|
|
Giáo viên biểu tình gần trụ sở Quốc hội Hàn Quốc ở Seoul vào ngày 16/9. Ảnh: AP |
Mục tiêu của phong trào biểu tình của các giáo viên là nhằm sửa đổi điều luật khiến họ dễ bị các bậc phụ huynh khởi kiện. Đạo luật phúc lợi trẻ em của Hàn Quốc có điều khoản cấm "lạm dụng tình cảm đối với trẻ em" có thể gây tổn hại đến "sức khỏe và sự phát triển tâm thần".
Các giáo viên cho rằng điều luật này được diễn đạt quá rộng và các biện pháp kỷ luật thông thường - chẳng hạn như đuổi một học sinh quậy phá ra khỏi lớp - có thể nằm trong phạm vi vi phạm có thể bị trừng phạt.
Im Seo-young, thành viên của phong trào biểu tình, cho biết luật pháp nghiêm cấm giáo viên làm bất cứ điều gì khiến tâm trạng học sinh khó chịu.
“Do đó, hầu hết giáo viên dành thời gian để quan tâm đến học sinh và phụ huynh thay vì tập trung vào việc hướng dẫn trẻ phát triển”, giáo viên Im nói.
Các giáo viên đã tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Tư tuần trước để lên tiếng ngay tại thời điểm các học sinh cấp ba bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học.
Phong trào biểu tình của giáo viên bắt đầu manh nha xuất hiện vào tháng 7, khi một giáo viên tiểu học 23 tuổi tự sát. Cô được cho là đã có mâu thuẫn với phụ huynh về cách quản lý học sinh trong lớp của mình.
Cái chết của nữ giáo viên này đã khiến các giáo viên khác bày tỏ sự đau buồn trước công chúng, họ chia sẻ về những áp lực trong việc phải cân bằng mối quan hệ với học sinh, phụ huynh và nhà trường trong khi duy trì kỷ luật trong lớp học.
Các nhóm giáo viên sau đó đã tổ chức biểu tình ở Seoul, thu hút đám đông lớn kêu gọi chính phủ tăng cường bảo vệ giáo viên trước những cáo buộc ngược đãi học sinh.
Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra và sau đó khẳng định rằng căng thẳng trong công việc là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nữ giáo viên tiểu học. Vài ngày sau khi thi thể của nữ giáo viên được tìm thấy, người đứng đầu ngành giáo dục thành phố Seoul Jo Hee-yeon thừa nhận đã xảy ra "sự xáo trộn nghiêm trọng trong lớp học và vi phạm các hoạt động giáo dục", đồng thời nói thêm rằng "những khiếu nại ác ý" đang cản trở khả năng quản lý sự cố bạo lực học đường của giáo viên.
Park Sang-soo, luật sư đại diện cho nguyên đơn trong các vụ bạo lực giữa học sinh, nói rằng những học sinh có hành vi hành hung hoặc các hành vi bạo lực khác đôi khi tố cáo giáo viên đã ngược đãi họ, nhằm gây áp lực nhằm khiến giáo viên rút đơn kiện chống lại họ.
Luật sư Park cho biết, ngay cả khi giáo viên được miễn tội, những lời buộc tội có thể làm hoen ố danh tiếng của họ và khiến công việc sau này trở nên khó khăn hơn. “Kết quả là giáo viên trở nên rất thụ động trong việc giải quyết các vấn đề bạo lực học đường", vị luật sư chỉ ra.
Ngoài ra, phạm vi mở rộng của Đạo luật Phúc lợi Trẻ em đã tạo ra bầu không khí kiện tụng trong trường học. “Trường học, nơi lẽ ra là nơi giáo dục, lại bị vấy bẩn bởi những tranh chấp pháp lý, ai cũng phải chịu đựng những vụ kiện tụng kéo dài và tẻ nhạt để minh oan cho mình”, ông Park nói.
Để đáp lại những lời phàn nàn của giáo viên, Hàn Quốc đã thông qua Dự luật khôi phục quyền giáo viên vào tháng 9. Đối với giáo viên, điều cốt lõi của luật là tăng cường các tiêu chuẩn về những gì cấu thành hành vi làm hại trẻ em và bảo vệ quyền lợi của giáo viên trong trường hợp bị sa thải.
Các giáo viên nói rằng việc điều chỉnh pháp luật chưa đi đủ xa và các nhà lập pháp cũng nên thông qua một dự luật tạo cơ sở pháp lý cho các nhà giáo dục để trừng phạt những bậc cha mẹ cáo buộc sai giáo viên.
Giáo viên Park Du-yong cho biết căng thẳng liên quan đến công việc đã khiến anh và nhiều đồng nghiệp “kiệt sức và suy sụp”.
Park đang nỗ lực tạo ra một trung tâm cung cấp hỗ trợ tâm lý và pháp lý cho những giáo viên đang gặp khó khăn, đồng thời cho biết anh vẫn cam kết “dưỡng dục” những người trẻ.
Theo ngaynay