Ông John Laxon (giám đốc khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông,
Tổ chức Giáo dục New Zealand - ENZ) đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ một số thông tin về giáo dục New Zealand.


Trong bảng xếp hạng "Chỉ số chuẩn bị cho tương lai" được công bố trên trang web uy tín về xếp loại chất lượng giáo dục Times Higher Education (tháng 9-2017), hệ thống giáo dục New Zealand chiếm vị trí số 1.

New Zealand đã đạt được điều đó như thế nào? Họ chuẩn bị những kỹ năng gì cho người trẻ trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

"Quốc gia của những bộ óc tò mò"

Chính sách giáo dục là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công trên. Theo đó, giáo dục ở "xứ sở kiwi" tập trung trang bị cho học viên thái độ và năng lực học tập suốt đời. New Zealand chú trọng phát triển tư duy phản biện, suy nghĩ độc lập và sáng tạo ở người học từ rất sớm, theo hướng "đi tắt đón đầu".

Đơn cử như năm 2014, Chính phủ New Zealand đặt ra chiến lược giáo dục mang tên "Quốc gia của những bộ óc tò mò" (Nation of curious minds), với mục tiêu trong 10 năm kế tiếp sẽ đưa New Zealand trở thành một cường quốc về công nghệ. 

Cụ thể hơn, ngay từ năm 2018, bộ môn công nghệ thông tin sẽ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường ngay từ lớp 1, nhằm đảm bảo các thế hệ tiếp theo của New Zealand sẽ thông thạo công nghệ, chứ không dừng lại ở mức hiểu biết tương đối.

New Zealand cũng đã đầu tư vào việc quốc tế hóa hệ thống giáo dục. Hiện nay, mỗi năm New Zealand chào đón hơn 130.000 sinh viên đến từ hơn 180 quốc gia trên thế giới. 

New Zealand là quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi xướng và luật hóa Bộ quy chế bảo vệ và chăm sóc sinh viên quốc tế, nhằm đảm bảo đối tượng này có được trải nghiệm học tập tốt nhất.

Những yếu tố trên đã giúp các trường đại học của New Zealand được xếp hạng trong tốp 3% các trường đại học tốt nhất thế giới (bảng xếp hạng thường niên QS Ranking 2017), và giáo viên của New Zealand được xếp hạng thứ 4 toàn thế giới về sự chuyên nghiệp (đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2016).

Khuyến khích học tập suốt đời

Ở New Zealand, người học nghề hay theo con đường nghiên cứu học thuật đều được coi trọng như nhau. Chứng chỉ giáo dục quốc gia của New Zealand (NCEA) được thiết kế với chương trình học tập theo dự án. 

Đây là sự kết hợp giữa những điểm mạnh của chương trình giảng dạy STEM (viết tắt của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - NV) với phương pháp giáo dục khai phóng, đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp có thể phát huy tối đa tiềm năng cá nhân và gặt hái thành công bền vững.

New Zealand quan niệm kỹ năng học tập suốt đời là vô cùng quan trọng. Vì vậy, điểm khác biệt của hệ thống giáo dục New Zealand so với nhiều quốc gia là tất cả chương trình đào tạo đều được công nhận trên một khung văn bằng quốc gia duy nhất, dù học viên học ở trường hay nơi làm việc, là sinh viên hay là người lớn tuổi muốn trang bị thêm kiến thức và kỹ năng. 

Phương thức này khuyến khích, hỗ trợ tinh thần học tập suốt đời ở học viên, cũng như dự đoán xu hướng học tập và đào tạo lại trong tương lai. Hầu hết các trường đại học New Zealand đều xây dựng trung tâm học tập suốt đời, hướng đến những người cao tuổi vẫn còn khát khao học tập.

Cũng cần nói thêm, New Zealand là quốc gia yên bình thứ hai trên thế giới, theo chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2017 (Global Peace Index 2017, khảo sát trên 163 quốc gia và vùng lãnh thổ). Xã hội New Zealand được cho là có tư duy cởi mở, dễ dàng cho việc thích nghi.



* Văn hóa đọc ở New Zealand như thế nào, thưa ông?

- Đọc sách luôn là một phần quan trọng trong chương trình giảng dạy ở New Zealand. Theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế 2016 của OECD, học sinh trung học New Zealand nằm trong top 10 thế giới về năng lực đọc.

Chương trình giáo dục trung học của New Zealand lồng ghép kỹ năng đọc viết và tính toán trong tất cả các môn học, do đó kỹ năng đọc của học sinh luôn được trau dồi liên tục.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục New Zealand còn thiết kế các trang web dành cho phụ huynh để giúp con em mình học đọc, viết và làm toán. Hệ thống giáo dục New Zealand đề cao vai trò của phụ huynh trong quá trình học tập của con em.

* Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của phụ huynh ở New Zealand?

- Xã hội New Zealand luôn khuyến khích phát triển quan điểm cá nhân ở mọi người. Do đó thế hệ trẻ - con cái và người lớn tuổi - cha mẹ luôn cởi mở, tự do bộc lộ ý kiến cá nhân với sự tôn trọng lẫn nhau.

Ở New Zealand, các cuộc thảo luận giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên thường diễn ra một cách bình đẳng và đa chiều. Điều này có nghĩa là phụ huynh được tham gia vào quá trình học tập và định hướng nghề nghiệp cho trẻ.

Một ví dụ cụ thể là phụ huynh ở New Zealand có thể dùng ứng dụng Outlook Occupation với chức năng cung cấp thông tin toàn diện về triển vọng ngành nghề, trong hầu hết các lĩnh vực nghề nghiệp (bao gồm thu nhập, tỉ lệ việc làm, các gợi ý học tập...) để giúp con định hướng nghề trong tương lai.

Theo Tuổi trẻ.vn