Minh họa: Văn Nguyễn

 Tôi vốn thích trồng cây nhưng thói quen ấy tạm gác lại mấy năm nay, phần vì bận rộn công việc, phần lo con mọn và cả vì tôi cho rằng số mình “sát cây”, trồng cây nào được một thời gian là chết cây ấy khiến tôi không đủ kiên nhẫn để tiếp tục.

Bọn trẻ nghỉ học dài ngày, không được đi chơi, xem phim hay nhà sách như mọi khi, tôi cũng muốn kiếm gì đó cho con trai có việc làm để cu cậu đỡ dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính bảng, ti vi.  

Tôi đọc được thông tin trên mạng của một chủ vườn nọ, họ thanh lý một số chậu hoa kiểng để chuyển sang kinh doanh thứ khác nên rao bán với giá khá rẻ. Hơn nữa, họ đồng ý chở đến tận nhà nên tôi không phải đến tận nơi mua. Mùa dịch cần hạn chế ra ngoài mà mua hàng từ xa thế này thì tiện quá còn gì. Tôi rủ cu con (11 tuổi) cùng xem ảnh trên mạng và chọn cây, tôi đề nghị con tự chọn loại cây bất kỳ theo ý mình và hai mẹ con sẽ thi nhau chăm sóc xem cây của ai tươi tốt hơn. Tôi bảo nếu con thắng sẽ được thưởng, cu cậu có vẻ háo hức trước trò chơi mới mẻ này khi tôi giữ bí mật về phần thưởng cho “người thắng cuộc”.

Theo hướng dẫn của tôi, hai mẹ con cùng chọn những loại cây ưa mát, trồng được trong nhà cho dễ chăm, lại mang ý nghĩa phong thủy tốt như vạn niên thanh, trầu bà, lưỡi cọp, cỏ lan chi, lô hội, lan ý. Lúc đầu cu cậu hơi ngần ngừ trước “trò chơi” chẳng hứa hẹn gì hứng thú so với mấy trò chơi online quen thuộc, nhưng sau ba tuần chăm sóc, tưới cây đều đặn, tỉa tót mấy lá vàng, lá hư, nhìn mấy chậu kiểng lá non lên xanh mơn mởn, con không giấu được sự vui thích.

Mỗi sáng, mở cửa phòng ngủ ra, nhìn đám cây xanh non trước ban công rập rờn trong gió, mấy giọt nước li ti còn đọng lại trên lá sau đợt tưới tối hôm trước khiến không gian mát rượi, cu cậu nói như reo bằng giọng cụ non: “Sảng khoái quá mẹ ơi!”. Tôi chỉ cho con những chồi non mới nhú, những cuống lá mới xanh nõn và giải thích, nhờ được tưới tắm đều đặn cây mới ra lá non nhanh vậy, cu cậu gật gù như ngộ ra điều gì đó.

Có hôm, tôi phát hiện cu cậu tưới cây khi tôi chưa kịp nhắc, hỏi thì con bẽn lẽn trả lời “để cây của con lớn nhanh hơn cây của mẹ”, tôi vừa buồn cười vừa thích thú, hóa ra việc tưới cây không chỉ là một hình thức để “thi đua” như hai mẹ con đã thỏa thuận lúc đầu mà còn hình thành nơi con một thói quen dễ thương, dù trước kia nhắc con phơi đồ, xếp đồ hay dọn dẹp thứ gì đó cũng phải nhắc nhở năm lần bảy lượt cu cậu mới chịu làm. Tôi biết có điều gì đó mới mẻ đang nảy sinh trong tâm thức của con mình.

Tôi không có nhiều kỹ năng trong việc trồng cây, cũng chẳng trồng trọt gì to tát nên chỉ có thể truyền cho con thứ tình yêu dành cho thiên nhiên mộc mạc, giản dị nhất. Chỉ cần khi con lớn lên, nhận thức được cỏ cây cũng như con người, được vun tưới chăm sóc thì sẽ tươi tốt, phổng phao; bằng ngược lại, cây sẽ úa tàn dần rồi chết đi. Chưa kể một cái cây đang phát triển còn cung cấp một lượng ô xy cho không khí, như lá phổi xanh nhỏ bé góp phần thanh lọc bầu khí quyển vốn ô nhiễm mà ta đang hít thở mỗi ngày.

Tình yêu cỏ cây nơi con trẻ rồi sẽ còn đổi thay theo năm tháng và cũng không chắc sẽ còn lại khi con lớn lên. Nhưng khi dạy con một điều bổ ích như thế, tôi tin rằng có một điều xấu xí nào đó sẽ bị đẩy lùi khỏi tâm trí con. Và như thế, tôi đã chẳng hoài phí thời gian và sự kiên nhẫn của mình cũng như việc tôi đang làm bây giờ chẳng hề vô ích. Ký ức của mẹ con chúng tôi sau này sẽ không chỉ là những dấu ấn buồn về một mùa dịch nguy hiểm mà còn là những trải nghiệm đáng nhớ khi mẹ lần đầu đưa con đến với niềm vui cùng hoa lá, cỏ cây.

Theo thanhnien