Theo chị Huỳnh Thị Thanh Nguyệt, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bình Định, đây là cơ hội cho thiếu nhi phát huy tốt quyền tham gia của mình vào các vấn đề của trẻ em. Qua đó, tạo nên sự bình đẳng và môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thiếu nhi đến Thường trực HĐND tỉnh Bình Định.
Chương trình cũng là cầu nối hiệu quả giúp các cấp lãnh đạo, nhiều cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ.
Trong năm 2023, Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định được tham gia nhiều chương tập huấn do Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Bình Định tổ chức, đặc biệt là các diễn đàn, những buổi tuyên truyền về vấn đề như: bạo lực học đường, trẻ em với vấn đề xâm hại, kỹ năng phòng tránh đuối nước, quyền tham gia của trẻ em...
Theo Trần Gia Bảo, Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định, trong năm 2023, qua các buổi tiếp xúc và lấy ý thiếu nhi, đơn vị này nhận được trên 859 ý kiến, kiến nghị, đề xuất. Đa phần các ý kiến liên quan đến những vấn đề về giáo dục, nhu cầu vui chơi giải trí, kỹ năng xã hội, quyền tham gia của trẻ em, bạo lực học đường...
|
|
Trần Gia Bảo, Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định, báo cáo hoạt động của hội trong năm 2023, |
Tại buổi gặp mặt, các thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định đặt ra nhiều vấn đề như: mỗi trường nên có một giáo viên chuyên biệt về tâm lý học đường; xây dựng thêm nhiều điểm vui chơi, giải trí lành mạnh cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa; tổ chức thêm những buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng vệ chính đáng cho trẻ em; cần kiểm soát các nội dung trên không gian mạng (Facebook, YouTube, TikTok…); ngăn chặn và chấm dứt tình trạng bạo lực học đường…
"Hiện nhiều học sinh sử dụng mạng xã hội. Vậy chúng cháu có chịu trách nhiệm trước pháp luật về những bình luận, chia sẻ trên không gian mạng không", Nguyễn Thị Thanh Thảo (lớp 9A1, Trường THCS Bồng Sơn, TX.Hoài Nhơn) nêu câu hỏi.
|
|
Em Nguyễn Thị Thanh Thảo phát biểu |
Hỗ trợ học sinh có nguy cơ bạo lực học đường
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, trong quá trình học tại trường, học sinh được nhiều người tư vấn tâm lý. Các thầy cô làm công tác chủ nhiệm là người gần gủi, thường xuyên chia sẻ, tư vấn cho các em. Khi học sinh tham gia các tổ chức Đội, Đoàn trong nhà trường thì đội ngũ cán bộ này sẽ hỗ trợ các em trong việc tư vấn tâm lý.
"Một số trường hợp có những khúc mắc không tâm sự được thì tôi nghĩ cần có một chuyên gia tư vấn tâm lý. Thường thì các trường sẽ cử ra một vài thầy cô có kinh nghiệm trực tiếp tư vấn cho các em. Vấn đề đầu tiên là các em phải dám nói ra với người tin cậy, có thể là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, các thầy cô làm công tác Đội, Đoàn…", ông Nguyễn Đình Hùng nói.
|
|
Ông Nguyễn Đình Hùng giải đáp các vấn đề được các em đặt ra tại buổi gặp mặt |
Ông Nguyễn Đình Hùng cho rằng ngăn ngừa bạo lực học đường là biện pháp xuyên suốt và lâu dài. Trong đó, học sinh cần được giáo dục các kỹ năng, biện pháp ứng phó với những câu nói xúc phạm, chỉ trích để bảo vệ tốt cho bản thân. Đồng thời, cần phải rèn luyện thói quen, tính cách tốt đẹp, tôn trọng nhân phẩm và thân thể của bản thân, bạn bè.
Các cơ sở giáo dục phân công rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực học đường. Từ đó, kịp thời nắm bắt, phát hiện các hành vi có nguy cơ bạo lực học đường. Sau đó, tích cực xây dựng biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ, tư vấn tâm lý giúp học sinh tháo gỡ được những áp lực, vướng mắc, khó khăn trong học tập, cuộc sống và loại bỏ hành vi bạo lực. Đồng thời, phối hợp với gia đình và xã hội, tăng cường vai trò của gia đình với ý nghĩa là rào cản của hiện tượng bạo lực trong học sinh.
Bị xử lý nếu vi phạm luật An ninh mạng
Bà Châu Thị Hương Lan, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, cho biết luật An ninh mạng có quy định về việc nghiêm cấm sử dụng không gian mạng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi vi phạm khi sử dụng mạng xã hội, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, độ tuổi… có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạm vi phạm hành chính, xử lý hình sự và có thể phải bồi thường thiệt hại.
Theo bà Lan, trẻ em phải hết sức cẩn thận khi bình luận, đưa những hình ảnh hoặc chia sẻ thông tin… trên mạng xã hội. Với lứa tuổi học sinh, nên chia sẻ những hình ảnh đẹp, hành vi tích cực trong gia đình, nhà trường và trong xã hội.
Ông Phạm Ngọc Thái, Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bình Định, cho biết thời gian qua, Bộ TT-TT và các bộ, ngành T.Ư rất tích cực ngăn chặn các tin xấu, độc hại trên không gian mạng. Sở TT-TT tỉnh Bình Định cũng đã phối hợp với các sở, ngành trên địa bàn tỉnh để triển khai các công tác quản lý trên mạng xã hội.
Ông Phạm Ngọc Thái cho rằng các trẻ em cũng nên biết chọn lựa các thông tin trên mạng xã hội để xem, chia sẻ. Khi lựa chọn hình ảnh, nội dung đăng tải trên mạng xã hội, các cháu nên tham khảo ý kiến phụ huynh, thầy cô… để nhận biết được mức độ ảnh hưởng tốt hay xấu của thông tin.
|
|
Ông Phạm Ngọc Thái giải đáp các vấn đề về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng |
Bà Huỳnh Thúy Vân, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, tiếp nhận các ý kiến, đề xuất của các cháu và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết nhanh nhất những vấn đề mà các cháu quan tâm.
Trong đó, bà Huỳnh Thúy Vân yêu cầu tổ chức Đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của thiếu nhi, cán bộ Đoàn, Hội, Đội về mô hình hội đồng trẻ em; tăng cường tổ chức các hoạt động tạo điều kiện cho thành viên hội đồng trẻ em tỉnh gặp gỡ, lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến của thiếu nhi…
|
|
Bà Huỳnh Thúy Vân tặng quà cho các thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định |
Bà Vân cũng kêu gọi các thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định tiếp tục mạnh dạn, chủ động đề xuất các hoạt động dành cho hội đồng trẻ em cấp tỉnh, tham gia tích cực các hoạt động gặp gỡ, nắm bắt nhu cầu của các bạn và có thông tin hai chiều trong việc tiếp nhận các kiến nghị để gửi đến các ngành. Đồng thời, làm tốt việc thông tin những kiến nghị của các bạn được lãnh đạo các ngành trả lời đến với trẻ em địa phương mình.
Theo Thanh niên