Vào những năm 90 cuối thế kỷ trước, nếu có ai mơ ước vậy, chắc sẽ bị cho là hoang tưởng. Nhưng điều đó đã trở thành hiện thực nhờ vào sự cố gắng “giữ hồn Việt” của chị Trần Phương Hoa và chồng chị, anh Lê Mạnh Hùng hiện đang sống ở Berlin.
Tới Đức từ năm 1991, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, anh chị Hùng-Hoa đã coi âm nhạc như một phương tiện giúp mình kiếm sống và thâm nhập nhanh nhất vào xã hội nơi đây. “Chúng tôi là những nghệ sĩ - Chị Trần Phương Hoa, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và từng là diễn viên nhạc dân tộc của Nhà hát Thăng Long, Hà Nội tâm sự - nên dù sống xa đất nước vẫn muốn gìn giữ và biểu diễn âm nhạc dân tộc mình...” .
Một lần, chị được mời biểu diễn trong một khán phòng sang trọng ở Berlin, khi tiếng đàn bầu của Việt Nam được tấu lên, tất cả im lặng. Rồi từng tràng pháo tay không dứt khi nốt nhạc cuối cùng kết thúc. “Lúc đó, tôi hiểu âm nhạc dân tộc Việt Nam có đất sống tại đây, vì vậy, mình phải làm gì đó để nó có thể bén rễ, xanh cây”. Với những suy nghĩ đó, chị Hoa và anh Hùng bắt đầu gây dựng nền móng cho cả một tương lai lâu dài.
“Ban đầu khó khăn nhiều lắm. Không có nhạc cụ vì lúc đó việc đi lại giữa Việt Nam và Đức đâu có dễ dàng nên hễ nghe tin có người quen sang Đức là chúng tôi nhờ vả, khi thì cây sáo, lúc bộ dây đàn, vài bộ trang phục biểu diễn... Rồi bận mải kiếm sống nên thời gian tập đàn, hát chỉ là tranh thủ. Nhưng có đam mê nên cũng qua hết”. Anh Hùng tâm sự thế.
Và hễ có cơ hội (dù là biểu diễn không có thù lao), anh chị cũng nhận lời biểu diễn để được quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam. Như lời chị Trần Phương Hoa: “Chúng tôi đã mang chuông đi đánh tới tận... cung đình xứ người!”. Nói thế là chị muốn nhắc tới những kỷ niệm khó quên, lần đầu tiên nhạc dân tộc Việt Nam với đàn Tranh, đàn Bầu, sáo Trúc, đàn T´rưng, K´rông pút vang lên trong phòng hoà nhạc danh giá mang tên nhạc sĩ thiên tài Đức Beethoven ở Bonn, trên sân khấu nhà hát giao hưởng Berlin, nhà hát Dân tộc Berlin, trong dinh Tổng thống Đức, toà thị chính Berlin và nhiều thành phố lớn ở nhiều nước Âu châu...
Các nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã được anh chị nhiều lần thử nghiệm diễn chung với một số dàn nhạc giao hưởng Đức, một số vở ca kịch lớn, các nhóm nhạc quốc tế thuộc nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Anh Hùng chia sẻ: “Nhạc dân tộc Việt Nam đã trở thành một đặc sản văn hoá ở trời Tây. Nhiều nhà tổ chức sự kiện đã luôn để mắt đến chúng tôi mỗi khi họ cần”...
Đến dạy nhạc Việt cho người Đức
“Sau nhiều năm biểu diễn, tôi nghĩ, nếu chỉ biểu diễn thôi, âm nhạc Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giới thiệu, còn muốn truyền bá, thì phải giảng dạy, phải để người Đức chơi được nhạc cụ Việt Nam”. Từ suy nghĩ này, anh chị Hùng - Hoa đặt ra mục tiêu đào tạo âm nhạc dân tộc Việt Nam tại Đức.
Vốn có quan hệ rộng, thạo ngoại ngữ, được đào tạo bài bản cả về truyền thông và tổ chức sự kiện, anh Lê Mạnh Hùng đã tiên phong đi kết nối, vận động chính quyền sở tại, những nhà hoạch định chính sách địa phương Đức và đặc biệt là lãnh đạo một số cơ sở văn hoá Đức ở thủ đô Berlin cho dự định mở bộ môn giảng dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Còn chị Phương Hoa thì lập đề cương giảng dạy, soạn giáo trình, giáo án cho việc giảng dạy nhạc dân tộc Việt Nam... Và sự cố gắng của anh chị đã thành công, vào ngày 17/3/2007, chính quyền Berlin đã ký quyết định cho phép dạy nhạc dân tộc Việt Nam tại trường nhạc mang tên nhạc sĩ nổi tiếng Schostakowitsch nhưng với một điều kiện: Chỉ cho dạy trong 6 tháng, nếu thu hút được nhiều học viên tới học nhạc sẽ có quyết định lâu dài...
“Cơ hội có một không hai đã đến. Chúng tôi bảo nhau, không bao giờ là 6 tháng mà phải là...vĩnh viễn” - Anh Hùng nói và cho biết thêm anh chị nhiều đêm thức trắng để nghĩ cách làm sao giảng dạy sao cho hay, lo đầu tư mua nhạc cụ từ Việt Nam sang, lo trau dồi thêm nghiệp vụ sư phạm... Điều mà anh chị không ngờ tới, đó là khi biết thông tin về dự án, nhiều đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí Berlin lần lượt đưa tin, viết bài giới thiệu, vì vậy nhiều học viên đã biết và đến đăng ký học nhạc Việt Nam.
Số lượng cứ tăng dần, tăng dần và vượt qua con số 100 ngay trong thời điểm đầu tiên. Học viên của anh chị cũng không chỉ có người Việt mà còn là người Đức, người Nga, người Pháp, người Ba Lan, người gốc Á... Nhiều học viên là vợ chồng, anh chị em, mẹ con, bà cháu cùng tới học. Có nhà nghiên cứu đông phương học, sinh viên âm nhạc muốn nghiên cứu về Việt Nam thông qua việc học âm nhạc Việt Nam; có các nghệ sĩ Đức hay người nước ngoài muốn học qua cách sử dụng một số nhạc cụ Việt Nam để tìm tòi thí nghiệm các hình thức âm nhạc mới; một số nhà soạn nhạc Đức muốn viết các bản Opera có lồng cài nội dung về Việt Nam...
Anh Kalia, một người Đức với ý muốn tìm hiểu Việt Nam cặn kẽ đã tìm đến chị Hoa và anh Hùng. Kalia miệt mài học sử dụng đàn Bầu và học nói Tiếng Việt. Đến nay anh đã đàn thành thục các bản nhạc: Làng Tôi, Giọt Mưa Thu, Lòng Mẹ, Lên Ngàn, Lý Chiều Chiều hoặc khi Kalia cất giọng hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”... không ít người sẽ nhầm tưởng đó là một ca sĩ chuyên nghiệp ở Việt Nam đang biểu diễn. Kalia bày tỏ: Tôi mơ ước một ngày gần đây sẽ được tới thăm Việt Nam, biểu diễn nhạc Việt và nói chuyện với khán thính giả Việt Nam bằng vốn liếng tiếng Việt.
Nhưng có lẽ anh chị Hùng - Hoa vui nhất là vì có rất nhiều các cháu người Việt thế hệ thứ ba, thứ tư ở Đức đến xin học nhạc Việt Nam. Có cháu chỉ biết nói vài ba từ Việt, cháu chỉ nói tiếng Đức... nhưng khi chơi nhạc Việt thì đều rất say mê. “Con thích nhạc Việt và lúc chơi nhạc Việt như bị thôi miên”, Nguyễn Dương Hùng, 15 tuổi, đã học nhạc Việt Nam được 5 năm bày tỏ.
Chị Lê Thị Thúy Vân, mẹ của cháu Gia Bảo cho biết: Cho con đến học đàn tranh để con biết về truyền thống Việt Nam, để con được nói tiếng Việt, và để có yêu Việt Nam hơn. Anh Hùng, chị Hoa hiểu điều đó nên đã có những quy định ngầm với các con, là khi đến lớp học nhạc phải nói tiếng Việt và thỉnh thoảng lại tổ chức liên hoan các món ăn Việt Nam.
Tháng 3 này, bộ môn nhạc Việt Nam tại trường nhạc Berlin tròn 10 năm. 10 năm nỗ lực giữ hồn Việt nơi xứ lạ cũng giúp cho anh chị Hùng - Hoa có thêm nhiều niềm vui khi mà con số học viên đã lên tới vài trăm người; khi mà có học viên ở trường nhạc này đã vào được đại học Âm nhạc Quốc gia Đức; khi mà lãnh đạo của trường nhạc Schostakowitsch đánh giá: Bộ môn nhạc cụ dân tộc Việt Nam là niềm tự hào của trường, và họ đã không ngần ngại chọn tiết mục hoà tấu bản “Trống Cơm” do dàn nhạc dân tộc VN của trường trình diễn để tham gia CD chọn lọc những tác phẩm xuất sắc nhất cho hệ thống trường nhạc công của thủ đô Berlin năm 2016 - 2017. Đặc biệt, vào năm 2013, chị Trần Phương Hoa được vinh danh là “Công dân tiêu biểu của thủ đô Berlin”.
Hàng ngày, trên các chuyến tàu điện ngầm từ muôn ngả đến trường nhạc Schostakowitsch ở Berlin, người ta không chỉ bắt gặp những người vai đeo đàn Guitare, Violine, Accodeon mà còn gặp cả những người Việt, người Âu vai mang đàn Tranh, đàn Bầu... đến trường học nhạc. Anh Lê Mạnh Hùng cười vui: “Nếu tỉnh dậy, chắc ông nhạc sĩ thiên tài Đức Beethoven cũng sẽ phải mỉm cười!”. Còn tôi hiểu, anh Hùng, chị Hoa đã và đang đổ ra bao nhiều mồ hôi, công sức và cả những hy sinh lặng thầm... chỉ vì một mong ước giữ “hồn Việt” nơi đất khách.
Theo VOV5