|
|
Người dân và du khách tham quan Vịnh Marina ở Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Giảng viên Khoa Triết học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) Jonathan Sim cho rằng phàn nàn là “con dao hai lưỡi” và bạn phải “sử dụng cẩn thận.”
Bàn về vấn đề này, bài viết của chuyên gia Jonathan Sim trên mục Commentary (Bình luận) của Channel News Asia có nội dung như sau:
“Bạn có thường xuyên nghe ai đó coi việc phàn nàn là ‘thú tiêu khiển quốc gia’ ở Singapore không? Tại sao chúng ta phàn nàn và chúng ta nhận được gì từ việc đó?
Trong khi Từ điển Oxford định nghĩa ‘phàn nàn’ là biểu hiện của sự không hài lòng hoặc khó chịu về điều gì đó, thì triết gia Julian Baggini lại định nghĩa thuật ngữ này trong cuốn sách ‘Complaint’ của mình là ‘sự từ chối hoặc không chấp nhận được rằng mọi thứ không như chúng cần phải xảy ra.’
Điều này cho thấy phàn nàn về bản chất không có hại, và tác động của nó phụ thuộc vào cách chúng ta ‘than phiền’ như thế nào.
Phàn nàn giúp chúng ta kết nối với người khác
Phàn nàn có thể là một hành động xã hội - một cách để mọi người chia sẻ và kết nối với người khác.
Ví dụ, máy điều hòa trong tàu điện ngầm có thể bị hỏng, khiến mọi người khó chịu trong thời tiết nóng ẩm. Tuy nhiên, một nhận xét nhẹ nhàng về việc người điều hành tàu cung cấp cho mọi người một buổi tắm hơi miễn phí trên đường về nhà có thể làm dịu đi tâm trạng của hành khách, mang đến cảm giác chia sẻ trải nghiệm giữa những người xa lạ - rằng chúng ta cùng nhau trải qua điều này, đoàn kết giữa những người vừa cùng trải qua điều không thoải mái.
Các ‘nhóm khiếu nại’ ngày càng phổ biến trên mạng xã hội ở Singapore không chỉ là một hiện tượng kỹ thuật số - nó là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết xã hội của việc phàn nàn.
Trong khi một số người có thể coi những lời than phiền trực tuyến này là tầm thường và vô nghĩa thì người dùng những ‘diễn đàn’ như vậy nhận thấy sự kết nối và xác thực cảm xúc, trải nghiệm của họ - rằng họ không đơn độc hoặc thậm chí điên rồ khi nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với những gì họ đã trải qua.
Tuy nhiên, xu hướng này đặt ra câu hỏi về động lực xã hội của chúng ta: Điều gì đang thúc đẩy nhiều cá nhân đưa ra lời than phiền trên mạng hơn ?
Có phải không gian mạng đang trở thành nơi thay thế cho những kết nối hữu hình của con người? Có phải chúng ta đang chứng kiến sự cô lập xã hội ngầm, hay chỉ đơn giản là dễ dàng gắn kết hơn với những nỗi thất vọng được chia sẻ online?
Và hấp dẫn hơn: Liệu sự thoải mái của cộng đồng trong việc chúng ta bày tỏ những lời than phiền có khiến chúng ta khao khát được phàn nàn nhiều hơn không?
Cẩn thận với ‘thú tiêu khiển quốc gia’
Bất kể động cơ phàn nàn của chúng ta là gì, chúng ta phải cẩn thận để ‘thú tiêu khiển quốc gia’ này không trở thành chất độc hay cơn nghiện.
Ví dụ: Ứng dụng OneService của thành phố nhận được 1,7 triệu khiếu nại từ người dân Singapore mỗi năm - tương đương với hơn 4.600 trường hợp mỗi ngày. Các khiếu nại bao gồm các vấn đề từ thùng rác bị tràn và đỗ xe trái phép cho đến những người hàng xóm ồn ào.
Trong đại dịch COVID-19, OneService nổi tiếng khi người dân sử dụng ứng dụng này để báo cáo những người vi phạm các quy tắc giữ khoảng cách an toàn.
|
|
Thói quen phàn nàn có thể mang đến "cảm giác say sưa quyền lực." (Nguồn: Channel News Asia) |
Trong ‘Twilight Of The Idols,’ triết gia Friedrich Nietzsche cảnh báo rằng việc phàn nàn có thể mang lại cảm giác hài lòng giả tạo, thậm chí có thể là ‘cảm giác say sưa quyền lực.’
Những vấn đề khiến chúng ta phàn nàn cũng có thể trở thành nguồn vui. Chúng ta có thể trở nên nghiện nó - và trớ trêu thay, điều đó có thể ngăn cản chúng ta thực hiện bất kỳ thay đổi thực sự nào.
Nếu không cẩn thận, sự thỏa mãn gây nghiện có thể khiến chúng ta có thói quen phàn nàn.
Càng phàn nàn, chúng ta càng từ chối chấp nhận những thứ không hoàn hảo. Điều này có thể bóp méo nhận thức của chúng ta, khiến chúng ta càng ít chấp nhận những điểm không hoàn hảo của con người và hoàn cảnh, bất kể chúng có xuất sắc hay tuyệt vời đến đâu.
Vào tháng 10/2023, một phụ nữ đã bị bỏ tù và bị phạt vì nhiều tội danh khác nhau sau khi gây náo loạn tại Khoa Tai nạn và Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Singapore, lăng mạ một y tá và thậm chí tranh cãi với cảnh sát.
Cô đã quá mải mê với những lời phàn nàn của mình đến nỗi nó khiến cô nổi cơn cơn thịnh nộ, giảm khả năng đánh giá tình hình một cách khách quan. Mọi chuyện có thể đã khác nếu cô ấy hiểu và chấp nhận hoàn cảnh mình hơn một chút.
Cách đây không lâu, tôi đã đưa ra một thử thách với bạn bè: Chúng ta không được phàn nàn trong các cuộc trò chuyện. Thay vào đó, chúng tôi nói về những điều tốt đẹp trong cuộc sống của mình.
Đây hóa ra lại là một bài tập khá khó khăn đối với những người có thói quen phàn nàn như chúng ta. Lần đầu tiên chúng tôi thử nó, chúng tôi đã bỏ cuộc sau một thời gian dài im lặng. Chúng tôi không thể nghĩ ra điều gì hay ho để nói mặc dù chúng tôi đã có một số điều tích cực đang diễn ra trong cuộc sống.
Tôi rất bối rối trước thí nghiệm này - nó khiến tôi nhận ra rằng việc than phiền có thể có tác động lớn đến thế nào đối với nhận thức, thái độ và cách nhìn nói chung của chúng ta về cuộc sống.
Điều may mắn là chúng ta có thể chống lại những tác động tiêu cực của thói quen phàn nàn. Tôi ý thức hơn về lời nói của mình, giảm bớt nhu cầu phàn nàn và thay vào đó cố gắng bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng hơn đối với những niềm vui và ‘chiến tích’ nho nhỏ đến với mình.
Lúc đầu thật khó khăn, nhưng nhiều tháng trôi qua, tôi thấy mình có thể có được cách đánh giá mọi thứ khách quan hơn - tôi có thể đánh giá cao những điều tốt đẹp mà mọi người đang làm, và mặc dù tôi vẫn nhận thấy những điểm không hoàn hảo và sai sót, tôi đã không còn cảm thấy khó chịu nữa.
Điều thú vị là tôi thấy mình bớt cáu kỉnh hơn và nhìn chung hạnh phúc hơn khi nhiều tuần trôi qua.
Phàn nàn có thể là một sức mạnh để thay đổi tích cực
Để rõ ràng, tôi không ủng hộ việc chúng ta từ bỏ hoàn toàn việc phàn nàn và chấp nhận một cách mù quáng mọi thứ xảy đến với mình. Than phiền là động lực mạnh mẽ tạo nên sự thay đổi trên thế giới. Nhiều tiện ích hiện đại mà chúng ta tận hưởng được sinh ra nhờ những lời phàn nàn thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ.
Chìa khóa để giải phóng sức mạnh của những lời phàn nàn của chúng ta nằm ở cơ cấu. Đổ lỗi cho những yếu tố không thể kiểm soát được có thể khiến chúng ta cảm thấy bất lực trong hành động.
|
|
Khách du lịch tham quan Singapore. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Tôi có thể đổ lỗi cho xã hội vì đã khiến cuộc sống của tôi trở nên khó khăn. Nhưng lời phàn nàn này không mở ra những con đường hành động cụ thể: Làm thế nào để tôi bắt đầu thay đổi xã hội?
Thay vào đó, tôi có thể điều chỉnh lại lời phàn nàn của mình để xác định chính xác những gì cần phải làm để cải thiện tình hình. Bằng cách này, những lời phàn nàn của chúng ta có thể trao quyền cho chính chúng ta hoặc những người liên quan để thực hiện hành động và tạo ra thay đổi thực sự.
Một ví dụ điển hình về điều này là các chủ nhà ở thị trấn nhà ở mới Tengah. Họ phàn nàn về vô số vấn đề, xác định rõ ràng các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như khó khăn về giao thông, thiếu tiện nghi và lựa chọn thực phẩm trong khu vực, mạng di động kém và tình trạng bụi và muỗi phổ biến trong khu vực này.
Vì những lời than phiền này xác định rõ ràng các lĩnh vực cụ thể cần cải thiện nên chính quyền đã đưa ra những giải pháp tạm thời như xe tải tạp hóa di động, máy bán hàng tự động và dịch vụ đưa đón bằng xe buýt miễn phí phục vụ người dân - trong lúc và cơ sở hạ tầng và tiện ích lâu dài đang được xây dựng.
Những lời phàn nàn của họ đã trở thành động lực tốt mang lại những thay đổi tích cực cho mọi người ở Tengah.
Than phiền là ‘con dao hai lưỡi’ cần được sử dụng cẩn thận.
Được dùng mang tính xây dựng, nó có thể thúc đẩy các kết nối và tạo ra sự thay đổi tích cực trên thế giới. Nếu sử dụng sai cách, nó có trở thành một thói quen gây nghiện làm méo mó nhận thức của chúng ta, nuôi dưỡng trong chúng ta sự bất mãn lớn hơn.
Vào những lúc chúng ta cảm thấy muốn phàn nàn, điều đáng tự hỏi là: Mục đích của lời phàn nàn này là gì? Sự xem xét nội tâm này có thể hướng dẫn chúng ta đưa ra lời phàn nàn của mình một cách hiệu quả như một động lực tốt./.
Theo vietnamplus