Dưới đây là sáu cách bạn có thể giúp trẻ hướng nội phát huy thế mạnh.

1. Hiểu rõ vai trò của người hướng nội

Người hướng nội hay người hướng ngoại đều có những phẩm chất đáng trân trọng và việc nuôi dưỡng trẻ theo tính cách riêng sẽ giúp các em phát huy hết sức mạnh, sở trưởng và khả năng cá nhân. Nếu phụ huynh vẫn lo âu về khả năng của người hướng nội, hãy nghĩ về những đặc điểm sau.

Thứ nhất, người hướng nội có sức mạnh tiềm ẩn. Trẻ hướng nội không quảng giao nhưng các em có trí tưởng tượng rất phong phú, có khả năng lắng nghe, giỏi quan sát và có thể "đọc vị" người khác. Thứ hai, người hướng nội giữ cho thế giới được cân bằng bởi bên cạnh trò chuyện, con người cần được lắng nghe.

Nghiên cứu chỉ ra người hướng nội rất có tiềm năng trở thành nhà lãnh đạo. Bằng chứng là không ít người có sức ảnh hưởng trên thế giới là người hướng nội, như: tỷ phú Bill Gates, cựu tổng thống Abraham Lincoln, thiên tài Albert Einstein.

2. Tôn trọng sở thích của trẻ

Khi đã hiểu rõ thế mạnh của người hướng nội, nhận ra sở thích của trẻ, bạn nên tôn trọng nó. Ví dụ, con chỉ có 1-2 người bạn thân nhưng bạn nhìn sang con của người khác có 5 hoặc thậm chí nhiều hơn, đừng lo lắng rằng con bạn đang gặp khó khăn trong giao tiếp. Trẻ hướng nội không quan tâm số lượng bạn bè mà chú ý đến chất lượng. Các em chỉ thoải mái với những người tâm đầu ý hợp, nhưng không đồng nghĩa không thể trò chuyện với mọi người xung quanh.

Thúc giục làm quen nhiều bạn mới không thể biến trẻ hướng nội thành hướng ngoại mà chỉ khiến các em khó chịu, cáu kỉnh. Thay vào đó, bạn hãy tôn trọng quyết định kết bạn của con, khuyến khích con dành nhiều thời gian và quan tâm đến những người bạn yêu quý.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh:Shutterstock.

3. Chấp nhận tính cách của trẻ

Thử tưởng tượng bạn muốn con trở thành người hướng ngoại và liên tục thúc ép phải năng nổ hơn, hoạt bát hơn giống các bạn. Vì trẻ tự nhận thức về bản thân thông qua cách nhìn nhận, đánh giá của người lớn nên chúng sẽ cho rằng bản thân có vấn đề, từ đó nảy sinh suy nghĩ tự ti, ác cảm với mình. 

Chấp nhận tính cách hướng nội của con là cách bạn yêu thương con. Việc cha mẹ ủng hộ tính cách và thế giới riêng của trẻ sẽ tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin để chúng phát huy khả năng của mình.

4. Tạo môi trường dành cho trẻ hướng nội

Những đứa trẻ hướng nội thích dành thời gian cho bản thân, có thể một mình tự vẽ tranh, đọc sách hay chơi đồ chơi. Đây là khoảng thời gian để phát huy trí tưởng tượng, tự nhận thức về bản thân và học hỏi về thế giới xung quanh.

Phụ huynh không nên phiền lòng nếu trẻ chơi một mình. Vì với trẻ hướng nội, được sống trong thế giới tưởng tượng là niềm hạnh phúc giống như trẻ hướng ngoại được bao bọc bởi mọi người xung quanh. Trong nhà, bạn có thể dành cho con không gian riêng tư hoặc phòng ngủ riêng, trang trí theo chủ đề con yêu thích. Đó có thể là tủ sách nếu trẻ ham đọc, là giá vẽ nếu trẻ thích vẽ hoặc là những bộ đồ chơi xếp hình trẻ không biết chán.

Ngoài ra, bạn hãy tôn trọng sự riêng tư của trẻ, bố hoặc mẹ nên dành nhiều thời gian riêng với con. Tất cả thành viên trong gia đình không nhất thiết phải sinh hoạt chung trong một phòng.

5. Hoạt động dành cho trẻ hướng nội

Trẻ hướng nội không phát triển mạnh trong các môn thể thao, hoạt động tập thể và cảm thấy áp lực, mệt mỏi nếu bị ép buộc phải hòa nhập với môi trường không thuộc về mình. Thay vào đó, phụ huynh nên khuyến khích con tham gia các hoạt động dành cho người hướng nội. Trong lĩnh vực thể thao, các em có thể thử câu cá, bơi lội, đạp xe, lướt sóng hoặc võ thuật. Ở các môn nghệ thuật, vẽ tranh, chụp ảnh, chơi nhạc cụ, chơi cờ rất được trẻ hướng nội yêu thích.

6. Không ép buộc tương tác xã hội

Nhiều phụ huynh lo ngại nếu không có tính cách hướng ngoại, trẻ sẽ khó hòa nhập với xã hội. Điều này không đúng. Trẻ hướng nội có khả năng tương tác xã hội không kém cạnh trẻ hướng ngoại, nhưng sau khi ở lâu trong đám đông các em cần khoảng thời gian riêng để bình ổn lại cảm xúc và suy nghĩ. Vì vậy, sau một ngày dài vui chơi với bạn bè hoặc tham gia các hoạt động tập thể, phụ huynh nên để con tự do tận hưởng không gian riêng để nạp năng lượng.

Khi trẻ hướng nội lần đầu tham gia các hoạt động mới lạ, hoạt động tập thể, bạn nên cho con thời gian quan sát, thích ứng thay vì thúc giục con hành động. Ban đầu, trẻ có thể do dự, dè chừng, nhưng sau khi đã làm quen và nắm rõ quy tắc vận hành, trẻ sẽ thoải mái bộc lộ bản thân.

Theo vnexpress