Trường Tiểu học Qilu ở huyện Tuy Ninh, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, có 210 học sinh, trong đó 130 em thuộc diện "bị bỏ lại" ở quê để cha mẹ lên thành phố làm việc và 15 giáo viên, phần lớn trên 50 tuổi. Ngôi trường nghèo chỉ có một tòa nhà hai tầng cũ kỹ và hai dãy nhà học.
"Trẻ bị bỏ lại nhà cho ông bà chăm sóc và thiếu sự quan tâm của bố mẹ đã sinh ra những thói quen xấu, trong đó có việc lạm dụng điện thoại và các thiết bị điện tử", Liu En, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Ông Liu gắn bó với những ngôi trường ở vùng nông thôn kể từ khi ra trường năm 1988. Năm 2001, ông được chuyển công tác tới Qilu cùng vợ, bà Liu Yan, giáo viên tiếng Trung lớp 6.
Theo thầy Liu, trước khi trường bắt đầu triển khai các bài học nhảy dây, nhiều học sinh lớp 3, lớp 4 đã bị cận thị, số khác hư vì nhiều vấn đề, trong đó có việc thiếu động lực học, khả năng thích nghi xã hội yếu và sự hợp tác kém. Để khắc phục, thầy Liu giới thiệu những bài học mang tính đổi mới, tổ chức nhiều hoạt động thể thao, giúp các em có hứng thú học tập, tránh xa thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, trường không có cơ sở vật chất đạt chuẩn để học sinh rèn luyện thể thao, thiếu thiết bị, kinh phí và giáo viên thể chất. Cuối cùng, thầy giáo quyết định môn nhảy dây là lựa chọn lý tưởng. Năm 2012, thầy cô giáo và học sinh cùng rèn luyện môn nhảy dây để tham gia một hoạt động giao lưu cùng các trường khác tại địa phương.
Để lôi kéo sự quan tâm của học sinh, thầy Liu cho phép các em được đưa ra những cách nhảy của riêng mình. Từ đó, số lượng học sinh tham gia nhảy dây tăng lên. Năm 2015, thầy Liu xây dựng được đội nhảy dây đầu tiên của trường, thầy là huấn luyện viên cho mỗi bài học.
"Khi phải đổi mới, các học trò giỏi hơn tôi", thầy Liu nói, cho biết thêm nhà trường đã quyết định đặt tên cho một kỹ thuật nhảy mới do một học sinh nghĩ ra nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan tâm tới hoạt động này.
Hiện trường Qilu có hơn 30 kỹ thuật nhảy dây cơ bản và 200 động tác cải tiến. Năm 2017, dự án văn hóa nhảy dây đặc biệt của trường Qilu được ngành giáo dục địa phương ủng hộ. Văn hóa này sau đó được khuyến khích rộng rãi tại nhiều trường tiểu học khắp huyện.
"Con thật sự biết ơn các thầy cô giáo vì đã mang môn nhảy dây đến cho chúng con. Môn này không chỉ giúp con có kỹ năng thể thao mà còn cả sự tự tin trong cuộc sống", Xiao Ya, nữ sinh "bị bỏ lại", nói.
Theo vnexpress