Mạng xã hội đang rất gắn bó với đời sống của trẻ - Ảnh minh họa
Trong thế giới ảo cũng như cuộc sống thực có rất nhiều điều chúng ta không thể kiểm soát. Bắt nạt trực tuyến có lúc cũng như thế, khi kẻ xấu giấu mình sau bàn phím và liên tục tấn công bạn. Khi đó tốt nhất bạn hãy chọn cách đóng màn hình lại và đến với thế giới thực tại nhiều điều lý thú đang đón chờ. Nguyễn Văn Công |
Nhận diện chiêu bắt nạt ảo Xúc phạm, lăng mạ: Có thể đó là câu chửi bới, lăng mạ trực tuyến; thường thô lỗ, cộc cằn, được viết trên tường Facebook của cá nhân hoặc trong một diễn đàn thảo luận nhóm.
Quấy rầy, gây rối, đeo bám: Xúc phạm là kiểu tấn công điển hình trên mạng xã hội, còn quấy rầy, gây rối là điều tương tự nhưng được thực hiện ở những không gian mạng riêng tư, như tin nhắn điện thoại...
Phao tin, bịa đặt, đồn nhảm: Chiêu thức này rất nguy hiểm, bởi tốc độ lan truyền nhanh, làm nạn nhân cảm thấy rất tổn thương.
Giả mạo, ăn cắp danh tính, giả danh: Lập Facebook mạo danh nạn nhân, đối tượng dùng tin nhắn để gửi đến những người bạn của người đó, khiến họ trở nên ngu ngốc, ngớ ngẩn trong mắt mọi người.
Xâm phạm, xuyên tạc đời tư: Là việc đăng thông tin đáng xấu hổ, làm trò cười cho thiên hạ. Chuyện này có thể xảy ra khi trẻ để máy tính hay điện thoại rơi vào tay người khác mà không ngắt kết nối khỏi trang mạng xã hội của mình.
Lừa dối: Đây là đòn tấn công nham hiểm nhất, kẻ bắt nạt đã chiếm lấy lòng tin của trẻ rồi sau đó đăng những nội dung trẻ đã tâm sự để chế giễu trẻ. Các bạn tuổi teen khi bị lừa dối dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, mất phương hướng, thậm chí chẳng còn tin vào cha mẹ.
Cô lập: Tẩy chay, cách ly bạn ra khỏi nhóm của lớp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ xã hội, nếu bị cô lập các em sẽ cảm thấy cô đơn, thiếu sự chia sẻ và có thể nảy sinh hành vi tiêu cực.
Một số kỹ năng ứng phó trên mạng xã hội
Cần phân biệt rõ giữa vui đùa với bắt nạt. Vui đùa là chọc cười, kể chuyện hài hước để tăng thêm cảm xúc, tình cảm. Ngược lại, bắt nạt là để cười nhạo, chế giễu, đem nạn nhân làm trò hề cho dân mạng. Để không trở thành nạn nhân của những trò bắt nạt ảo, mỗi người vừa là những cư dân mạng thông thái, vừa biết chủ động tự vệ.
1. Ứng xử lịch sự: Khi kẻ bắt nạt trực tuyến là người mình quen biết, nên thử nói chuyện đúng sai một cách lịch sự, tránh châm ngòi cho cuộc chiến tranh bàn phím. Một cách phản ứng lịch thiệp, nhã nhặn sẽ khiến đối thủ chưng hửng, mất hứng.
2. Dùng chức năng "ẩn" hoặc im lặng: Khi đã hết sức nhân nhượng và lịch thiệp nhưng kẻ bắt nạt ảo không chút động lòng trắc ẩn, đòi hỏi trẻ phải ẩn các thông tin gièm pha, châm chọc của kẻ bắt nạt trực tuyến khỏi trang mạng. Kẻ bắt nạt tiếp tục quấy rầy thêm một thời gian, nhưng sẽ chán trò chơi một mình.
Nếu đã nhắc nhở nhiều lần mà vẫn thấy bị làm phiền, mức độ bắt nạt có tính "nguy hiểm" hơn, trẻ sẽ phải tính đến những đòn tự vệ chắc chắn hơn, xậy dựng cho mình một lá chắn với kẻ xấu. Trong trường hợp nghiêm trọng như kẻ bắt nạt ảo dùng đòn tấn công lừa dối, xuyên tạc đời tư, trẻ cần tìm đến những người có uy tín hoặc cơ quan chức năng (giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng, công an địa phương...) hoặc cha mẹ mình để cùng giải quyết.
3. Đến những vùng đất mới: Khi mạng xã hội không còn an toàn cho trẻ, bạn hướng trẻ tìm kiếm môi trường dễ chịu hơn. Làm sao để trẻ nhận ra rằng không được rơi vào trạng thái đơn độc, trẻ cần tâm sự với những người đáng tin cậy khi gặp phải rắc rối để có được một tâm lý bình tĩnh, tự tin và vững vàng, đó chính là đề kháng tốt cho giới trẻ.
Theo tuoitre