leftcenterrightdel
 Giáo sư Lý Mai Cần.

Giáo dục gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của một đứa trẻ. Nó quyết định rất lớn việc trẻ lớn lên sẽ trở thành kiểu người như thế nào, có thành công trong cuộc sống hay không,... Các mối quan hệ xã hội, cách trẻ kết bạn, chọn lựa đối tượng kết hôn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ mối quan hệ với cha mẹ. 

Giáo sư Lý Mai Cần, chuyên gia trong lĩnh vực Tâm lý tội phạm và Nuôi dạy trẻ, hiện đang công tác tại Đại học Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc cho biết: Người bố đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục con cái. Một ông bố có 3 đặc điểm dưới đây được xem là ông bố "thất bại" và không tốt cho sự phát triển của trẻ.

- Bỏ mặc con, tay lúc nào cũng ôm khư khư điện thoại di động

Ở các gia đình châu Á, nam giới thường gánh vác trách nhiệm kiếm tiền và nuôi sống gia đình. Còn trách nhiệm chăm sóc và giáo dục con cái được giao cho người mẹ. Nhiều ông bố thường vin vào điều này và bỏ bê vai trò của mình trong hành trình trưởng thành của con. Họ không trực tiếp dạy dỗ, không để ý con học hành ra sao, đi học gặp phải những chuyện gì,... Điều này cũng phần nào khiến cho mối quan hệ bố con trở nên xa cách, lạnh nhạt hơn.

Khi được giao trông con, họ cũng không chủ động tương tác với con, mà chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại di động.

- Thích dạy con lý thuyết suông, không chú ý hành động thực tiễn

Hầu hết các ông bố đều cố gắng tạo dựng uy tín của mình trước mặt con cái, nhưng lại phớt lờ con và không thực sự làm gì trong việc giáo dục. Kiểu này gọi là chỉ nói lý thuyết suông. Chẳng hạn như nhiều khi bố quát con: Phải học hành chăm chỉ vào, không được chơi điện thoại di động, xem TV,... Nhưng chính bản thân bố lại "hồn nhiên" ngồi nghịch điện thoại trước mặt con và chẳng làm gì.

Kiểu bố như vậy làm sao có thể khiến con hình thành quan điểm sống đúng đắn? Bởi một mặt, bố tỏ ra giảng dạy con, một mặt khác lại tự đi phá chính nguyên tắc mà mình đề ra.

Chứng kiến hành động của bố, trẻ sẽ tự hỏi "Sao bố chơi điện thoại thì được mà lại cấm mình?". Trẻ sẽ không chỉ chất vấn mà còn bị hành động và lời nói bất nhất của bố làm ảnh hưởng.

- Bố cáu gắt, hay bạo lực với con

Một số ông bố thường cáu gắt và có tính thô lỗ, cục cằn với con. Họ có thể mắng mỏ, hoặc thậm chí đánh để răn đen con. Khi còn nhỏ, con có thể sợ hãi nhưng lớn dần thì nảy sinh tâm lý chống đối, trở nên nổi loạn.

Thực chất, những đứa trẻ lớn lên dưới sự bạo hành của cha thường cảm rất bất an. Các em luôn dè dặt, và không có tình cảm, thậm chí ghét bố của mình. Những tổn hại về mặt tâm lý sẽ ám ảnh, theo trẻ suốt cuộc đời và khó mà khắc phục được. 

Theo vietnamnet