|
|
Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khoẻ tình cảm - xã hội cho người học. |
Khi Covid-19 bùng phát, giáo viên nhanh chóng thích nghi với việc giảng dạy từ xa, giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật, đồng thời tạo động lực, khuyến khích học sinh tham gia vào những thời điểm không chắc chắn.
Kiệt sức hậu Covid-19
Mặc dù mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng vẫn chưa hết, đặc biệt là đối với những trẻ nhỏ không thể tiêm chủng, nhiều trường học đang hoạt động bình thường trở lại. Song, đó là nơi giáo viên sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức. Trong hai năm qua, đại dịch đã khiến giáo viên trên toàn thế giới phải đối mặt với mất mát do các trường đóng cửa, sức khỏe tình cảm - xã hội của học sinh bị ảnh hưởng.
Giáo viên cũng phải linh hoạt, kết hợp giảng dạy từ xa và trực tiếp, tăng cường biện pháp phòng chống Covid-19. Hiện, nhiều giáo viên rơi vào tình trạng kiệt sức do những khó khăn trong năm học qua. Trong bối cảnh đó, phát triển chuyên môn được cho là quan trọng hơn bao giờ hết đối với các nhà giáo.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, các nhà giáo dục đã phải đảm nhận nhiều trách nhiệm mới. Cho dù đó là cố gắng giảng dạy từ xa trong thời kỳ đại dịch hay kiểm soát căng thẳng, phạm vi giảng dạy vẫn tiếp tục mở rộng.
Hiện, nhiều người cho rằng, phần lớn giáo viên có thể sử dụng công nghệ một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, giáo viên đã phải học cách thích nghi với việc giảng dạy từ xa một cách nhanh chóng.
Vì vậy, mặc dù giờ đây giáo viên có thể đã quen khi làm việc với công nghệ, nhưng đó vẫn có thể là một thách thức. Đặc biệt, giáo viên giảng dạy những học sinh dễ bị tổn thương là người đối mặt với nhiều khó khăn.
Ngay cả khi đại dịch lắng xuống, một số khu học chánh tại Mỹ cho biết vẫn tiếp tục cung cấp hình thức học tập từ xa. Việc phát triển chuyên môn liên tục có thể giới thiệu cho giáo viên những công cụ hiệu quả hơn. Đồng thời, giúp giải quyết những điểm khó khăn và làm cho công nghệ trở thành một cải tiến đáng hoan nghênh trong việc giảng dạy, thay vì là rào cản mới cần vượt qua.
|
|
Đại dịch Covid-19 khiến quá trình học tập của trẻ em trên toàn thế giới bị gián đoạn. |
Kỹ năng mới của giáo viên
Các nhà nghiên cứu đã vẽ ra một bản đồ giáo dục của các quốc gia và cộng đồng với những khoảng thời gian mà hoạt động giáo dục bị ngừng trệ hay mất đi vì Covid-19. Theo đó, trong 23 tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, trung bình học sinh trên toàn thế giới mất khoảng 8 tháng học tập, với sự chênh lệch đáng kể. Ở Bắc Mỹ và châu Âu là hơn 4 tháng, trong khi Nam Á, Nam Mỹ và vùng Caribe là hơn một năm. Con số này ở Nhật Bản và Australia chỉ là hơn 2 tháng. Trong khi đó, Philippines và Indonesia có thể đã ngừng trệ tới hơn 12 tháng.
|
Ngay cả với những nỗ lực không ngừng của các nhà giáo dục, đại dịch đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của nhiều học sinh. Việc đóng cửa trường học và giãn cách xã hội đã làm suy giảm sức khỏe tinh thần và tình cảm của nhiều học sinh.
Do đó, các nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục đã kêu gọi trường học giải quyết những nhu cầu cảm xúc này một cách trực tiếp trong lớp học. Mặc dù cách tiếp cận này có thể hiệu quả, nhưng nó đòi hỏi giáo viên phải có thêm các kỹ năng mới thông qua phát triển chuyên môn.
Dữ liệu về ảnh hưởng do Covid-19 vẫn tiếp tục được thu thập. Tới nay, tác động đầy đủ do đại dịch gây ra vẫn chưa được biết hết. Song, các nhà nghiên cứu dự đoán, rõ ràng là đại dịch đã và sẽ tiếp tục gây ra mất mát đáng kể trong học tập.
Do đó, hơn 20% quỹ cứu trợ khẩn cấp tiểu học và trung học (ARP ESSER) tại Mỹ đã được dành để chống lại tình trạng gián đoạn học tập ở trẻ. Mối quan tâm đặc biệt là tình trạng gián đoạn học tập của người da màu và bản địa.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy, Covid-19 có thể khiến người học da màu tiếp thu kiến thức chậm hơn từ 6 - 12 tháng vào tháng 6/2021. Trong khi đó, con số này ở học sinh da trắng là 4 - 8 tháng.
Trong bối cảnh này, các học khu tại Mỹ có toàn quyền sử dụng quỹ để giải quyết tình trạng gián đoạn học tập. Đồng thời, tập trung vào các nhu cầu xã hội và tình cảm của học sinh, cụ thể là trẻ em da màu và bản địa.
Nghiên cứu xác nhận rằng, chất lượng giáo viên là “yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả giáo dục của học sinh”. Vì vậy, điều quan trọng là tạo điều kiện để giáo viên khắc phục hậu quả, giải quyết tình trạng gián đoạn học tập do đại dịch gây ra.
Chú trọng phát triển chuyên môn
Nhu cầu xã hội và tình cảm của các nhà giáo dục cũng cần được coi là một phần của quá trình phát triển nghề nghiệp. Lý do là bởi, ngày càng có nhiều lời kêu gọi giáo viên cung cấp hỗ trợ cho học sinh. Trong khi thực tế là, các nhà giáo cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá của đại dịch, bao gồm đối phó với căng thẳng, chấn thương và mất đi những người thân yêu, đồng nghiệp do Covid-19.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những giáo viên phát triển các kỹ năng học tập - cảm xúc xã hội đã cải thiện sức khỏe của họ. Những giáo viên này thậm chí cũng cải thiện sự phát triển xã hội, cảm xúc và khả năng học tập của học sinh.
Ngược lại, các nghiên cứu cũng cho thấy, giáo viên được yêu cầu dạy học tập tình cảm - xã hội mà không được cung cấp cơ hội chuyên môn để phát triển kỹ năng sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới học sinh. Bộ Giáo dục Mỹ đã xác nhận, quỹ có thể và nên được sử dụng để hỗ trợ các nhu cầu xã hội và tình cảm của các nhà giáo dục và nhân viên.
Các trường học và học khu tại Mỹ phải đầu tư vào các nhà giáo dục của họ. Nhờ đó, đảm bảo rằng hệ thống giáo dục có thể phục hồi hoàn toàn sau các tác động của đại dịch. Sự phát triển chuyên môn của giáo viên đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng gián đoạn học tập và những thách thức.
Theo GD&TĐ