leftcenterrightdel
 

Khó khăn đầu tiên là tỷ lệ học sinh tiểu học và THCS sử dụng các thiết bị kỹ thuật số còn thấp. Khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản trong năm 2023 cho thấy chỉ 28,4% học sinh lớp 6 sử dụng thiết bị kỹ thuật số “gần như hàng ngày” trong 5 năm tiểu học.

Bên cạnh đó, giáo viên ít khi sử dụng công nghệ trong lớp học. Điều này tạo ra khác biệt lớn giữa trường ứng dụng công nghệ tích cực và trường không và có nguy cơ gây bất bình đẳng giáo dục.

Các địa phương đang cố gắng giải quyết vấn đề này để nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị kỹ thuật số cho học sinh và chất lượng giảng dạy công nghệ của giáo viên Nhật Bản.

Đơn cử, Trung tâm Giáo dục thành phố Kumamoto đã tổ chức một buổi đào tạo kỹ thuật số cho giáo viên tại Trường Tiểu học Toyoda vào tháng 12/2023. Trong buổi học, bà Mihoko Arakawa, giám sát viên tại trung tâm, đã hướng dẫn hơn 10 giáo viên đóng vai học sinh sử dụng máy tính bảng trong lớp học.

Bà Mihoko Arakawa yêu cầu giáo viên xây dựng một câu chuyện bằng các hiệu ứng hoạt hình, sau đó trình chiếu cho cả lớp cùng xem. Một số giáo viên thực hành nhanh chóng nhưng số khác bối rối, phải nhờ đồng nghiệp hỗ trợ.

Phản ứng khác nhau là do môi trường giảng dạy của từng giáo viên là khác nhau. Với giáo viên giảng dạy tại trường có đông học sinh sử dụng thiết bị công nghệ, việc tổ chức bài học kỹ thuật số không mấy khó khăn.

Ngược lại, đây là thách thức với những giáo viên ít được tổ chức giảng dạy bằng các thiết bị công nghệ. Nguyên nhân có thể là những trường này thiên về giáo dục truyền thống hoặc học sinh sử dụng thiết bị công nghệ còn ít.

Tuy nhiên, nhờ buổi đào tạo, các giáo viên đã ý thức hơn về công dụng của những thiết bị công nghệ trong giáo dục. Thầy giáo Noriyuki Matsuo, 54 tuổi, giảng dạy môn Khoa học, cho biết anh sử dụng máy tính bảng trong lớp thường xuyên hơn. Thầy giáo hy vọng công nghệ giúp trẻ em thể hiện bản thân, năng lực một cách hiệu quả hơn.

Còn cô giáo Tomomi Shimokawa, 41 tuổi, vừa trở lại với công việc giảng dạy sau nhiều năm nghỉ để nuôi dạy con cái. Cô giáo cho biết: Đôi khi tôi cảm thấy lo lắng với cải cách kỹ thuật số và phải vật lộn để theo kịp đồng nghiệp. Nhưng hiện nay, tôi đã hình dung rõ ràng hơn về cách thức sử dụng những công nghệ này trong lớp học và tầm quan trọng của công nghệ.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã phát động chương trình Cổng trường học đổi mới và toàn cầu hóa (GIGA). Theo đó, Bộ phân phát thiết bị công nghệ như máy tính bảng, máy tính xách tay cho học sinh phổ thông và xây dựng một nền tảng giáo dục trực tuyến cho cả nước. Học sinh không cần mang sách vở, bút thước mà có thể thao tác học trên thiết bị công nghệ.

Bộ Giáo dục Nhật Bản có kế hoạch thành lập “Trung tâm hỗ trợ vận hành trường học GIGA” ở từng địa phương nhằm tăng cường hoạt động công nghệ trong lớp học. Trung tâm này sẽ đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ liên tục cho giáo viên.

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, khoảng 70% giáo viên trường công được đào tạo kỹ thuật số trong năm 2022. Nhưng nhiều giáo viên vẫn ưu tiên sử dụng bảng, bút, phấn và sách giáo khoa trong giảng dạy vì cho rằng học sinh ghi nhớ tốt hơn khi không sử dụng thiết bị công nghệ.

Theo giaoducthoidai