leftcenterrightdel
 iáo viên Nhật Bản áp lực do khối lượng công việc nhiều.

Một ngày làm việc của nữ giáo viên Chiharu Kurayama - Trường Tiểu học Shimoda, Tokyo, bắt đầu từ 8 giờ sáng, kết thúc sau 20 giờ, trong khi lịch thông thường là 16 giờ 30 phút. Cô dạy hầu hết mọi môn học, trừ Âm nhạc và giải quyết các công việc hành chính, hỗ trợ học sinh giáo dục đặc biệt.

Chiharu cho rằng, ngoài dạy học, những công việc khác không phải là nhiệm vụ của giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay, giáo viên phải ôm đồm quá nhiều công việc. Chưa kể, ngày càng nhiều giáo viên nghỉ việc nên Chiharu phải làm thay đồng nghiệp. Trước đó, nữ giáo viên đã nghỉ 2 tháng để điều trị chứng mất thính lực do căng thẳng liên quan đến công việc.

Chiharu không phải người duy nhất phải đối mặt với khối lượng công việc nặng nề. Làm thêm giờ hoặc làm hơn 14 tiếng mỗi ngày đã trở thành thông lệ với giáo viên công lập Nhật Bản.

Tình trạng trên xảy ra trong bối cảnh thiếu giáo viên và công việc của giáo viên quá áp lực. Hội đồng Giáo dục Tokyo thông tin, tính đến tháng 1, thành phố thiếu 160 giáo viên tiểu học công lập do nhiều người nghỉ việc hoặc nghỉ ốm. Còn theo Bộ Giáo dục, hơn 12.000 giáo viên công lập trên toàn quốc đã nghỉ việc do bệnh tâm thần vào năm 2022.

Do số lượng giảm, khối lượng công việc của giáo viên nặng nề hơn. Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục Nhật Bản, 64,5% giáo viên tiểu học vượt quá giới hạn giờ làm thêm (45 giờ một tháng). 77,1% giáo viên THCS phải làm việc sau giờ học và cuối tuần.

Giới chức Nhật Bản đang tìm cách giải quyết vấn đề trên như thuê trợ giảng, số hóa một số công việc của giáo viên, mở rộng đội ngũ nhân viên hỗ trợ… Một số trường, như trường của Chiharu đã chủ động cắt giảm giờ làm việc.

Ông Shimoda Kazuhiro Nakamura, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, nhà trường đã ngừng tổ chức lớp học vào các buổi chiều. Giáo viên được khuyến khích về nhà nghỉ ngơi, lấy lại động lực làm việc.

Bên cạnh đó, một số giáo viên tự mình tìm cách tháo gỡ khó khăn. Thầy Takashi Koshimizu, có 18 năm kinh nghiệm, đã tổ chức diễn đàn giáo dục nơi các giáo viên chia sẻ mối quan tâm và học hỏi lẫn nhau. Họ đồng thời chia sẻ các căng thẳng, động viên lẫn nhau và cùng nhau tìm cách tháo gỡ vướng mắc.

Takashi đã nói chuyện với ban quản lý và hiệu trưởng trường thầy dạy học để trao đổi phương án hỗ trợ giáo viên nhưng chưa đủ hiệu quả. Vì vậy, thầy đã chuyển sang một lĩnh vực khác với mức lương hàng năm là 10 triệu yên. Con số này cao gần gấp đôi mức lương trước đây là 6 triệu yên khi làm giáo viên, không bao gồm tiền làm thêm giờ. Mức lương giáo viên đã không được tăng trong hơn 50 năm.

Việc giáo viên nghỉ làm trở thành thách thức trong tuyển dụng giáo viên tại Nhật Bản. Bộ Giáo dục đang cố gắng khuyến khích nhiều người trẻ gia nhập nghề nhưng với tình trạng hiện nay, người trẻ không muốn làm giáo viên. Vì vậy, các nhà giáo dục và chuyên gia cho rằng, điều cần thiết là giảm khối lượng công việc và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho giáo viên.

“Mọi người đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nếu giáo viên có thể giúp đỡ lẫn nhau, mỗi giáo viên có thể đảm nhận vai trò phù hợp nhất với mình và cải thiện môi trường làm việc”, Hiệu trưởng Shimoda Kazuhiro Nakamura cho biết.

Theo giaoducthoidai