Tiến sĩ Phạm Thị Thuý
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy

 

Một người bạn của tôi đã vượt qua những rào cản định kiến khi đưa ba mẹ vào viện dưỡng lão. Ông bà vào đấy sống rất hạnh phúc vì được dịch vụ y tế chuyên nghiệp chăm sóc hằng ngày, được tâm sự với những người cùng lứa tuổi trên chính quê hương mình và cứ vài tháng, con cái ở Việt Nam, ở nước ngoài lại ghé thăm. Các con yên tâm mà ba mẹ cũng cất đi tâm lý khiến con cái phải bận lòng, vướng tay vướng chân.

Nói như thế, không có nghĩa cổ xúy cho việc con cái không trực tiếp phụng dưỡng ba mẹ tại nhà mà tôi muốn nói thời hiện đại, với sự phát triển dịch vụ, công nghệ… thì những người có điều kiện không khó để báo hiếu. Họ có thêm sự chọn lựa để viết tròn chữ hiếu đối với song thân.

Thời nay, các cụ đã có cái nhìn thoáng, cởi mở, thậm chí họ muốn độc lập, tự do. Niềm vui chỉ quây quần với con cháu được cân bằng hơn, mở rộng hơn, phong phú đối tượng hơn. Có người cao tuổi muốn vào viện dưỡng lão, muốn ở một mình, thậm chí nhóm bạn già “góp gạo thổi cơm chung” trong một ngôi nhà, cùng chăm sóc nhau, cùng đi chơi, du lịch, đi chùa mà không phụ thuộc vào con cháu.

Mỗi ngày là một ngày vui. Khi con cháu đến thăm, đem bánh, quà, tổ chức sinh nhật… niềm vui của người già được nhân lên. Không có cảnh ảm đạm khi người già tìm gặp nhau chỉ để phàn nàn, than khóc chuyện con cháu vô tâm, không hiểu mình.

Nhiều người con ở xa, vẫn kéo gần khoảng cách bằng việc gọi video, lúc nào cũng có thể quan tâm, dõi trông ba mẹ qua camera. Sống cùng nhà thì dành không gian riêng, yên tĩnh cho ba mẹ già, nhưng khi nghe tiếng chuông báo động hay điện thoại, các con cháu tức thì có mặt để hỗ trợ.

Khi ba mẹ đau bệnh, phải vào bệnh viện mà nhà neo người, vẫn có thể nhờ đến dịch vụ nuôi bệnh, vừa tròn bổn phận phụng dưỡng ba mẹ, vừa đảm bảo được công ăn việc làm. Như vậy, có nhiều cách thức để góp vốn cho “ngân hàng hiếu thảo”.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

Chữ hiếu là sự cụ thể hóa tình yêu thương của con cháu dành cho ba mẹ, ông bà. Hỏi rằng “với con cái chưa dư dả về vật chất thì có báo hiếu được không, có thể hiện tình thương với ba mẹ được không”, tôi cho rằng một người con hiếu thảo không nhất thiết phải giàu có.

Chúng ta có ít nhất 5 ngôn ngữ yêu thương: những lời khen, khích lệ; dành thời gian cho nhau; quà tặng cho nhau; quan tâm chăm sóc; những cử chỉ âu yếm. Dù mình ít tiền, chưa thể cung cấp đủ đầy cho ba mẹ về vật chất, nhưng những ngôn ngữ yêu thương còn lại vẫn sẽ cất lên thành lời và ba mẹ chắc hẳn luôn cảm nhận được sự ấm áp từ lòng thành ấy.

Một người con hiếu thảo tất sẽ có một trái tim thiện lương và sẽ bao hàm nhiều mỹ đức: cảm ân, báo ân, biết nghĩ cho người khác, không quên nguồn cội, sống có trước có sau… Tất cả tố chất này của người con hiếu thảo sẽ giúp họ thành công và hạnh phúc trong đối nhân xử thế, trong công việc và cuộc sống. 

Theo phụ nữ TPHCM