Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Ngày 25/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan đã tổ chức Hội thảo về kinh nghiệm và việc áp dụng mô hình giáo dục Phần Lan tại Việt Nam. Đến dự Hội thảo có hiệu trưởng, giáo viên của nhiều trường phổ thông tại Helsinki, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục, Cơ quan hợp tác giáo dục Phần Lan và một số hiệu trưởng, giáo viên của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Phạm Thị Ngọc Bích nhấn mạnh, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ giữa Việt Nam và Phần Lan luôn phát triển trên tinh thần hữu nghị và hợp tác nhiều mặt; nhân dân Việt Nam luôn biết ơn và ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả của nhân dân Phần Lan trong những năm gian khó chiến đấu giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước.
Năm 2018, hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng là thời điểm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Phần Lan chuyển sang một giai đoạn mới, hợp tác và đối tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó đổi mới sáng tạo và giáo dục là 2 lĩnh vực quan trọng, là thế mạnh của Phần Lan, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các thầy cô giáo Phần Lan đã chia sẻ nhiều thông tin quý báu về ưu điểm của nền giáo dục Phần Lan có thể áp dụng tại Việt Nam. Tất cả các đại biểu đều nhất trí đánh giá, giáo dục Phần Lan vận hành theo một triết lý độc đáo, thể hiện ở quan điểm cần quan tâm và tôn trọng hết mức đối với học sinh và giáo viên.
Đối với học sinh, đó là việc phải làm cho nhà trường trở thành thiên đường của trẻ em, hạn chế tối đa các kỳ thi sát hạch thi cử, nhất là đối với bậc tiểu học để các em không phải chịu sức ép tâm lý trong học tập, làm sao cho học sinh hào hứng học tập, say mê hiểu biết, quan tâm đến tập thể và xã hội.
Luật pháp Phần Lan quy định không được dùng cách xếp hạng hoặc cho điểm để đánh giá học sinh trước lớp 6. Khi các thầy cô muốn bình xét năng lực và biểu hiện của học sinh nào đó thì họ phải dùng văn bản ghi lại sự đánh giá, có thuyết minh cặn kẽ, chứ không được dùng điểm số hoặc thứ bậc xếp hạng để bình xét. Giáo viên không dạy quá nhiều kiến thức mà chú trọng tính độc lập, phương pháp ghi nhớ, dạy học sinh cách tự mình suy nghĩ, phân tích, tìm kiếm thông tin từ những nguồn bên ngoài lớp học.
Người Phần Lan cho rằng, cần trau dồi cho học sinh tinh thần hợp tác, không có cạnh tranh, để học sinh biết cách học hỏi lẫn nhau, chia sẻ với nhau, qua đó nâng cao năng lực, bao gồm cả năng lực cạnh tranh. Có ý kiến cho rằng, trong môi trường không có so sánh, không có cạnh tranh, không có sát hạch thi cử thì học sinh sẽ không có động lực để học tập. Trên thực tế, học sinh Phần Lan vẫn có thi đại học, kỳ thi duy nhất sau 12 năm học, cạnh tranh cũng rất quyết liệt, nhưng khi ấy các em đã trưởng thành.
Chủ thể quan trọng thứ hai của giáo dục là giáo viên cũng phải được xã hội tôn trọng hết mức. Nhà trường áp dụng nguyên tắc không so sánh, không xếp thứ hạng hoặc cho điểm các giáo viên, không tổ chức thi tay nghề giảng dạy, cũng không làm bản nhận xét đánh giá giáo viên; ngành giáo dục không đánh giá, xếp hạng chất lượng các trường. Nhờ thế tất cả giáo viên đều rất tự tin, tự hào về trường mình, bởi “nếu thầy cô còn coi thường trường mình thì học sinh và gia đình sao có thể tin vào nhà trường?”.
Bộ Giáo dục Phần Lan nêu yêu cầu rất cao đối với chất lượng giáo viên, chỉ tuyển những người có tinh thần hết lòng phụng sự nhân dân và đạo đức nghề nghiệp cao thượng, và luôn tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên có thể nâng cao trình độ trong suốt quá trình công tác. Thầy cô giáo phải có bằng thạc sĩ trở lên, và phải có chứng chỉ đạt yêu cầu sát hạch tư cách giáo viên. Các trường sư phạm tuyển sinh rất khắt khe.
Ở phần hai của Hội thảo, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến cho dự án Trường phổ thông Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), hiện đang được triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh. Trường VFIS được thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11/2016, chính thức khởi công từ tháng 11/2017 do độ ngũ kiến trúc sư Phần Lan trực tiếp thiết kế, giám sát xây dựng. Dự kiến tổng vốn đầu tư của trường khoảng 25 triệu USD. Khóa tuyển sinh đầu tiên vào tháng 6/2019 sẽ tuyển học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Trường sẽ tổ chức giảng dạy đồng thời chương trình giáo dục Phần Lan và chương trình giáo dục Việt Nam. Chương trình giáo dục Phần Lan được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do giáo viên Phần Lan phụ trách, học sinh tốt nghiệp sẽ có Bằng Tú tài quốc tế. Chương trình giáo dục Việt Nam do giáo viên Việt Nam và Phần Lan phụ trách, giảng dạy bằng tiếng Việt theo phương pháp của Phần Lan kết hợp tăng cường khả năng tiếng Anh. Cả 2 chương trình đều hướng đến việc phát triển tốt nhất tiềm năng của từng cá nhân học sinh, dựa trên sự tối ưu hóa nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, điều kiện học tập,... và quan trọng nhất là có đội ngũ giáo viên Phần Lan, Việt Nam nhiều kinh nghiệm, đầy nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục.
Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền, Trưởng Ban quản lý Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan cho biết, việc Ban Lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng quyết định xây dựng trường quốc tế theo mô hình giáo dục Phần Lan bởi đây là đất nước có nền giáo dục phổ thông tiên tiến bậc nhất thế giới. Ban quản lý dự án quan tâm chăm chút từ thiết kế tổng thể đến từng chi tiết trong lớp học, hợp tác với các chuyên gia giáo dục Phần Lan để nghiên cứu và thiết kế chương trình cho phù hợp với văn hoá và điều kiện VN.
Vậy là sắp tới đây, cùng với “nước Phần Lan”, “giáo dục Phần Lan”, “trường học Phần Lan” sẽ là những lĩnh vực hợp tác mới, là biểu tượng cụ thể minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt rất hiệu quả và thiết thực giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan.
Theo Thế giới và Việt Nam