Giữ chân nhân tài bằng cách hỗ trợ sinh viên kết hôn gây tranh cãi ở Trung Quốc
Cập nhật lúc 17:34, Thứ tư, 15/09/2021 (GMT+7)
Để giữ chân nhân tài, đầu tuần này, một tỉnh 61 triệu dân ở Trung Quốc công bố kế hoạch thực hiện dự án hỗ trợ hôn nhân cho các sinh viên đại học. Dân mạng Trung Quốc chỉ trích là hai chuyện này không liên quan gì đến nhau.
Tỉnh An Huy của Trung Quốc công bố kế hoạch hỗ trợ hôn nhân cho sinh viên đại học nhằm giữ nhân tài - Ảnh minh họa: VCG
Với mục đích không để nhân tài rời khỏi tỉnh mình, ngày 13-9, tỉnh An Huy, tỉnh 61 triệu dân ở miền đông Trung Quốc, đã công bố kế hoạch thực hiện một dự án hỗ trợ hôn nhân cho các sinh viên đại học, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Cơ quan an sinh xã hội và nguồn nhân lực tỉnh An Huy đưa ra kế hoạch trên khi phản hồi với đề xuất "giữ chân sinh viên đại học" của ông Lý Ngọc Vân (Li Yu Yun), một cố vấn chính trị của tỉnh An Huy.
Cơ quan này cho biết họ sẽ thực hiện một loạt hoạt động như "tổ chức hẹn hò trực tuyến, tăng cường hướng dẫn cho hội phụ nữ các cấp, xuất bản tạp chí về các chủ đề như tình yêu, hôn nhân và gia đình, tạo cơ hội cho sinh viên đại học ở tỉnh An Huy giao tiếp và cải thiện xác suất kết hôn thành công".
Ngoài dự án hỗ trợ kết hôn, cơ quan trên sẽ tổ chức hội chợ việc làm cho sinh viên, khuyến khích các cơ sở áp dụng những biện pháp linh hoạt và hiệu quả hơn để thu hút nhân tài, thực hiện chính sách trợ cấp cho sinh viên tốt nghiệp muốn làm việc trong các cơ quan hành chính công và dịch vụ xã hội tại cấp cộng đồng, và cung cấp chỗ ở với giá cả phải chăng cho sinh viên tốt nghiệp...
Ngay lập tức, thông tin trên đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc về các yếu tố quan trọng để giữ chân nhân tài.
"Để giữ chân nhân tài cần dựa vào việc làm, môi trường và giá nhà. Hãy thôi hành động như một kẻ buôn người", một người dùng mạng bình luận bên dưới bài đăng của báo Pengpai Xunwen trên Weibo.
Một người dùng mạng khác viết: "Chính quyền có nên giữ chân nhân tài bằng cách kết hôn không? Tôi nghĩ chúng ta nên dựa vào yếu tố việc làm".
Một số người dùng trên Weibo còn chỉ trích cách làm của tỉnh An Huy, cho rằng dự án trên thật ra nhắm vào vấn đề khác thể hiện qua một số bình luận như "Chắc để tăng tỉ lệ kết hôn rồi!", "Vì tỉ lệ sinh mà không từ một thủ đoạn nào"...
Theo tuoitre