Những thông tin về dịch bệnh Covid-19, cùng với việc giãn cách xã hội, trường học đóng cửa, không được vui chơi, tiếp xúc với bạn bè, đồng thời phải ở trong nhà thường xuyên khiến trẻ cảm thấy buồn chán, lo lắng, căng thẳng. Dưới đây là 5 điều cha mẹ và người chăm sóc có thể làm để bảo vệ sức khỏe tinh thần của trẻ em trong đại dịch Covid-19.

Nói chuyện với trẻ


Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trẻ em có tâm hồn non nớt và mong manh. Do đó, các bé hấp thụ mọi điều xảy ra ở môi trường xung quanh rất nhanh và dễ bị ảnh hưởng. Hiện tại, chúng ta sống trong đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và căng thẳng, điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến trẻ.

Vì vậy, cha mẹ nên thường xuyên nói chuyện với con về những gì đang xảy ra xung quanh, tại sao nó đang diễn ra và hậu quả của những điều đó (nếu có). Nói chuyện với con cũng sẽ khiến cha mẹ trở thành nguồn thông tin chính và ngăn trẻ tìm hiểu thông tin từ những nguồn có hại hoặc không đáng tin cậy khác.

Dấu hiệu nhận biết


Cha mẹ hãy quan sát con cái thật kỹ để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu thay đổi hành vi hoặc thái độ và giải quyết chúng ngay lập tức. Đôi khi, trẻ không thể hiện những gì chúng đang cảm thấy bằng lời nói mà sẽ qua hành vi.

Do đó, cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên nhận biết ngay những dấu hiệu này và tìm ra nguyên nhân đằng sau nó. Nếu những vấn đề như vậy có thể được giải quyết bằng cách nói chuyện, cha mẹ nên ngay lập tức xử lý và giúp trẻ giải tỏa tâm lý.

                                                                      Thường xuyên ở trong nhà trong thời gian giãn cách có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, căng thẳng. Ảnh: Unicef.


Hạn chế tương tác trên mạng xã hội


Theo India Today, không thể phủ nhận phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi thế giới, gắn kết mọi người lại với nhau trên toàn cầu. Tuy nhiên, đôi khi, nó khiến con người tin vào một điều tiêu cực nào đó, khiến bạn cảm thấy chán nản, lo lắng.

Những thông tin thời sự về đại dịch, tử vong và tiêu cực trên mạng xã hội ảnh hưởng đối với trẻ em còn nghiêm trọng hơn nhiều. Vì vậy, cha mẹ nên giám sát chặt chẽ hoạt động truyền thông xã hội của con, đảm bảo trẻ không được tiếp xúc với thông tin khác với những điều phù hợp với lứa tuổi của bé.

Gắn kết với trẻ thông qua các hoạt động


Cha mẹ nên giữ cho trẻ bận rộn trong thời kỳ đại dịch bằng cách cho con tham gia các hoạt động vui chơi và giáo dục. Điều này sẽ giúp con không suy nghĩ về những vấn đề tiêu cực, do đó, giảm bớt căng thẳng không cần thiết.

Cùng hoạt động, vui chơi với trẻ cũng sẽ giúp các con gắn kết với cha mẹ. Điều này sẽ tự động nâng cao sức khỏe tinh thần của trẻ, tạo ra môi trường lành mạnh và an toàn xung quanh chúng.

Luôn tin tưởng và tôn trọng trẻ


Ngay cả sau khi thực hiện tất cả biện pháp phòng ngừa, các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể phát sinh. Điều này không phải do lỗi của người chăm sóc mà là nhịp độ nhanh hiện tại của môi trường xung quanh chúng ta đang sống.

Vì vậy, để trẻ có thể cởi mở và chia sẻ thoải mái về những gì bé cảm nhận được, cha mẹ phải hình thành cảm giác tin tưởng ở trẻ. Bé phải có niềm tin rằng cha mẹ sẽ lắng nghe trẻ nói, tôn trọng ý kiến và giải quyết các vấn đề của trẻ. Điều này sẽ mang lại cho đứa trẻ cảm giác an toàn và ổn định, nâng cao sự phấn chấn và thái độ tích cực cho con.

Theo Zing