leftcenterrightdel
 Học sinh trường trung học Shinil (Hàn Quốc) chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học đầy thử thách

Trong nhiều năm, giáo dục phổ thông ở Hàn Quốc được biết đến với những thách thức đối với học sinh khi phải trải qua những kỳ thi căng thẳng. Dựa trên các số liệu thống kê, Hàn Quốc xếp cuối các quốc gia tiên tiến về mức độ hạnh phúc của trẻ em do môi trường giáo dục cạnh tranh, thiếu thời gian và nguồn lực cho các hoạt động giải trí và ngoại khóa. Một nghiên cứu năm 2019 của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Đại học Quốc gia Seoul về sức khỏe của trẻ em 10 tuổi đã xếp Hàn Quốc đứng thứ 31 trong số 35 quốc gia được khảo sát. Nghiên cứu cho thấy trẻ em Hàn Quốc đặc biệt không hài lòng về thời gian chúng có.

Môi trường giáo dục cạnh tranh nhưng an toàn

Văn hóa ôn thi áp lực và môi trường giáo dục siêu cạnh tranh của Hàn Quốc thúc đẩy một số phụ huynh tìm đến những cơ hội mới cho con cái. Kim, một bà mẹ 35 tuổi, người dự định cho con trai 5 tuổi đến trường quốc tế hoặc ra nước ngoài học, nói: "Tôi nghĩ rằng hệ thống giáo dục của Hàn Quốc quá khắt khe và không giúp trẻ được tự do tư duy".

Kim đã có thời gian học ở nước ngoài, cô cũng lưu ý rằng không chắc liệu mình có trở thành kiểu mẫu của một "bà mẹ Hàn Quốc" hay không. Ở xứ sở kim chi, do tính chất cạnh tranh cao của hệ thống giáo dục, các bà mẹ thường bắt đầu vạch ra kế hoạch học tập của trẻ rất sớm, từ việc học trường nào và học thêm ở đâu đến các hoạt động đặc biệt khác.

Một người mẹ giấu tên nói rằng hệ thống giáo dục cô từng theo học khiến cô tạo áp lực cho con cái: "Tôi lớn lên cùng với điểm số, bố mẹ dành rất ít thời gian cho tôi vì họ làm việc suốt và họ nói rằng đang làm tất cả những điều đó cho tôi". Người mẹ này cho rằng trải nghiệm tuổi thơ đó đã khiến cô không được trang bị tốt để nắm bắt nhu cầu tình cảm và đi theo tốc độ phát triển của các con. Cô luôn thúc giục con đạt được các thành tích theo tốc độ cô muốn và những gì xã hội cho rằng con trẻ nên đạt được.

Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng môi trường cạnh tranh ở Hàn Quốc vẫn là một nơi tốt để trẻ em phát triển. Meredith Khanloo, một giáo viên tiếng Anh 30 tuổi đến từ Mỹ, hiện sống ở Daegu, Hàn Quốc, cho biết: Các con của cô rất thích lớn lên ở Hàn Quốc vì sự an toàn và an ninh công cộng. Kể từ khi định cư ở Hàn Quốc 16 năm trước, nữ giáo viên này chưa bao giờ nghi ngờ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục Hàn Quốc. Khanloo chia sẻ rằng ở Hàn Quốc trẻ có thể tham gia các hoạt động ngoài giờ mà không cần đi cùng người giám hộ. Cô cũng cảm thấy yên tâm khi để các con đi một mình vì Hàn Quốc liên tục được xếp hạng là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới. "Tôi không lo lắng về việc các con sử dụng ma túy hoặc gặp phải các vụ xả súng. Đây không phải là nỗi sợ hãi thường nhật như với phụ huynh Mỹ".

Ngoài ra, trẻ em ở Hàn Quốc cũng được cung cấp nhiều nguồn lực cho việc vui chơi trong và ngoài trường học.

Cung cấp các cơ hội giáo dục đa dạng

Theo sáng kiến của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, nước này đã tăng cường đầu tư vào việc cung cấp các cơ hội giáo dục đa dạng cho học sinh, đổi mới trường học, cung cấp máy tính xách tay và các thiết bị thông minh khác. Tùy thuộc vào khả năng kinh tế xã hội của mình, học sinh có thể nhận được các chương trình chăm sóc miễn phí sau giờ học, các bữa ăn trợ cấp, sách giáo khoa, khóa học ngoại ngữ hoặc định hướng nghề nghiệp. "Thật ngạc nhiên khi tôi và con trai có thể tận dụng nhiều khoản trợ cấp này. Nếu không có chúng, tôi cũng không biết xoay xở thế nào", Cho Ok-hyun, một người mẹ ngoài 40 tuổi ở Cheonan, tỉnh Chungcheong Nam, cho biết.

Theo các nhà giáo dục, trẻ em Hàn Quốc ngày nay được cung cấp đủ nguồn lực hơn so với trước đây. Sẽ là một sai lầm nếu cho rằng Hàn Quốc là quốc gia không quá thân thiện với trẻ em và học sinh. "So với khi tôi còn là học sinh, môi trường giáo dục của Hàn Quốc đã tốt hơn rất nhiều. Ngân sách dồi dào giúp trẻ em có cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực của giáo dục trong khi môi trường thể chất ở trường học cũng phát triển đáng kể thông qua các sáng kiến như trường học xanh thông minh", Im Gyeong-ri, một giáo viên tiểu học 31 tuổi ở Incheon, cho biết.

Học sinh, nhà trường và phụ huynh cũng được cung cấp đủ nguồn lực để hạn chế khoảng cách thành tích. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã góp phần nới rộng nó nhưng sự tận tâm với nền giáo dục của đất nước đã mang đến cho học sinh một môi trường tốt để phát triển. Tuy nhiên Im Gyeong-ri cho biết, vấn đề cạnh tranh khốc liệt để vào đại học và việc học thêm vẫn đang đè nặng lên vai trẻ em, tước đi thời gian quý báu và cơ hội tìm kiếm hạnh phúc của cuộc đời trẻ.

Kim Ngọc (Nguồn: Korea Herald)