Trong phần trò chuyện với host Nguyễn Phi Vân đầu chương trình, ca sĩ, doanh nhân chia sẻ về hành trình theo đuổi nghệ thuật của mình. Năm 17 tuổi, Thanh Bùi là thí sinh cuộc thi Australian Idol. Lần đầu tiên đứng trên sân khấu như một nghệ sĩ độc lập, Thanh Bùi khi đó trẻ trung và nhiều khao khát, mong muốn thể hiện bản thân.
Đó cũng là thời điểm ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi được gặp gỡ các nghệ sĩ nổi tiếng, như Cyndi Lauper. "Cô nói với tôi cần tự tin vào chính mình, có kế hoạch và nắm bắt cơ hội. Đó cũng là cảm hứng cho công việc của Thanh hôm nay là tạo ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, nuôi dưỡng đam mê cho họ", anh bộc bạch.
Sau 5 năm chưa đi hát trở lại, Thanh Bùi chia sẻ về nỗi nhớ nghề và mong muốn sớm trở lại với âm nhạc. Nghệ sĩ cũng bộc bạch về quãng thời gian sáng tác nhạc cho BTS cách đây 6 năm. Đó là thời điểm anh cảm thấy mệt mỏi trong chuyện đi hát, viết nhạc, muốn tạm ngưng để lấy lại tinh thần.
Nhưng khi lắng nghe phần sản xuất, phối nhạc, hòa âm... của ca khúc, Thanh Bùi được truyền cảm hứng sáng tác, hoàn thiện bài hát chỉ sau 15 phút. Thời gian ngắn sau đó, bài hát tung ra thị trường. "Thanh không bao giờ nghĩ 6 năm sau, BTS sẽ là nhóm nhạc số 1 toàn cầu và đã lên được IPO với 4,1 tỷ USD", nhạc sĩ cho biết.
Câu chuyện thành công của boygroup xứ Hàn cũng là động lực cho ca sĩ, doanh nhân Thanh Bùi trong công việc hiện tại: tạo dựng hệ sinh thái nuôi dưỡng tài năng của Việt Nam ra thế giới.
Định nghĩa lại về sáng tạo
Theo Thanh Bùi, phải có giáo dục sáng tạo mới xây dựng được những tài năng lớn và "xuất khẩu" tài năng đó ra trường quốc tế. Nghệ sĩ định nghĩa lại khái niệm giáo dục sáng tạo, đó là quá trình giáo dục lấy sự sáng tạo làm trọng tâm.
"Không nhìn điều gì là đúng hay sai hay bỏ mình vào một cái khung để phải theo nó. Mình cần tưởng tượng những gì chưa ai tưởng tượng, hoặc mọi người đều sợ tưởng tượng và dùng khoa học để thực hiện mục tiêu đó", Thanh Bùi chia sẻ.
Vị này dẫn chứng sau Covid-19, tổ chức nào, công ty nào, tập đoàn nào sáng tạo sẽ phát triển. Đặc biệt ở thị trường thay đổi nhanh như Việt Nam, nếu theo lối mòn sẽ kìm hãm sự phát triển. "Thế hệ trẻ cần coi sự không an toàn là người bạn thân nhất", anh nói.
Ngoài ra, nam nghệ sĩ mở rộng khái niệm về sự sáng tạo. Đó không chỉ là sáng tác hay biểu diễn âm nhạc hay vẽ tranh, sáng tạo theo Thanh Bùi còn nằm ở mọi lĩnh vực, mọi khoảnh khắc trong cuộc sống đều có thể sáng tạo. "Sự sáng tạo còn là một thái độ, một suy nghĩ, một tư duy, một thẩm mỹ trong cách mình nhìn nhận một vấn đề", Thanh Bùi chia sẻ.
Theo quan điểm của anh, nghệ thuật và kinh doanh có nhiều điểm tương đồng. "Đam mê nghệ thuật đến mấy cũng cần đáp ứng bài toán con số và thị trường", Thanh Bùi chia sẻ.
"Lúc thích hợp nhất cho giáo dục sáng tạo"
Trước nhiều quan điểm cho rằng cái khó của thị trường giáo dục sáng tạo Việt Nam nằm ở tư duy cha mẹ, Thanh Bùi cho rằng là do các bậc phụ huỵnh chưa được tiếp cận với lĩnh vực này.
"Đây là thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu với giáo dục sáng tạo. Vì Việt Nam đủ mở, các bạn trẻ có truyền thông, công nghệ và nhiều thông tin hơn, đồng nghĩa với người trẻ có nhiều cơ hội hơn", Thanh nói.
Theo nghệ sĩ, sau Covid-19, nhiều bậc phụ huynh đã có thời gian thay đổi suy nghĩ hơn, mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống hơn. Nhiều người nhận thấy sự sáng tạo là không thể thiếu cho con cái của họ sau này.
Theo Thanh Bùi, có khoảng 14 ngành nghề sáng tạo như thiết kế, âm nhạc, nghệ thuật, nghệ thuật thị giác (visual art), marketing, biểu diễn nghệ thuật... "Ở Mỹ, 1 đồng đầu tư của họ trong ngành nghề sáng tạo sẽ đẻ ra 24 USD. Đó là điều Việt Nam chưa khai thác được", Thanh Bùi chia sẻ.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào ngành nghề sáng tạo, nhiều bộ phim, dịch vụ... tại nước ngoài đang tuyển dụng những nhân viên người Việt Nam. "Chúng ta cần xuất khẩu được tài năng một cách đúng đắn nhất", anh nói.
Nhìn về tương lai, Thanh Bùi cho rằng có hai điều cần lưu ý. Thứ nhất là sự sáng tạo để tạo ra những mô hình kinh doanh mới hướng tới phát triển một cách bền vững. Thứ hai là mọi người ai cũng có thể sống với đam mê riêng của mình. "Công nghệ, trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra thế giới đó", vị doanh nhân nhận định.
Thanh Bùi cũng đề cập tới khái niệm "love quotient" (trí tuệ yêu thương), coi đây là điều không thể thiếu với thế hệ tương lai. "Ngày xưa mình nói về IQ - chỉ số thông minh nhưng bây giờ Thanh nghĩ AI thông minh hơn mình rồi. Nhưng với love quotient, những người thành công trong tương lai sẽ hiểu cách sống, cách làm người như thế nào", Thanh Bùi nói.
Ngoài ra, vị doanh nhân cũng chia sẻ tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non. Một trong những phương pháp mà tổ chức giáo dục của doanh nghiệp "du nhập" về Việt Nam là Reggio Emilia Approach - phương pháp giáo dục lấy sự sáng tạo làm trọng tâm. Thanh Bùi cũng nhấn mạnh đến việc gìn giữ bản sắc dân tộc Việt đối với việc giáo dục thế hệ tiếp nối.
"Tôi đang trên con đường tạo ra những tài liệu đương đại hơn, kết nối hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn để các em có một khát khao để học về lịch sử Việt Nam", Thanh Bùi nói.
Theo vnexpress