc rực rỡ, hay còn gọi là trâm ổi. Cu cậu có vẻ rất thích và tỉ mẩn hái nhiều trái chín để về ươm trồng…

Mấy tháng sau, về quê, tôi hỏi về những cây trâm ổi, thằng nhỏ ngớ người ra rồi nói: “Con có gieo rồi bác Hai, nhưng nó lên được mấy cây, con mắc đi học quên tưới, nó chết hết rồi!”. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Thấy cháu trả lời tỉnh queo, tôi bật cười, nhưng phải rầy mấy câu: “Con trồng mà không chăm sóc thì cây nào sống được? Con đi học có một buổi mà không tưới cây được là làm biếng…”. Cậu nhỏ tỏ ý biết lỗi nên đứng gãi đầu một lúc rồi lẻn đi mất!

Chuyện của thằng cháu làm tôi nhớ đến chuyện của con gái tôi. Mấy năm trước, thấy bạn học piano, con gái tôi cũng muốn học. Tôi dắt con đến gặp cô giáo tư vấn; con bé có vẻ thích thú nên tôi cho học thử vài tháng. Sau đó cô giáo khen con bé ham học, có tiến bộ nhanh, nên tôi mua một chiếc đàn piano điện về để con tập. Rồi con gái nhỏ cũng muốn học. Ở các buổi biểu diễn của lớp nhân ngày lễ, tết, các con tôi đều được khen là học tốt, đàn có hồn…

Ở nhà, tối tối, nghe các con luyện đàn, từ trên lầu tiếng nhạc ngân xuống du dương, tôi rất vui. Lâu lâu, tôi “dàn cảnh” dùng điện thoại quay lại một đoạn clip chị em đang tập đàn. Khi đăng lên Facebook, nhiều người khen ngợi tay đàn mượt mà, tiếng đàn tình cảm; có người còn được truyền cảm hứng để đưa con đến học… 

Nhưng khi chuẩn bị thi lên cấp III, bận học, con gái lớn đâm lười. Có khi con mượn cớ bận nên xin vắng học đàn; có khi ở nhà lười tập bài mới, có khi không dự buổi biểu diễn của lớp… Thấy chị ngán, em cũng chán. Đến khi có dịch COVID-19 thì cả hai bẽn lẽn xin ba cho thôi học. Tôi có động viên nhưng chị em bảo: khi nào sắp xếp được thì học lại. Đến nay cô chị đã sắp vào đại học, cô em sắp vào lớp Chín và cây đàn piano bụi bám đầy.

Tôi cũng biết đam mê không phải thứ sẽ đi theo suốt cuộc đời ai đó. Có rất nhiều lý do để thay đổi: như nhu cầu mỗi lúc một khác, có sự “chen ngang” của điều gì đó, sự thay đổi môi trường/điều kiện sống… Nên tôi không buộc con phải giữ niềm đam mê lúc nhỏ, nhưng tôi động viên bằng những lời khuyên về ích lợi của học đàn, về sự khẳng định hay tỏa sáng khi được biểu diễn ở một dịp nào đó, về viễn cảnh tạo ra được hình ảnh đẹp khi có thể thể hiện được khả năng của mình, về niềm khao khát học đàn của bản thân mà không có điều kiện học, về các tấm gương ở đâu đó…

Sự động viên là để con suy nghĩ, chứ không bắt buộc.

Suy cho cùng, với một đam mê phù hợp, cha mẹ nên tìm cách giữ gìn cho con. Như với đứa cháu tôi, ba mẹ nên động viên, hướng dẫn cháu trồng được cây trâm ổi đến lúc ra hoa, gợi ý cho cháu quan sát sự lớn lên của nó, về lý do hoa có tên là ngũ sắc hoặc trâm ổi, về đặc điểm của hoa, trái, về giá trị y dược của nó… 

Một trẻ thích đọc truyện thiếu nhi thì có thể duy trì thói quen đọc các loại sách khác; một trẻ thích tìm hiểu tin học có thể phát triển viết các chương trình phần mềm, ứng dụng; một trẻ thích học võ có thể tiếp tục phát triển các kỹ năng rèn luyện thân thể, chuyên sâu vào một loại võ nào đó…

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Nếu cha mẹ không quan tâm, không có cách khích lệ, duy trì đam mê phù hợp của con thì có khi bỏ lỡ một thói quen tốt, năng khiếu, thậm chí là tài năng của con, đến khi muốn thực hiện thì có thể đã muộn! 

Theo phunuonline.vn