Tôi đang rửa chén thì trên phòng khách có tiếng rơi vỡ loảng xoảng. Chưa kịp chạy lên xem tình hình, tôi đã nghe con trai quát em: “Mày ăn gì mà ngu thế. Tao đập cho một phát bây giờ!”. 

Tôi đứng khựng lại, đó là những câu mắng con mà tôi vẫn gào lên mỗi khi tức giận, giờ nó được lặp lại theo một cách khác. 

Đứa con nhỏ đứng khóc tấm tức trước cái ly vỡ tan tành, đứa lớn tức giận chỉ tay vào mặt em quát nạt. Nếu là những lần trước, tôi sẽ lao đến bồng đứa nhỏ, tiện tay lấy cán chổi đánh đứa lớn, nhưng lần này tôi chỉ đứng im, bất lực. Con trai lớn thấy mẹ, vội cúi nhặt những mảnh vỡ, lắp bắp: “Không phải tại con, do em làm rơi”. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik
 

Tôi thấy vẻ sợ sệt trong ánh mắt con, bèn nhẹ nhàng: “Mẹ biết rồi, để đó mẹ dọn, lần sau không được mắng em nữa nhé”. Mặt con giãn ra như vừa thoát được một trận giông bão, con lí nhí: “Dạ, con xin lỗi”. 

Từ khi sinh đứa con thứ hai, tôi trở nên bẳn tính, thường mất kiểm soát và hay đánh mắng con lớn, bắt con phải nhường nhịn em. Em ngã, em khóc… đều quy vào lỗi của anh. Con mới 8 tuổi, làm anh trai được 3 năm. So với những đứa trẻ cùng tuổi, con tôi nhút nhát, hiền lành. Nhưng bất cứ điều gì con làm, tôi đều không vừa mắt. Chồng đi làm xa, mình tôi vừa chăm con vừa đi làm. Áp lực tứ phía khiến tôi mệt mỏi, tất cả sự hằn học trong ngày tôi trút hết vào đứa con lớn. 

Tôi dễ dàng tức giận vì những việc nhỏ như con làm đổ nước, ăn cơm chậm… Tiện tay vớ được cái gì là tôi đánh con. Những trận đòn, lời chửi mắng vô cớ làm con sợ hãi giật mình khi mẹ nói to. 

Có lần, sau khi cãi vã qua điện thoại với chồng, thấy con đang ngồi xem ti vi, tôi liền giằng lấy chiếc điều khiển, dùng nó quất con mấy cái rồi mắng: “Giờ mà chưa chịu học bài, còn ngồi đó à?”. Con lầm lũi lên phòng, nước mắt trào ra. Cậu chẳng hiểu chuyện gì, vì từ chiều con đã học xong bài và xin phép được xem ti vi vào buổi tối, và tôi thì không nhớ gì cả.

Mỗi lần bị mẹ quát vì những lỗi không phải của mình, con chỉ đứng yên chịu trận. Tôi biết mình sai nhưng khi cơn giận ập đến lại không thể giữ bình tĩnh.

Hồi mới mang thai, tôi mua đủ các loại sách thai giáo dạy con về đọc để làm mẹ hoàn hảo. Nhưng khi làm mẹ thực sự, mọi lý thuyết đó trở nên vô nghĩa.

Ảnh mang tính minh họa - PCH.vector
Ảnh mang tính minh họa - PCH.vector

 

Khi hối hận vì mắng oan con, tôi lại bù đắp bằng một món ăn hoặc đồ chơi con thích. Cứ như thế, cho đến hôm nay, khi chứng kiến con lớn quát nạt con nhỏ bằng những lời la mắng của mẹ, tôi mới giật mình. Những câu mắng của mẹ đã in vào tâm trí con, khiến nó bật ra trong vô thức.

Tôi thường tìm hiểu những phương pháp dạy con trên sách vở mà quên rằng, hành xử của mình hằng ngày chính là tấm gương cho con học tập. Ba mẹ nóng nảy tức giận sẽ nuôi dưỡng mầm mống bạo lực trong con. Tôi nhận ra, để dạy con tốt, ba mẹ cần học cách kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân.

Nếu không làm tốt điều này thì mọi phương pháp dạy con đều trở nên vô ích. 

Theo phụ nữ TPHCM